THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:07

Kiến nghị Quốc hội chuyển 3 dự án cao tốc Bắc Nam sang đầu tư công

Hôm nay ngày 9/6, Quốc hội nghe tờ trình, thẩm tra ở hội trường, sau đó thảo luận tại tổ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Chuyển sang đầu tư công chắc chắn thành công

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng, trình bày tờ trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho hay, sau 2 năm triển khai thực hiện dự án, đến nay các địa phương đã ban giao mặt bằng đạt trên 73%.

3 dự án đầu tư công bắt đầu triển khai thi công từ tháng 9/2019, riêng cầu chính cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến triển khai tháng 8/2020.

Còn 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) hiện đang chuẩn bị phát hành hồ sơ mời thầu cho các nhà đầu tư, dự kiến hoàn thành công tác đấu thầu trong tháng 11/2020. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Thể, với các dự án PPP đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn tín dụng.

Vì vậy, Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư từ hình thức PPP sang đầu tư công với 3 dự án đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây và bổ sung thêm 23.461 tỷ đồng ngân sách.

Trong đó, dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 có tổng mức đầu tư khoảng 12.343 tỷ đồng; dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết có tổng mức đầu tư khoảng 11.183 tỷ đồng; dự án Phan Thiết - Dầu Giây có tổng mức đầu tư khoảng 13.656 tỷ đồng.

Kiến nghị Quốc hội chuyển 3 dự án cao tốc Bắc Nam sang đầu tư công  - Ảnh 1.

Theo ông Thể, việc lựa chọn 3 dự án này là do 1 dự án  Vĩnh Hảo - Phan Thiết không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển. 2 dự án còn lại có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển lại chủ yếu có năng lực thi công tốt lại mà không có thế mạnh về tài chính

“Chuyển đổi sang đầu tư công sẽ bảo đảm chắc chắn triển khai thành công, tổng mức đầu tư giảm do không tính chi phí lãi vay”, ông Thể nói.

3 dự án chuyển đổi đều thuộc tiêu chí quan trọng

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, đa số ý kiến thành viên của Uỷ ban này cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, nếu các dự án trên được lựa chọn chuyển đổi thì tổng vốn ngân sách Nhà nước cần bổ sung sẽ rất lớn và thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia do sử dụng vốn đầu tư công lớn hơn 10.000 tỷ đồng.

“Vì vậy, cần thực hiện theo quy định là dự án quan trọng quốc gia quy định tại Luật Đầu tư công”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ.

Ông Thanh cũng cho biết một số ý kiến lại đề nghị chỉ nên chuyển đổi dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, với các dự án còn lại cần tiếp tục thực hiện đấu thầu. Bởi Quốc hội sẽ thông qua Luật Đầu tư theo đối tác công tư PPP tạo cơ chế huy động các nguồn lực, nên sẽ là mâu thuẫn với mục tiêu xây dựng dự án Luật PPP, ảnh hưởng tới chủ trương huy động các nguồn lực của xã hội.

Với kiến nghị giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án thành phần trong trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc không huy động được vốn tín dụng, cơ quan thẩm tra cho rằng đây là dự án quan trọng quốc gia, nên khi điều chỉnh cần trình Quốc hội theo đúng thẩm quyền.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh