THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:58

Đưa “Chuyện nàng Kiều” lên sân khấu kịch

 

NSND Anh Tú cho biết, “Chuyện nàng Kiều” không dựng lại toàn bộ tác phẩm “Truyện Kiều” mà chỉ dừng ở đoạn Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn, để tác phẩm chỉ gói gọn trong hơn 2 giờ với 3 điểm nổi bật trong “Chuyện nàng Kiều”: Phản ánh hiện thực xã hội phong kiến bất công và tàn bạo đã đẩy con người, nhất là phụ nữ vào bất hạnh; Tạo nên bài ca ca ngợi vẻ đẹp con người, dù rằng cái đẹp ấy rất mong manh; Và cuối cùng là làm rõ tính dự báo từ kiệt tác của Nguyễn Du, khi quyền lực và đồng tiền không chân chính lên ngôi thì sẽ làm đảo lộn, kéo đổ cả những giá trị tốt đẹp của xã hội. NSND Anh Tú nhấn mạnh: "Tác phẩm là một sự thử nghiệm táo bạo của Nhà hát, khi kết hợp những hình thức hát, múa và những động tác hình thể. Tôi đã chọn cách bám sát nội dung của tác phẩm, đủ bấy nhiêu nhân vật, như một dụng ý, truyền tải chuyện nàng Kiều chính xác đến người xem, nhất là khán giả trẻ”.

 

Cảnh trong vở "Chuyện nàng Kiều"

 

Cũng theo NSND Anh Tú, kịch bản được nhà văn Nguyễn Hiếu chuyển thể, nhưng để phát triển thành một tác phẩm sân khấu thì suốt 3 tháng qua, đạo diễn và 60 diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam đã làm việc miệt mài, sáng tạo cho phù hợp. Đây là vở diễn thử nghiệm khi kết hợp với những hình thức hát, múa và biểu diễn hình thể. Khi dựng, đạo diễn tâm niệm phải dựng tác phẩm thuần Việt nên chất Việt thấy rõ trong từng chi tiết ở trang phục, những đồng tiền cách điệu trên áo viên quan, đến cánh bướm rập rờn ở trang phục Sở Khanh, Tú bà… toát lên tính cách của mỗi nhân vật. Ngoài ra, múa bài bông - một điệu múa cổ của đất Thăng Long cũng được đưa vào vở diễn. Riêng phần âm nhạc được nhạc sĩ Giáng Son chăm chút, đậm chất dân gian mà vẫn giàu tính đương đại. Đặc biệt, phần sân khấu được NSƯT Lê Sơn thiết kế với hình ảnh hoa sen làm chủ đạo, ban đầu hé mở, khi sung mãn, bung tỏa, lúc héo úa, tàn khô… như hàm ý về cuộc đời con người luôn dâng hiến cái đẹp cho đời.

Tham gia diễn xuất trong “Chuyện nàng Kiều” là nhiều nghệ sĩ, diễn viên khá quen thuộc với khán giả của Nhà hát Kịch Việt Nam. Đảm nhận vai Thúy Kiều trong vở diễn là nghệ sĩ trẻ Diễm Hương, người đã tạo dấu ấn với khán giả qua nhiều vai diễn cá tính trong các phim truyền hình: “Đường lên Điện Biên”, “Công dân tập thể” và đặc biệt là bộ phim “Hôn nhân trong ngõ hẹp”. Diễm Hương cho biết, chị cũng không hiểu tại sao NSND Anh Tú giao cho chị đảm nhận vai Kiều vì ánh mắt của chị thường rất sắc. Bình thường chị luôn tự tin với những vai đào lệch thay vì đào thương, và trên sân khấu nếu đóng Kiều mà không cẩn trọng sẽ thành... Hoạn Thư ngay. Chính vì vậy chị thận trọng trong từng lời thoại, cách diễn, và đến thời điểm này, vai Kiều của chị đã được đạo diễn và ê kíp đánh giá cao.

Ngoài vai Thúy Kiều, vai diễn Thúy Vân trong “Chuyện nàng Kiều” được đạo diễn tin tưởng giao cho nghệ sĩ Khuất Quỳnh Hoa, vai Kim Trọng do nam diễn viên trẻ Tô Dũng đảm nhận. Đặc biệt, vở diễn còn có sự tham gia của NSƯT Xuân Bắc với vai diễn Hồ Tôn Hiến, khán giả sẽ được nghe giọng hát thật của anh với vai diễn này.

Về phía NSND Anh Tú, anh cho biết việc chọn Diễm Hương - nghệ sĩ khá quen thuộc với khán giả truyền hình trong những vai chao chát, đanh đá - hóa thân thành nàng Kiều chính là muốn thổi cá tính mạnh mẽ của diễn viên vào nhân vật Thúy Kiều. Theo NSND Anh Tú, Kiều cũng chỉ là một người con gái bình thường, cũng bị mê hoặc trước cái đẹp, cũng có thể bị mờ mắt trước vàng, trước ngọc, cũng có mảng tối, cũng có lúc muốn vùng lên để thoát khỏi những bất công đè nén của xã hội. “Diễn xuất của Diễm Hương sẽ đem đến hình ảnh một nàng Kiều khác những gì đã mặc định trong suy nghĩ của mọi người. Đó không phải một cô gái luôn cam chịu số phận, mà Kiều cũng có lúc muốn bứt phá, thoát khỏi những trói buộc của xã hội để vươn lên và khẳng định mình”- NSND Anh Tú khẳng định.

HIỀN NGUYỄN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh