THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:46

Dự kiến phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước khoảng 300 nghìn tỷ đồng,

Báo cáo tình hình nợ công năm 2019 và dự kiến năm 2020 vừa được Chính phủ gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Siết bảo lãnh, nợ Chính phủ giảm

Theo báo cáo này, Chính phủ dự kiến cuối năm 2019 nợ công ở mức 56,1% GDP, nợ Chính phủ 49,2% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước ước khoảng 19,5-20,5%, nợ nước ngoài quốc gia khoảng 45,8% GDP.

Đáng chú ý, trong năm 2019, nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP dự kiến giảm xuống còn khoảng 45,8% (so với mức 46,0% của năm 2018).

Lý do được Chính phủ cho biết là điều hành chính sách tài khóa đạt được nhiều thành quả khả quan (thu cân đối ngân sách ước vượt dự toán, dự kiến bội chi thấp hơn so với dự toán là 3,6% GDP) qua đó giảm nhu cầu huy động vốn vay của Chính phủ.

Giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài chậm hơn dự kiến, theo đó nợ nước ngoài của Chính phủ đến 31/12/2019 khoảng 18,5% GDP (giảm từ mức 19,3% GDP vào cuối năm 2018).

Nguyên nhân nữa là  không sử dụng hạn mức bảo lãnh cho doanh nghiệp vay nước ngoài trong năm, một số khoản vay thực hiện trả nợ trước hạn dẫn đến giảm dư nợ Chính phủ nước ngoài (dư nợ đến 31/12/2019 khoảng 3,6% GDP, giảm 0,8 điểm phần trăm so với cuối năm 2018).

Về nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, đến hết tháng 8/ 2019, Ngân hàng Nhà nước đã xác nhận đăng ký 1.380 khoản vay nước ngoài và xác nhận hạn mức 5 khoản phát hành trái phiếu quốc tế với tổng kim ngạch vay khoảng 8 tỷ USD và tổng khối lượng phát hành dự kiến là 1,65 tỷ USD. Ngân hàng nhà nước dự kiến mức rút vốn ròng, vay trả nợ nước ngoài trung và dài hạn của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh năm 2019 khoảng 5,5-6,0 tỷ USD, nằm trong hạn mức được Thủ tướng phê duyệt tối đa là 6,08 tỷ USD.

Tốc độ tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn dự kiến trong hạn mức được Thủ tướng Chính phủ cho phép (10-12%/năm). Theo đó, nợ nước ngoài tự vay, tự trả của khối này đến cuối năm 2019 khoảng 23,6% GDP (so với mức 22,3% GDP vào cuối năm 2018).

Như vậy, trường hợp vay nợ nước ngoài tự vay, tự trả thực hiện trong phạm vi hạn mức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho năm 2019, chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia đến cuối năm 2019 so với GDP về cơ bản vẫn được kiểm soát dưới mức trần được Quốc hội cho phép (không quá 50% GDP), Chính phủ nhìn nhận.

Cuối năm 2020 nợ công khoảng 54,3% GDP

Với 2020, Chính phủ báo cáo, nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ cho cân đối ngân sách trung ương là 459,4 nghìn tỷ đồng.

Dự kiến của Chính phủ là sẽ phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước khoảng 300 nghìn tỷ đồng, tập trung vào kỳ hạn từ 5 năm trở lên, đảm bảo kỳ hạn phát hành bình quân đạt từ 6-8 năm.

Dự kiến nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong năm 2020 khoảng 379,1 nghìn tỷ đồng, theo báo cáo.

Chính phủ cũng dự kiến không cấp bảo lãnh mới cho doanh nghiệp vay trong nước và nước ngoài, rút vốn được Chính phủ bảo lãnh của các dự án đang triển khai thực hiện tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc đến hạn.

Lo rủi ro tái cấp vốn

Theo đánh giá của Chính phủ thì các chỉ tiêu chi phí-rủi ro danh mục nợ Chính phủ, có xu hướng kém thuận lợi hơn trước đây.

Cụ thể, rủi ro tái cấp vốn tập trung vào các khoản nợ trong nước của Chính phủ do nghĩa vụ trả nợ đến hạn tập trung cao vào một số năm (10,3% danh mục nợ trong nước của Chính phủ sẽ đến hạn năm 2020), tiềm ẩn nguy cơ rủi ro thanh khoản cho ngân sách.

Riêng đối với danh mục trái phiếu Chính phủ trong nước, nghĩa vụ trả nợ tập trung vào một số thời điểm trong năm và giữa các năm 2020-2021. Ngoài ra còn các khoản trái phiếu Chính phủ phát hành trong nước bằng ngoại tệ với trị giá 1.700 triệu USD sẽ đáo hạn trong năm 2020 và 2021, phải bố trí ngoại tệ để thanh toán.

Dự kiến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách năm 2020 khoảng 23%, tiến gần ngưỡng 25% được Quốc hội cho phép trong giai đoạn 2016-2020.

"Vì vậy, việc sử dụng quy mô GDP đánh giá lại để xác định các trần và ngưỡng an toàn nợ công trong giai đoạn 2021-2025 cho phù hợp cần được xem xét thận trọng để đảm bảo tính bền vững của danh mục nợ thông qua chỉ tiêu trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước", báo cáo nêu rõ.

Bên cạnh đó Chính phủ cũng cho biết rủi ro lãi suất danh mục nợ nước ngoài có xu hướng gia tăng do tỷ trọng các khoản vay có lãi suất thả nổi tăng (từ mức 8,8% dư nợ nước ngoài của Chính phủ năm 2015 lên mức 11,4% năm 2019).

Theo Nguyên Vũ/VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh