Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) cấm sử dụng trẻ em dưới 15 tuổi làm những việc gì?
- Bài thuốc hay
- 23:44 - 30/04/2019
Lao động chưa đủ 15 tuổi có thể gây mất an toàn, nguy hiểm.
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến đến ngày 5/5/2019, quy định việc sử dụng lao động chưa đủ 15 tuổi.
Theo đó, người sử dụng lao động không được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi vào làm việc, trừ các công việc nghệ thuật như múa, hát, xiếc, điện ảnh, sân khấu (kịch, tuồng, chèo, cải lương), múa rối (trừ múa rối nước), vận động viên năng khiếu thể dục, thể thao (trừ cử tạ, tạ xích).
Người sử dụng lao động chỉ được tuyển dụng và sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi vào làm các công việc nhẹ theo danh mục quy định của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.
Trong trường hợp sử dụng người chưa đủ 15 tuổi, người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật và phải được sự đồng ý của người chưa đủ 15 tuổi. Bên cạnh đó, bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến giờ học tập tại trường học của người chưa đủ 15 tuổi.
Và, phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe phù hợp với công việc và tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần khi sử dụng.
Chủ sử dụng người chưa đủ 15 tuổi phải đảm bảo điều kiện làm việc, an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi.
Thời giờ làm việc của người chưa đủ 13 tuổi không được quá 1 giờ trong 1 ngày hoặc 5 giờ trong 1 tuần. Tương tự, thời giờ làm việc của người từ đủ 13 đến chưa đủ 15 tuổi không được quá 4 giờ trong 1 ngày hoặc 20 giờ trong 1 tuần.
Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề và công việc theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH.
Dự thảo Bộ luật Lao động cũng quy định, cấm sử dụng người chưa thành niên làm công việc sản xuất và kinh doạn cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần hoặc các chất gây nghiện khác. Cùng với đó là những công việc như: Sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ; bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc.
Những công việc như phá dỡ các công trình xây dựng; nấu, thổi, đúc, cán, dập, hàn kim loại; lặn biển, đánh bắt cá xa bờ hay các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc gây tổn hại cho sức khỏe, an toàn hoặc đạo đức của người lao động chưa thành niên cũng thuộc danh mục cấm sử dụng người chưa thành niên làm việc.
Dự thảo cũng quy định những nơi cấm sử dụng người chưa thành niên làm việc. Đó là: Dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm; công trường xây dựng; cơ sở giết mổ gia xúc.
Bên cạnh đó là sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, phòng tắm hơi, phòng xoa bóp; điểm kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử. Và những nơi làm việc khác gây tổn hại đến sức khỏe, sự an toàn và đạo đức của người chưa thành niên.
Trước đó, UNICEF đã đánh giá cao những cam kết của Việt Nam trong sửa đổi Bộ luật Lao động lần này, trong đó có các quy định về lao động chưa thành niên và cũng khuyến nghị những vấn đề cụ thể nhằm hoàn thiện hơn các quy định cụ thể trong dự thảo. Đặc biệt là những khuyến nghị về lao động chưa thành niên không có hợp đồng lao động, lao động chưa thành niên là người giúp việc gia đình; quy định về công việc nhẹ; tăng cường bảo vệ cho người học nghề, tập nghề là người chưa thành niên; liên quan đến công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; đảm bảo việc làm không có hòa nhập, quấy rối và có tham chiếu tới Luật Trẻ em của các nước trong khu vực cũng như một số nước trên thế giới.
Để những quy định của Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên đi vào cuộc sống và phù hợp với các quy định của Hiến pháp cũng như tiêu chuẩn lao động quốc tế về lao động chưa thành niên, tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến dựa trên cơ sở thực tiễn tại các địa phương, với tinh thần bảo vệ quyền và lợi ích của lao động chưa thành niên, góp phần phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em...