Du lịch Huế “tê liệt” vì COVID-19
- Văn hóa - Giải trí
- 22:20 - 07/08/2020
- Huế ra thông báo khẩn liên quan đến 2 bệnh nhân COVID-19, BN 684 và BN749
- Phòng dịch COVID-19: Huế phong toả, đóng cửa các địa điểm 3 bệnh nhân 589, 601, 602 từng đến
- Du lịch Huế tự túc: Khám phá trọn vẹn vùng đất cố đô, không chỉ được ngắm cảnh đẹp mà ăn còn cực ngon
- Du lịch Huế: Xe đạp, xích lô và xe máy “chiến”
Những ngày này, đến khu vực công viên dọc đường Trịnh Công Sơn, phía bờ Bắc sông Hương (phường Phú Cát, TP. Huế), cảnh tượng đập ngay vào mắt mọi người là hàng trăm thuyền rồng du lịch nằm bờ, sắp hàng dài. Đây là hình ảnh đối lập hoàn toàn với thực tế cùng thời điểm những năm về trước, gần nhất là năm 2019. Bà Rơi, chủ thuyền đôi du lịch số 0567 cho biết, từ khi dịch COVID-19 khởi phát và Việt Nam phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đến nay, hoạt động của hầu hết các thuyền rồng du lịch trên sông Hương bắt buộc phải nghỉ do không có khách, cũng như các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh.
Được biết, hiện trên địa bàn thành phố Huế, có 125 thuyền rông thuộc 12 doanh nghiệp đăng ký hoạt động vận tải khải khách du lịch tham quan, trải nghiệm trên sông Hương, với khoảng 400 lao động. Tuy nhiên, từ khi dịch khởi phát (đợt 1) đến nay, hoạt động du lịch này rơi vào cảnh "đóng băng". Theo bà Rơi, dù trong khoảng thời gian giữa đợt 1 và đợt 2 (bùng phát tại Đà Nẵng), hoạt động du lịch đã phần nào được khôi phục thông qua các gói kích cầu du lịch của tỉnh, của các doanh nghiệp lữ hành. Tuy nhiên, do khách đi thuyền rồng chủ yếu là khách nước ngoài, nhất là khách phương Tây, nên dịch vụ thuyền du lịch trên sông Hương vẫn không có khách hàng.
"Giờ thì phải ăn bớt lại chứ sao chú. Không có khách nên toàn bộ thuyền về đây đậu mấy tháng nay rồi", bà Rơi nói thật mà như đùa.
Bà Trần Thị Thuý Hằng, Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin Diễn giải Lịch sử Hoàng thành Huế và Trải nghiệm thực tế ảo VR – Đi tìm Hoàng Cung đã mất" tại phía Đông điện Thái Hoà, Đại Nội Huế thì cho biết, để bảo đảm an toàn cho nhân viên và du khách, trong đợt 1 khi dịch COVID-19 khởi phát tại Việt Nam, đơn vị đã chủ động đóng cửa trước khi có lệnh giãn cách. Được biết, Trung tâm này có 7 nhân viên chính thức. Thời điểm phải tạm đóng cửa để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đơn vị vẫn đảm bảo trả 50% lương cho các nhân viên, để nhân viên đóng bảo hiểm xã hội và chi tiêu cuộc sống. Đến ngày 1/5, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, Trung tâm mở cửa trở lại đón khách.
"Bắt đầu từ tháng 6/2020, lượng khách đến với dịch vụ của chúng tôi rất đông. Tuy nhiên, khi dịch bùng phát trở lại ở TP. Đà Nẵng mọi thứ gần như trở về con số không. Thật sự rất buồn nhưng đó là hoàn cảnh chung", bà Hằng cho biết.
Theo bà Hằng, dịch vụ của đơn vị từ khi được mở đến nay chủ yếu thu hút khách vào 2 mùa: mùa hè và mùa tết. Tuy nhiên, nếu so tháng 7/2019 với cùng thời điểm năm 2020, doanh thu của đơn vị sụt giảm hơn 50%; còn nếu tính từ đầu năm đến nay, doanh thu giảm đến 70% so với cùng kỳ.
Cùng hoành cảnh, trong những ngày qua, hoạt động ở các bến xe khách du lịch thuộc Ban Quản lý bến xe thuyền thành phố Huế, như: Nguyễn Hoàng, Thiên Mụ,…ở trong trạng thái gần như "bất động". Chỉ trước đó khoảng 2 tuần (khi dịch COVID-19 chưa bùng phát tại Đà Nẵng), lượng xe vận chuyển khách vào các địa điểm này còn tấp nập. Đó cũng là hình ảnh chung tại các điểm đậu đỗ, đón khách của khu di tích Cố đô Huế. Theo một nguồn tin riêng của chúng tôi, chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, lượng xe vận tải du lịch vào thành phố Huế giảm đến hơn 70%. Còn theo ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, lượng khách đến với quần thể Di sản Huế sau khi dịch bùng phát gần như bằng không. Dù vậy, hiện nay, thể Di sản Huế vẫn đang mở cửa đón khách nhưng mỗi ngày không quá 70 – 80 khách, chủ yếu trong tỉnh.
Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế thẳng thắn, trong đợt 1 dịch COVID-19 khởi phát, lượt khách vẫn còn duy trì được khoảng 10% cho đến khi thực hiện giãn cách xã hội, thì hiện tại du lịch gần như về không. Từ lữ hành đến cơ sở kinh doanh dịch vụ, lưu trú, hậu cần du lịch đều ở trạng thái tạm thời "đóng cửa".
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hữu Minh, quyền Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế cũng cho biết, hiện nay, toàn bộ các doan nghiệp lữ hành du lịch trên địa bàn tỉnh (92 đơn vị) hầu như đã tạm dừng hoạt động và gần như 100% các tour du lịch đến Huế thời gian này đã bị huỷ, bị hoãn.