THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:15

Dự án trồng cây xanh cho thành phố Pleiku

Chiều ngày 5/6, dự án Pleiku xanh đã có buổi ra mắt công chúng tại Viện Nghiên cứu Sức khoẻ và Phát triển giáo dục Tây Nguyên ở 73 Lê Hồng Phong thành phố Pleiku. Lấy kiến thức, đổi cây xanh là chương trình hành động chủ đạo của dự án Pleiku xanh. Ngoài các tuyến đường được trồng cây bằng ngân sách, dự án cũng chọn một số tuyến đường chính có tên như đường Lê Đức Thọ, Đặng Văn Ngữ, và mọt số tuyến đường phụ như Khuất Duy Tiến, Nguyễn Thượng Hiện, Hồ Đắc Di, Lê Thành Phương. Giáng hương, bàng nhật, lan rẻ quạt, mai tiểu thư, mua tím và một số loại cây khác được chọn. Mục đích của dự án là vừa tạo ra bóng mát đường phố, vừa tạo ra những con đường hoa để nâng cao sức hút của đô thị.

Theo kế hoạch, từ 6/2023 đến tháng 12/2025 dự án triển khai qua 5 giai đoạn với các hoạt động như xã hội hoá kinh phí trồng cây xanh, đấu thầu dự án, trồng, nghiệm thu và bàn giao dự án cho thành phố Pleiku.

Hiện nay, Thành phố Pleiku là đô thị loại I, với 207 tuyến đường đô thị có tên cùng tổng chiều dài 272,46km. Hơn 2.036 tuyến đường hẻm trên toàn thành phố cũng được nhựa hóa, bê tông hóa. Một số công viên cây xanh có công viên Diên Hồng, Công viên Hội Phú, Biền hồ.

Theo báo cáo, năm 2021, chỉ tiêu cây xanh/đầu người của TP. Pleiku đạt 12,59 m2/người, chỉ tiêu này cao hơn mức bình quân chung của cả nước, tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới. Tuy nhiên điều đáng nói là các tuyến đường ở thành phố Pleiku thiếu cây xanh trầm trọng. Bên cạnh đó, sự bố trí cây xanh trên các tuyến đường ở TP. Pleiku cũng chưa có sự đặc thù riêng và chưa hợp lí ngay ở cấp độ thành phố, khu phố, từng con đường và từng công trình.

Dự án “Pleiku xanh” do TS. Phùng Thị Kim Huệ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Nghiên cứu Sức khỏe và phát triển giáo dục Tây Nguyên làm chủ nhiệm đã nhấn mạnh đến việc giải quyết các tồn tại hạn chế trên

TS Phùng Thị Kim Huệ thuyết trình về dự án Pleiku xanh

TS Phùng Thị Kim Huệ thuyết trình về dự án Pleiku xanh

Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá mức độ phù hợp của mô hình “mỗi người một cây xanh, mỗi nhà nhiều cây xanh, mỗi đơn vị một rừng xanh” cùng mô hình “lấy kiến thức đổi cây xanh”. Các mô hình trên vừa nhằm giáo dục cộng đồng, vừa thu hút người dân quan tâm đến thiên nhiên đóng góp bằng các hàng động thiết thực.

Chủ nhiệm dự án, TS. Phùng Thị Kim Huệ phát biểu “các mô hình chúng tôi triển khai trong dự án “Pleiku xanh” là mong muốn ngoài việc phát triển các mảng xanh hướng đến xây dựng đô thị “Cao nguyên xanh vì sức khoẻ” thì còn là mục đích xây dựng môi trường xã hội bền vững. Tham gia trồng cây là ích lợi cho chính mình và quốc gia, là sự kết nối xanh giữa các vùng miền, giữa các giai cấp, giữa các dân tộc, giữa các thế hệ, giữa các lực lượng xã hội.”   

Dự án “Pleiku xanh” thúc đẩy mục tiêu của TP. Pleiku đạt tỷ lệ cây xanh 15 m2/người vào năm 2025, và những năm tiếp theo sẽ phấn đấu đạt tỷ lệ 30 m2 cây xanh/người để xứng tầm với cao nguyên xanh. Giúp thành phố Pleiku thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường

VĂN MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh