Du lịch xanh hướng đi của ngành công nghiệp không khói trong đại dịch
- Văn hóa - Giải trí
- 15:14 - 01/01/2022
Từ chiến dịch “Xanh Xanh”
Sau một thời gian dài ngành du lịch bị đóng băng, nên ngay thiết lập tình trạng bình thường mới, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã nới lỏng giãn cách, trong đó không ít địa phương đang đẩy mạnh hoạt động du lịch nội tỉnh, chuẩn bị phương án đón khách ngoại tỉnh và khách quốc tế.
Chiến dịch "Xanh Xanh" bao gồm các sản phẩm du lịch kết nối điểm đến an toàn về dịch bệnh Covid-19 (gọi là "vùng xanh"), "5 xanh" gồm thẻ thông hành xanh, doanh nghiệp xanh, hành lang xanh, điểm đến xanh và dịch vụ xanh đã được các doanh nghiệp lữ hành và các tỉnh thành phố triển khai. Đây cũng được coi là các tiêu chí, điều kiện cần thiết để phát triển du lịch an toàn trong tình hình mới. Trong đó phải bảo đảm sự kết nối an toàn giữa du khách và người lao động trong lĩnh vực du lịch, giữa các điểm đến với nhau và giữa các dịch vụ trong chuỗi cung ứng dịch vụ cho du khách.
Ngoài các quy định về yêu cầu du khách và người lao động du lịch phải được tiêm 2 mũi vắc xin, xét nghiệm PCR âm tính hoặc là F0 đã khỏi bệnh thì các doanh nghiệp tham gia phải có sản phẩm tốt, có phương án đảm bảo và quy trình phục vụ an toàn cho du khách. Thêm vào đó còn cần sự thay đổi cụ thể trong phương thức cung cấp dịch vụ cho du khách ở từng khâu như vận chuyển, lưu trú, nhà hàng, tham quan tại điểm đến, cung cấp sản phẩm du lịch khép kín.
Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho biết, Hội Lữ hành Hà Nội đã đưa ra các tiêu chí, điều kiện cần thiết để phát triển du lịch an toàn trong tình hình mới. Đó là phải bảo đảm sự kết nối an toàn giữa du khách và người lao động trong lĩnh vực du lịch, giữa các điểm đến với nhau và giữa các dịch vụ trong chuỗi cung ứng dịch vụ cho du khách. Để thực hiện điều này, bên cạnh các quy định về yêu cầu tiêm vaccine, chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính dành cho du khách, người lao động du lịch cũng phải thay đổi phương thức cung cấp dịch vụ cho du khách ở từng khâu như vận chuyển, lưu trú, nhà hàng, tham quan tại điểm đến, cung cấp sản phẩm du lịch khép kín.
Ông Phạm Duy Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Để chuẩn bị cho sự trở lại của ngành Du lịch, tỉnh Ninh Bình đã ưu tiên thực hiện nhanh chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân, người lao động tại các khu du lịch, điểm du lịch, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tỉnh đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn và triển khai các biện pháp thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong hoạt động du lịch phù hợp với các quy định phòng chống dịch của Trung ương. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng CNTT và các ứng dụng phòng, chống COVID-19 của quốc gia, hệ thống đánh giá an toàn COVID-19 để theo dõi, giám sát công tác phòng, chống dịch. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi với khách du lịch có chứng nhận tiêm chủng vắc xin, phù hợp với hệ thống công nhận quốc gia, quốc tế.
Về phía doanh nghiệp du lịch, theo ông Phan Xuân Thanh - Tổng giám đốc Công ty Emic Hospitality Hội An, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, trong giai đoạn hiện tại doanh nghiệp đã triển khai các hoạt động du lịch gắn chặt với tiêu chí an toàn dựa trên các yếu tố “xanh” như từ “doanh nghiệp xanh” - lực lượng lao động của doanh nghiệp đã được tiêm 2 mũi vaccine, có năng lực tổ chức tour an toàn, “dịch vụ xanh” - nhà hàng, khách sạn đáp ứng đủ các tiêu chí an toàn phòng chống dịch, “điểm đến xanh”… từ đó tạo thành một “luồng xanh” để đón khách.
Đến sản phẩm du lịch “xanh”
Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên và văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Từ năm 2017, ở Hội An xuất hiện tour du lịch chèo thuyền kayak du ngoạn kết hợp vớt rác trên sông Hoài do Công ty Du lịch Hội An Kayak giới thiệu đã rất thu hút du khách. Chi phí cho một tour như thế này là 10 USD/khách, chèo thuyền 4 giờ đồng hồ vừa ngắm cảnh vừa vớt rác. Nhiều du khách trong nước, quốc tế ban đầu vì tò mò mà tham gia, sau đó thực sự rất hào hứng. Hoạt động đầy ý nghĩa này cũng dần dần thu hút đông đảo người dân địa phương cùng tham gia vớt rác với du khách. Tour này đã góp phần bảo vệ môi trường sống Hội An, đặc biệt là vùng hạ lưu sông Thu Bồn, nơi có rừng dừa ngập mặn với hệ sinh thái đa dạng và là vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm.
Còn tại Côn Đảo, khu nghỉ Six Senses Côn Đảo kết hợp với vườn quốc gia Côn Đảo đã phục hồi nhiều bãi đẻ và thực hiện bảo tồn rùa. Một số ổ trứng trên 12 bãi biển được đưa về ấp tại resort, giúp trứng rùa và rùa con được chăm sóc tốt. Hoạt động thả rùa về biển ở đây thu hút được sự quan tâm của các du khách, đặc biệt là các em nhỏ. Nhiều doanh nghiệp khác cũng đã chuyển đổi theo hướng du lịch xanh như mô hình tiết kiệm điện năng, tiết kiệm nước tại các cơ sở lưu trú, đăng ký chứng nhận nhãn sinh thái Bông sen xanh cho các cơ sở lưu trú.
Trong 10 năm qua, Vườn quốc gia Cúc Phương, đã cứu hộ bảo tồn trên 2.600 cá thể động vật hoang dã thuộc 75 loài; trong đó có rất nhiều loài nguy cấp quý hiếm, điển hình là 20 loài linh trưởng, 34 loài rùa cạn và rùa nước ngọt, cùng với 8 loài thú ăn thịt và tê tê, công má vàng, gà lôi trắng.
Năm 2021, Vườn quốc gia Cúc Phương đã có sáng kiến đặc biệt đó là tạo ra sản phẩm du lịch Đưa thú "về nhà". Đây là lần đầu tiên ở một Vườn quốc gia, du khách có thể tham gia trải nghiệm và đồng hành cùng lực lượng chức năng tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ trở về với "ngôi nhà tự nhiên". Tham gia tour du lịch "Về nhà" này, du khách không chỉ được trực tiếp thả động vật hoang dã về rừng, mà còn trở thành những "sứ giả" giúp lan tỏa mạnh mẽ thông điệp bảo tồn thiên nhiên.
Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành kế hoạch phát triển du lịch xanh đến năm 2025. Theo đó, du lịch xanh sẽ là yếu tố chủ lực, đóng góp quan trọng cho sự phát triển du lịch của tỉnh Quảng Nam, góp phần phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị về văn hóa, lịch sử, văn hóa cộng đồng, cảnh quan thiên nhiên. Quảng Nam đưa ra định hướng phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh nhằm khai thác các điểm du lịch mới, đa dạng, hấp dẫn và phù hợp với nhu cầu thị trường khách du lịch. Qua đó, thu hút thị trường khách có mức chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài, có ý thức, hành động văn minh khi tham gia du lịch.
Tiến sĩ Đỗ Thị Thanh Hoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng: Thời gian tới, xu hướng du lịch sinh thái sẽ tiếp tục phát triển mạnh bởi những lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường của loại hình này, đồng thời phản ánh mối quan tâm của khách du lịch, của toàn cầu đến sự phát triển bền vững. Đó là sự gia tăng các tour du lịch xanh, tour tìm hiểu và chung tay bảo vệ thế giới tự nhiên, động vật hoang dã; các chuyến đi kết hợp với hoạt động bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học, tài nguyên môi trường tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên...
“Các thuật ngữ “du lịch xanh”, “du lịch thân thiện môi trường”, “du lịch không rác thải nhựa”... không còn xa lạ với du khách mà nó đang ngày càng gia tăng trong lựa chọn dịch vụ của du khách”, bà Hoa cho biết. Đó chính là dấu hiệu cho thấy, vấn đề bảo vệ môi trường gắn với du lịch trách nhiệm, du lịch bền vững đang ngày càng được xã hội quan tâm.