THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 06:30

Đà Nẵng: Dưa cải muối cũng bị phát hiện có chất gây ung thư cao

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Sở NN-PTNT TP về tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nông lâm thủy sản, ngay sau khi có kết quả măng tươi bị nhiễm chất cấm Auramine O (còn gọi là chất vàng ô, Infonet đã đưa tin), Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Đà Nẵng tiếp tục lấy mẫu dưa cải muối chua tại 3 chợ kể trên, gửi Trung tâm phân tích thí nghiệm thuộc Sở KH-CN TP.HCM để kiểm tra chất vàng ô.

Sau măng tươi, Đà Nẵng lại vừa tiếp tục phát hiện dưa cải muối chua cũng bị nhiễm chất vàng ô gây ung thư

Ngày 6/4, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Đà Nẵng nhận được kết quả thử nghiệm cho thấy có 7/7 mẫu dưa cải muối chua bị nhiễm chất cấm vàng ô. Ngoài ra, qua tổng kiểm tra 4 cơ sở chế biến và 16 chợ có quy mô lớn trên địa bàn sau khi phát hiện măng tươi có tồn dư chất vàng ô, Chi cục cũng tiếp tục phát hiện 4 chợ Thanh Khê 1 (quận Thanh Khê), Hòa An (quận Cẩm Lệ), An Hải Đông (quận Sơn Trà) và Bắc Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) có bán loại măng này.

Như Infonet đã đưa tin, vàng ô là chất bột tinh thể hình kim, màu vàng, có nhân vòng phenol, dễ tan trong nước và cồn, được nhập khẩu từ nước ngoài. Đây là chất màu tổng hợp chỉ sử dụng trong công nghiệp để nhuộm vải, giấy, gỗ...; làm màu sơn quét tường. Chất này có tính độc tới mức Tổ chức Ung thư thế giới (IARC) đã xếp vào chất gây ung thư nhóm 3 – có thể gây bệnh cao.

Do vậy, chất vàng ô không được sử dụng trong thực phẩm; ngay cả trong chăn nuôi thì chất này cũng bị cấm sử dụng (Thông tư 42/2015/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2015 của Bộ NN-PTNT về danh mục bổ sung hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam,  trong đó có Auramine hay còn gọi là vàng ô).

Cùng với thông tin cho người tiêu dùng, các cơ sở chế biến thực phẩm biết về việc phát hiện thực phẩm nông sản có tồn dư chất vàng ô trên địa bàn, ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Đà Nẵng cũng lưu ý, hiện nay các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm quá lạm dụng các chất phụ gia thực phẩm, nhất là các chất tạo màu, để cho sản phẩm đẹp mắt nhưng không biết rõ độc hại đến sức khoẻ con người.

Do vậy, ông khuyến cáo người tiêu dùng không mua, sử dụng măng tươi, dưa cải muối có tẩm màu vàng và cảnh giác với việc mua, sử dụng các loại thực phẩm có tẩm màu bán tại các chợ, cơ sở chế biến không có bao gói, không có nhãn hàng hoá mà chưa biết rõ chất tạo màu đó có đảm bảo an toàn thực phẩm hay không.

Đối với cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm măng tươi, dưa cải muối và thực phẩm khác nói chung, ông Nguyễn Tứ khuyến cáo phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về hành vi bị cấm: Cấm sử dụng hoá chất không rõ nguồn gốc; hoá chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm (chẳng hạn chất vàng ô)

Theo ông Nguyễn Tứ, nếu vi phạm các quy định trên thì các cơ sở chế biến, kinh doanh sẽ bị xử lý rất nặng. Cụ thể là xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ, với mức phạt từ 70 – 100 triệu đồng. Hoặc sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 317 của Bộ Luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2016): Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể bị phạt tiền từ 50 – 500 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1 - 20 năm tuỳ trường hợp.


CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh