CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:25

Du lịch Việt Nam: Bao giờ hết cảnh “ăn xổi”?

 

Đề án phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2020 khá tham vọng khi đặt mục tiêu đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hiện đại, cạnh tranh được với các nước trong khu vực, thế giới và hướng tới mục tiêu trở thành ngành du lịch phát triển sau đó 10 năm. Một số chỉ tiêu cụ thể cũng được đặt ra như:  thu hút 14-15 triệu du khách với 600.000 buồng tại cơ sở lưu trú; đóng góp khoảng 9-10%GDP, tốc độ tăng trưởng 14-15% một năm và tạo ra 3,5 triệu việc làm, trong đó có hơn 1 triệu việc làm trực tiếp …

 Với rất nhiều danh thắng do thiên niên ban tặng, tiềm năng du lịch của Việt Nam là rất lớn

Tuy nhiên, tại Hội thảo khoa học “Di sản văn hóa với chiến lược phát triển bền vững, PGS, TS Từ Thị Loan, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia  thẳng thắn nhận định, mặc dù có tiềm năng du lịch lớn, vốn di sản văn hóa phong phú, nhưng du lịch Việt Nam còn kém xa so với Thái Lan, Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a. Những hạn chế chung thường gặp là: Cơ sở hạ tầng du lịch kém; tình trạng xâm hại cảnh quan thiên nhiên; chất lượng nhân lực du lịch yếu, thiếu hiểu biết về lịch sử, văn hóa; sản phẩm du lịch đơn điệu; giá trị thấp và ngắn hạn…
Trong khi đó, tình trạng chèo kéo khách, chém giá, ứng xử kém văn minh… là những yếu tố gây mất thiện cảm trong mắt du khách quốc tế. Ngoài ra, không thể không nhắc đến sự thiếu hụt đội ngũ nhân viên phục vụ du lịch thông thạo ngoại ngữ. Đây là một rào cản lớn khiến việc quảng bá du lịch của nước ta chậm phát triển.
Có thể thấy, với những danh thắng sẵn có do thiên nhiên ban tặng, nhiều  địa phương hiện đang khai thác triệt để, tận thu tối đa phí tham quan từ du khách mà không đầu tư gì cho du lịch bằng việc tôn tạo, chỉnh trang cảnh quan môi trường cùng dịch vụ chuyên nghiệp. Điển hình phải kể đến Chùa Hương (Mỹ Đức – Hà Nội). Với mức thu phí thắng cảnh lên đến 80.000 đồng/người, vé đò thuyền 50.000 đồng/ người, vé cáp treo 160.000 đồng/ người, hàng trăm tỷ đồng thu được từ du khách mỗi mùa lễ hội nhưng lại không được đầu tư tôn tạo tương xứng. Nhà vệ sinh công cộng không đủ cho hàng chục ngàn du khách đến đây mỗi ngày, không có ghế cho khách nghỉ chân dọc đường đi và đến cả cái thùng đựng rác cũng còn thiếu. Cộng với việc cho quá nhiều hàng quán hoạt động nhằm thu phí và các khoản thuế đã và đang phá vỡ cảnh quan và môi trường nơi đây.
Hay như các tuyến du lịch Tây Bắc, Đông Bắc dù thu hút khá nhiều du khách trong thời gian gần đây cũng cũng không có gì khả dĩ ngoài các điểm nhỏ lẻ do tư nhân đầu tư phục vụ khách du lịch chụp ảnh với  những vườn cải, đào, mận, tam giác mạch…

Nạn chèo kéo khách đã để lại nhiều ấn tượng xấu đối với du khách 
Mới đây nhất, ý tưởng dựng tượng Kong ở khu vực tượng đài Cảm tử quân cạnh hồ Hoàn Kiếm (ăn theo bộ phim Kong: Đảo đầu lâu ) của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch một lần nữa đã cho thấy tư duy ăn xổi ngay chính trong nhận thức của những người làm công tác quản lý về du lịch. Tranh thủ ảnh hưởng của phim để quảng bá du lịch là tốt nhưng nếu không đúng nơi, đúng cách sẽ mang lại những tác dụng ngược. 
Cũng liên quan chiến lược phát triển ngành du lịch, theo giới chuyên gia, hiện nay, cùng với nhiều chính sách xã hội, mô hình phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, với cộng đồng đang ngày càng được nhân rộng. Đây là một hướng đi đúng và có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, phương thức kết hợp này chưa có tầm nhìn xa mà chủ yếu còn mang tính “ăn xổi”, giá trị thấp và ngắn hạn. Ngay cả trong giải pháp tưởng chừng có tính bền vững lại ẩn chứa những mầm mống không bền vững, chẳng hạn như quan điểm “du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo”. Theo GS, TSKH Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, đã đến lúc thay vì quan niệm “du lịch gắn với xóa đói, giảm nghèo”, cần phát triển tư duy “du lịch văn hóa” hiểu theo nghĩa rộng,  phải có tầm nhìn xa về chiến lược, để văn hóa có thể phát huy hiệu quả như một tài nguyên đặc biệt, vô giá và vô tận; đừng coi phát triển du lịch là xóa đói, giảm nghèo, sản phẩm du lịch mang tính “ăn xổi”... Phải tiến hành lượng định giá trị các di sản (không đơn thuần chỉ là kiểm kê, lập hồ sơ) và công việc này phải được tiến hành đồng bộ với sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ của riêng ngành văn hóa.

NGUYỆT HÀ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh