THỨ BA, NGÀY 26 THÁNG 11 NĂM 2024 04:58

Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi có những điểm gì mới?

Bổ sung quy định về loại hợp đồng lao động

Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đã sửa đổi, bổ sung các quy định về loại hợp đồng lao động, cho phép ký kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn với lao động cao tuổi và lao động nước ngoài. Đồng thời sửa đổi các quy định về chấm dứt hợp đồng lao động, sửa đổi quy định về phụ lục hợp đồng, thử việc, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, cho thuê lại lao động.

Về kỷ luật lao động, Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động, nội quy lao động; sửa đổi, bổ sung các quy định về công việc người nước ngoài được vào làm việc, điều kiện của người nước ngoài vào làm việc.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng đã sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ cấu tiền lương, tiêu chí và các yếu tố xác định mức lương tối thiểu, thành phần hội đồng tiền lương quốc gia, định mức lao động, trả lương làm thêm giờ, lương làm việc ban đêm.

Quyền lợi của người lao động ngày càng được đảm bảo

Ngoài ra, các nội dung như thời giờ làm việc – thời giờ nghỉ ngơi; tuổi nghỉ hưu; tiêu chuẩn, điều kiện lao động khác,... hiện vẫn còn ý kiến khác nhau nên Ban soạn thảo đã nghiên cứu và đang đặt ra các phương án, hiện đang cần lấy thêm ý kiến.

Đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế

Liên quan đến việc thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật khác, Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung các quy định tại các Chương Việc làm để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với Luật Việc làm; Chương Học nghề, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với Luật Giáo dục Nghề nghiệp; Chương An toàn lao động - Vệ sinh lao động để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với Luật An toàn, vệ sinh lao động; Chương Giải quyết tranh chấp lao động để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với Bộ luật Tố tụng Dân sự; Chương Hợp đồng lao động và các Chương khác để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với Luật Doanh nghiệp, Bộ luật dân sự.

Cùng với đó, Dự thảo tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung các chủ đề lớn liên quan đến nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, cụ thể: Tổ chức đại diện của người lao động; Đối thoại tại nơi làm việc; Thương lượng tập thể và Thỏa ước lao động tập thể; Giải quyết tranh chấp lao động; Quản lý nhà nước về lao động (thanh tra lao động; cơ quan quản lý nhà nước về lao động và quan hệ lao động).

Cần thêm nhiều ý kiến đóng góp

Bên cạnh những quan điểm đồng thuận vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất về một số nội dung. Trong đó, vấn đề mở rộng khung thỏa thuận về thời giờ làm thêm của người lao động và người sử dụng lao động vẫn là câu chuyện luôn nóng.

Vẫn còn nhiều quan điểm liên quan đến tuổi nghỉ hưu và thời gian làm thêm

Bộ luật Lao động hiện hành quy định việc làm thêm giờ do các bên thỏa thuận nhưng số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 30 giờ/tháng và không quá 200 giờ trong 01 năm, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ. Tuy nhiên, các hiệp hội doanh nghiệp đều đề xuất tăng thời giờ làm thêm tối đa của người lao động lên 500 giờ/năm. Qua theo dõi, khảo sát ở các địa phương thì một bộ phận không nhỏ người lao động cũng mong muốn được nới rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ để tạo điều kiện cho họ làm thêm để nâng cao thu nhập. Sau khi nghiên cứu, so sánh với các quốc gia khu vực thì số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam hiện ở mức thấp nên cơ quan soạn thảo đề xuất mở rộng khung thỏa thuận về làm thêm giờ của người lao động và người sử dụng lao động theo hướng tăng số giờ làm thêm tối đa của người lao động trong 01 năm lên mức 400 giờ/năm.

Bên cạnh đó là quy định tuổi nghỉ hưu, do còn nhiều ý kiến khác nhau nên Dự thảo hiện đang thể hiện 2 phương án tại Điều148 để xin ý kiến: Phương án 1, theo Bộ luật hiện hành, tức tuổi nghỉ hưu của người lao động bình thường làm việc trong điều kiện lao động bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; Phương án 2, tăng tuổi nghỉ hưu kể từ 01/1/2021 và theo lộ trình, tức tuổi nghỉ  hưu của người lao động bình thường làm việc trong điều kiện lao động bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Từ 01/01/2021 cứ mỗi năm tăng thêm 06 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Với vấn đề tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp. Trong quá trình soạn thảo, có hai quan điểm về quyền của người lao động trong việc thành lập tổ chức đại diện trong doanh nghiệp nằm ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ý kiến thứ nhất cho rằng, Bộ luật Lao động sửa đổi lần này cần bổ sung các quy định về quyền của người lao động trong việc thành lập tổ chức đại diện tại doanh nghiệp nằm ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Ý kiến thứ hai cho rằng, cần cân nhắc thêm và chưa nên quy định về quyền của người lao động trong việc thành lập tổ chức đại diện tại doanh nghiệp nằm ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tại thời điểm này. 

Bố cục của Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi như sau:

Chương I: Những quy định chung;

Chương II. Việc làm;

Chương III. Hợp đồng lao động;

Chương IV. Học nghề, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề;

Chương V. Tiền lương;

Chương VI. Thời giờ làm việc – Thời giờ nghỉ ngơi;

Chương VII. Kỷ luật lao động – Trách nhiệm vật chất;

Chương VIII. An toàn lao động, vệ sinh lao động;

Chương IX. Những quy định riêng đối với lao động nữ;

Chương X. Những quy định riêng đối với lao động chưa thành niên và một số loại lao động khác;

Chương XI. Bảo hiểm xã hội;

Chương XII. Tổ chức đại diện của người lao động;

Chương XIII. Đối thoại tại nơi làm việc;

Chương XIV. Thương lượng tập thể, Thỏa ước lao động tập thể;

Chương XV. Giải quyết tranh chấp lao động;

Chương XVI. Quản lý nhà nước về lao động;

Chương XVII. Thanh tra lao động, xử phạt vi phạm pháp luật về lao động;

Chương XVIII. Điều khoản thi hành.

HUYỀN NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh