CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:06

Du lịch Tây Bắc: Chưa phát huy được tiềm năng

Khơi thông nguồn khách cho Tây Bắc

Theo thống kê, năm 2015, lượng khách du lịch đến toàn vùng Tây Bắc đạt trên 8,9 triệu lượt (tăng 3%), trong đó khách quốc tế đạt 1,6 triệu lượt, tăng 6,5%. Tính gộp cả khách đi lại giữa các địa phương trong vùng là 13 triệu lượt với độ lưu trú dưới 1,5 ngày. Có thể thấy, lưu lượng khách đến Tây Bắc quá nhỏ, chỉ chiếm 5-7% tổng lượng khách du lịch của cả nước, trong đó chủ yếu là khách nội địa với mục đích tham quan, khám phá, do đó chi tiêu cũng hạn chế. Đây là những trăn trở của các nhà quản lý và các doanh nghiệp lữ hành tại cuộc phát động du lịch Tây Bắc, và mới đây nhất là Hội thảo tại “Thực trạng và giải pháp thu hút du lịch đến vùng Tây Bắc".

“Nguyên nhân lượng khách đến vùng Tây Bắc thấp là do hệ thống sản phẩm du lịch vùng còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn các nhà đầu tư; cơ sở, hạ tầng du lịch thiếu thốn, quy mô nhỏ. Hiện toàn vùng chỉ có 307 cơ sở lưu trú được xếp hạng với 9.000 buồng, công suất trung bình đạt xấp xỉ 60%. Toàn vùng chỉ có 34 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hệ thống dịch vụ còn sơ sài”, Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch (TCDL) Nguyễn Văn Tuấn thừa nhận.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, thời gian qua TCDL đã có đề án hỗ trợ Tây Bắc xây dựng sản phẩm, phát triển kỹ năng nghề, quảng bá xúc tiến..., qua đó du lịch Tây Bắc đã có sự chuyển biến tích cực, nhưng tốc độ tăng trưởng nguồn khách vẫn chưa như kỳ vọng. Để cải thiện thực trạng nguồn khách du lịch, theo ông Tuấn, du lịch Tây Bắc phải tập trung vào 4 trụ cột: Hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ và nhân lực. Theo đó, Tây Bắc cần xây dựng sản phẩm gắn với thị trường, cần định vị hướng tới phân khúc thị trường nào, đó là sản phẩm nào dành cho khách quốc tế, sản phẩm nào dành cho khách nội địa. Mặt khác, phải đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, đào tạo kỹ năng nghề cho nhân lực du lịch; duy trì liên kết vùng.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để gỡ nút thắt cho du lịch Tây Bắc, thúc đẩy sự tăng trưởng khách du lịch đến với vùng, các doanh nghiệp lữ hành đóng vai trò hết sức quan trọng, có tính quyết định. Các kênh đưa khách đến Tây Bắc chủ yếu hầu hết do doanh nghiệp ngoài vùng, như: Saigontourist, Vietravel, Hanoitourist, Vietnamtourism, Buffalo Tour, Singcafe… Vì vậy, bài toán để khơi thông nguồn khách cho Tây Bắc hiện đang đặt lên vai các doanh nghiệp.

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Vấn đề đặt ra là các cơ quan quản lý nhà nước cần gần doanh nghiệp, nhà đầu tư hơn để kịp thời gỡ khó, cung cấp thông tin, giải quyết vướng mắc thủ tục cho doanh nghiệp du lịch”- bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Ban tiếp thị Vietravel đề xuất. Cũng ttheo bà Hương doanh nghiệp lữ hành mong muốn mức giá phòng khách sạn được điều tiết ổn định, do mùa cao điểm thường xuyên bị cháy phòng, dẫn đến giá cả tăng. Về sản phẩm, có thể xây dựng các sản phẩm văn hóa định kỳ mang bản sắc vùng cao Tây Bắc. Về giao thông, cần liên kết với nhau tạo thành một chuỗi sản phẩm, phối hợp xây dựng liên kết đường bộ, đường sắt, theo hướng du khách có thể sử dụng 1 vé có thể đi lại bằng tất cả các phương tiện di chuyển trên vùng Tây Bắc. Về quảng bá xúc tiến, Tây Bắc nên có những phim mang tính chuyên đề như thiên nhiên, ẩm thực, con người... doanh nghiệp sẽ mang đi chiếu tại các hội chợ ở nước ngoài, qua đó phối hợp với các Đại sứ quán Việt Nam giới thiệu văn hóa vùng Tây Bắc tới các thị trường quốc tế.

Có thể thấy, mặc dù có quá nhiều lợi thế để phát triển du lịch song hiện nay, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp không khói này tại các tỉnh Tây Bắc còn khá khiêm tốn, chưa đạt kỳ vọng. Do đó, các Cty lữ hành “hiến kế”, việc cần thiết là đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra các dòng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu khác nhau của khách hàng, từ đó có thể giữ chân khách ở lại lâu hơn và kích thích tiêu dùng nhiều hơn. Cụ thể, cần phân khúc rõ khách hàng, sản phẩm cao cấp được định vị ở mức chi tiêu từ 100USD/khách/ngày trở lên, nhằm vào đối tượng có sức chi trả cao; ở phân khúc 70-100USD/khách/ngày là dòng sản phẩm nên được ưu tiên trong giai đoạn sắp tới, do vừa với phân khúc phổ biến của thị trường, đồng thời quy mô đầu tư ở mức vừa phải, dễ thực hiện, lại phù hợp với điều kiện sẵn có của địa phương...Bên cạnh đó, cần có các giải pháp để đầu tư mạnh hơn vào cơ sở hạ tầng, nâng cấp chất lượng đường sá để đảm bảo việc di chuyển được thuận lợi. 

THANH NHUNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh