THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:05

Đưa Luật Trẻ em vào cuộc sống: Trẻ em được bảo vệ, chăm sóc toàn diện hơn

 

Triển khai đưa Luật Trẻ em 2016 đến tận cơ sở

Ngày 1/6/2017, Luật Trẻ em 2016 chính thức có hiệu lực là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em. Cục Trẻ em tham mưu Bộ LĐ-TB&XH trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Quyết định số 856/QĐ-TTg về việc thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em; Quyết định số 1354/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh sách thành viên Ủy ban quốc gia về trẻ em; Quyết định số 1216/QĐ-UBQGVTE của Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em về ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban quốc gia về trẻ em.

Trẻ em được tham gia vào những vấn đề liên quan đến trẻ em.

 

Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Đặng Hoa Nam cho biết, ngay sau khi Luật Trẻ em có hiệu lực, Cục đã phối hợp triển khai tổ chức hội thảo phổ biến các nội dung của Luật Trẻ em và Nghị định 56/2017/NĐ-CP cho 63 tỉnh, thành. Lãnh đạo Cục đã trực tiếp phổ biến Luật, Nghị định cho một số tỉnh: Hưng Yên, Bắc Kạn, Bình Định, Yên Bái, Đồng Nai, Tây Ninh, Lào Cai, Hưng Yên, Thái Nguyên, Điện Biên và một số đơn vị như: Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; Hội Phụ nữ TP. Hà Nội; Làng trẻ em SOS tại Bến Tre, Hội Bảo trợ tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện Cục đã hoàn thành bộ tài liệu tập huấn các nội dung liên quan đến công tác trẻ em.

Đặc biệt, năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp tổ chức Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 5 với chủ đề “Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”, có 200 em đại diện cho trẻ em của 48 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, các Làng trẻ em SOS và Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An tham gia.

Luật Trẻ em sửa đổi năm 2016 với nhiều điểm mới về các nội dung: Quyền và bổn phận của trẻ em, chính sách và biện pháp cơ bản về chăm sóc, giáo dục, văn hóa, thông tin, đặc biệt là bảo vệ và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em; quy định chi tiết trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em…

Luật Trẻ em 2016 ghi nhận đầy đủ các quyền của trẻ em và tiếp cận trên quyền của trẻ em. Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111  thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em..., góp phần thực hiện chức năng phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác minh thông tin và kịp thời cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; cung cấp thông tin, tư vấn về pháp luật, chính sách, kiến thức, kỹ năng về thực hiện quyền trẻ em, tham vấn về tâm lý cho trẻ em, cha, mẹ, thành viên gia đình, trong chăm sóc trẻ em…

Đẩy mạnh truyền thông Luật Trẻ em

Để triển khai Luật Trẻ em cũng như giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em, theo ông Đặng Hoa Nam, đã được quy định cụ thể trong Luật Trẻ em và Nghị định 56 hướng dẫn một số điều của Luật Trẻ em. Tuy nhiên, do Luật mới đưa vào cuộc sống nên các cấp, ngành vẫn chưa hiểu rõ về Luật. Theo lãnh đạo Cục Trẻ em, bên cạnh việc phản ánh xã hội, báo chí nhất thiết đóng vai trò mạnh mẽ trong định hướng, giúp người dân nhìn nhận được vấn đề, cách thức giải quyết vấn đề.

Mọi trẻ em có cơ hội để phát triển toàn diện.

 

Hơn nữa, các cơ quan truyền thông cũng cần khai thác để thấy được khoảng trống của luật, bất cập của chính sách để có thể hoàn thiện hơn nữa cơ chế, chính sách đối với trẻ em.

Ông Đặng Hoa Nam nêu ví dụ, như việc tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em đã được quy định tại Hiến pháp và Luật Trẻ em. Tuy nhiên, tiếng nói của trẻ em vào quá trình xây dựng các văn bản liên quan đến trẻ em ở một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế.

Điều 90 của Luật Trẻ em 2016, giao UBND các cấp “Chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyền trẻ em; bố trí và vận động nguồn lực đảm bảo thực hiện quyền trẻ em...”, “UBND cấp xã giao nhiệm vụ cụ thể về thực hiện quyền trẻ em, bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em...” nhưng nhiều tỉnh, thành chưa quan tâm, bố trí ngân sách cho bảo vệ trẻ em. Theo thống kê năm 2017, tổng kinh phí phân bổ cho công tác trẻ em thông qua ngành LĐ-TB&XH của 63 tỉnh, thành gần 147 tỷ đồng. Trong đó 35 tỉnh, thành bố trí mức ngân sách mức từ 1 - 3 tỷ đồng/năm; 27 tỉnh, thành phố bố trí ngân sách từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Cá biệt, tỉnh Bình Phước không bố trí kinh phí cho công tác trẻ em.

Một số chuyên gia cho rằng, muốn đưa Luật Trẻ em thực sự đi vào cuộc sống, nên đưa nội dung truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình và trẻ em vào những khung giờ vàng thay cho một số quảng cáo kinh doanh. Nội dung tuyên truyền có thể là cách nhận biết dấu hiệu bị bạo lực, các điều khoản liên quan đến luật pháp, đặc biệt là các chế tài xử phạt, thông tin về các khung hình phạt đối với người có hành vi bạo hành trẻ em. Các thông tin về các hình thức dịch vụ trợ giúp, giáo dục tham vấn người bị bạo lực lẫn người có hành vi bạo lực, thông tin về các đường dây nóng… để trẻ em, gia đình, dân cư dễ dàng tiếp cận.

Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, để Luật Trẻ em mới được triển khai hiệu quả và đi vào cuộc sống cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó phải ưu tiên tạo điều kiện để mọi trẻ em được phát triển hài hòa về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Cùng với đó là khắc phục hạn chế trong việc đầu tư, phân bổ nguồn lực cho các chương trình, mục tiêu về trẻ em, vì rất nhiều chương trình không bố trí được kinh phí để thực hiện. Ngay cả các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như: Bộ luật Hình sự, pháp luật lao động…, nhất là các chế tài xử lí vi phạm hành chính đối với hành vi xâm hại trẻ em phải được tiếp tục sửa đổi, bổ sung.

Theo bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, để Luật Trẻ em thực sự đi vào cuộc sống cần có sự hợp tác của những “cánh tay nối dài” từ cán bộ cấp xã, phường làm công tác trẻ em cũng như cộng tác viên làm công tác trẻ em tại các tổ dân phố, thôn, xóm. Bởi thực tế, vấn đề này vẫn còn rất nhiều khoảng trống khi nhiều địa phương còn thiếu cộng tác viên làm công tác trẻ em. Trong khi các cộng tác viên làm công tác trẻ em ở các tổ dân phố, thôn, xóm là người nắm rõ nhất tình hình trẻ em cũng như nhu cầu của các em, là người dễ tuyên truyền về những nội dung của Luật Trẻ em cho bố mẹ cũng như chính các em hiểu về Luật.

Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang kiểm tra việc triển khai thực hiện Luật Trẻ em 2016 sau 1 năm chính thức có hiệu lực. Qua đó, đôn đốc, nhắc nhở địa phương chuẩn bị báo cáo kết quả 1 năm triển khai Luật để chuẩn bị báo cáo Quốc hội.

Trẻ em là mầm non tương lai, các em xứng đáng được sống trong môi trường an toàn, hòa bình. Vì vậy, các cấp, ngành cũng như các tổ chức xã hội và bản thân gia đình trẻ em cần nâng cao nhận thức trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, hiện thực hóa những mục tiêu trong Luật Trẻ em để Luật thực sự là công cụ hữu hiệu bảo vệ trẻ em.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh