Dù “đau”, vẫn dừng các dự án chưa cấp thiết, dồn tiền làm cao tốc Bắc - Nam
- Tây Y
- 04:36 - 10/06/2020
Hôm nay 9/6, Quốc hội nghe tờ trình, thẩm tra ở hội trường, sau đó các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Dừng các dự án chưa cấp thiết, "đau" một chút, nhưng phải chấp nhận
Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (đại biểu Quốc hội đoàn Thanh Hóa) nhấn mạnh, khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề huy động vốn. Do đó, đến giờ này, "mấy cái" PPP chưa thực hiện được và ngày càng khó khăn, dẫn đến các công trình mang tính chất lịch sử, các công trình quốc gia lớn của chúng ta không đạt.
Phân tích sự khó khăn trong huy động vốn, theo ông Dung, thứ nhất, mục tiêu đặt ra là đấu thầu quốc tế. Như tờ trình của Chính phủ cũng đã phân tích, việc đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà đầu tư sẽ giải quyết được khó khăn về tín dụng dài hạn trong nước, nhưng đến giờ không thực hiện được, vì quá trình thực hiện đã xuất hiện những yếu tố ảnh hưởng tới quốc phòng - an ninh.
Thứ hai, theo ông Dung, hiện tổng dư nợ tín dụng trong nước "chạm" giới hạn cấp tín dụng ở lĩnh vực này; Thứ nữa là đã kịch trần. Cùng với đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu, tác động nhiều mặt của đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng rất nhiều đến hạn mức cho vay dài hạn của các tổ chức tín dụng, và bên cạnh đó còn là gia tăng nợ xấu. Vì vậy, dẫn đến huy động vốn cho các dự án sẽ khó khăn, khó khả thi.
Vì vậy, việc nghiên cứu để chuyển đổi các dự án PPP có sử dụng một phần đầu tư công, sang hình thức 100% đầu tư công, theo ông Dung, có mấy ưu điểm.
Thứ nhất là khắc phục được 3 nhược điểm được ông nêu ở trên, nhưng có 2 cái quan trọng nhất ông cho rằng là thứ nhất, hiệu quả của đầu tư công sẽ tăng lên, tuy nhiên, băn khoăn nhất hiện nay chính là giải ngân đầu tư công chậm.
Thứ hai, nếu chuyển sang đầu tư công, sẽ hỗ trợ mặt "cầu" cho tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, ông đồng thuận, trước mắt chuyển đầu tư công 3 dự án thành phần, gồm: Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây.
Đồng thời, tư lệnh ngành LĐ-TB&XH cũng cho rằng, cần phải dừng các dự án chưa cấp thiết. "Đau" một chút, nhưng trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải chấp nhận", ông Đào Ngọc Dung nói.
Nhiều lãnh đạo bị kỷ luật là bài học đắt giá với ngành Giao thông
Nhắc đến dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đại biểu tỉnh Quảng Nam, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nêu, vụ án tại dự án này đã đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Cơ quan công an đã khởi tố, bắt cả Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC.
"Đề nghị Chính phủ đánh giá tác động các dự án cao tốc Bắc - Nam khi chuyển qua đầu tư công liệu có xảy ra sự cố tương tự không?", ông Cường nói và cho rằng, đầu tư công bằng ngân sách Nhà nước, tiền của nhân dân bỏ ra cuối cùng lại xảy ra sự cố như vậy.
Giải đáp, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể thừa nhận, "chúng tôi cũng rất thấm thía" đối với dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Theo người đứng đầu ngành Giao thông, chất lượng mặt đường là tiêu chí hàng đầu, mong muốn hàng đầu của ngành Giao thông, nhưng các yếu tố địa chất, thủy văn và có khi cả sự chủ quan của nhà thầu, đơn vị giám sát, ban quản lý dự án nên trong thời gian qua có nhiều công trình bị phản ánh về chất lượng, xảy ra vấn đề.
"Thời gian vừa qua, có nhiều công trình bị phản ánh chất lượng, có vấn đề. Hiện nay, nhìn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, một số cán bộ của Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, thậm chí Phó Tổng Giám đốc, một số nhà thầu tư nhân liên quan tới gói thầu bị cơ quan điều tra bắt tạm giam", Bộ trưởng Thể nói.
Khẳng định đây là bài học lớn, không chỉ của ngành Giao thông mà cả các địa phương, ông Thể khẳng định, liên quan đến chất lượng công trình, "tất cả chủ đầu tư đều ăn ngủ không yên".
Theo ông Thể, hiện nay công tác phòng, chống tham nhũng đang thực hiện rất tốt và ý thức của hệ thống cán bộ, cơ quan liên quan rất cao nên không ai dám làm sai. Pháp luật rất nghiêm minh, "ai sai dù cố tình, hay vô tình cũng phải chịu trách nhiệm".
"Các đồng chí thấy lãnh đạo Bộ chúng tôi qua nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra cũng bị kỷ luật rất nhiều. Thậm chí, có đồng chí bị cách hết mọi chức vụ, có đồng chí bị cảnh cáo, rất nhiều cán bộ cấp vụ, phòng bị kỷ luật", ông Thể phân trần.
Còn những vụ án hiện nay như cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, theo ông Thể là "kết quả của giai đoạn trước".
Làm sớm và không còn lý do gì để chậm trễ nữa
Ông Thể cũng khẳng định, với các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông, vừa qua, Chính phủ đã thành lập một tổ giám sát gồm 26 thành viên của các cơ quan, trong đó có cả cơ quan pháp luật để giám sát chặt chẽ khâu hồ sơ.
Tới đây, Chính phủ dự kiến sẽ thành lập tổ giám sát tương tự để giám sát quá trình thi công, giúp Bộ GTVT điều chỉnh chỉ đạo, tránh sau này trách nhiệm "nọ, kia".
"Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông này không cơ quan nào dám làm sai quy định. Áp lực rất lớn", ông Thể khẳng định và giải thích không phải là Bộ GTVT có tiền rồi mà không làm, mà vì phải làm theo đúng quy định của pháp luật.
"Thời điểm này không thể nhận bừa. Nhận bừa rồi sau này anh em trách nhiệm với pháp luật ra sao?... Ai cũng cảm thấy bài học xương máu trong thời gian vừa qua nhiều rồi. Rất mong các đồng chí cũng như xã hội chia sẻ, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt nhất trách nhiệm của mình", ông Thể bày tỏ.
Còn Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, việc triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam mang lại nhiều lợi ích lớn, 60% dân số được hưởng lợi, kết nối nhiều hạ tầng sân bay, cảng biển, khu du lịch, văn hóa... góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh.
Theo ông Dũng, nước nào muốn phát triển đều phải làm cao tốc rất nhanh. Đơn cử, Trung Quốc trung bình 3 năm qua chỉ một tỉnh như Vân Nam hay Quảng Tây làm hơn 2.000km đường cao tốc, trong khi Việt Nam sau 35 năm đổi mới mới chỉ có hơn 400km.
Hiện vẫn còn hơn 1.300km đường cao tốc chưa làm, "mà lẽ ra với quyết tâm và nguồn lực từ cách đây hàng chục năm đã làm xong rồi".
"Đi từ Vinh 300km ra Hà Nội đã mất 6 tiếng đồng hồ thì làm sao có giá thành cạnh tranh, làm sao hội nhập? Phải nhìn từ yêu cầu đất nước, phải thay đổi và từ cốt lõi của nền kinh tế, nên cần phải làm, làm sớm và không còn lý do gì để chậm trễ nữa", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
Cơ sở để chuyển đổi từ PPP sang đầu tư công, theo ông Dũng là thực hiện Nghị quyết 52 của Quốc hội, trong trường hợp nếu không đấu thầu được thì chuyển từ PPP sang đầu tư công.
Bộ trưởng KH&ĐT khẳng định với dự án này, Chính phủ bàn nhiều lần nên chỉ cần Quốc hội cho phép thì tháng 8 khởi công và cuối năm 2021 là xong 3 tuyến này, cũng như bố trí thêm vốn cho 700km còn lại.
Sáng nay, thừa uỷ quyền của Thủ tướng, trình bày tờ trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay, sau 2 năm triển khai thực hiện dự án, đến nay các địa phương đã ban giao mặt bằng đạt trên 73%.
3 dự án đầu tư công bắt đầu triển khai thi công từ tháng 9/2019, riêng cầu chính cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến triển khai tháng 8/2020.
Còn 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) hiện đang chuẩn bị phát hành hồ sơ mời thầu cho các nhà đầu tư, dự kiến hoàn thành công tác đấu thầu trong tháng 11/2020. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Thể, với các dự án PPP đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn tín dụng.
Vì vậy, Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư từ hình thức PPP sang đầu tư công với 3 dự án đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây và bổ sung thêm 23.461 tỷ đồng ngân sách.