Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: tán thành quan điểm không thu phí hòa giải
- Tây Y
- 00:34 - 27/11/2019
Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 26/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 6) là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Theo Tờ trình, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác này, do đó không quy định về phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong dự thảo Luật.
Đồng tình với quan điểm như Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Bùi Huyền Mai (TP Hà Nội) phân tích, việc nhà nước bảo đảm kinh phí cho các hoạt động hòa giải, đối thoại là thể hiện bản chất ưu việt của chế độ ta cũng như trách nhiệm của nhà nước trong giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội. Đồng thời, góp phần khuyến khích các bên lựa chọn cơ chế, sử dụng hòa giải, đối thoại tại tòa án khi giải quyết các mâu thuẫn, phát sinh.
Ngoài ra, theo bà Mai, kết quả tổng kết thí điểm cho thấy, việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã giảm khoảng 80% chi phí so với mức chi để xét xử một vụ việc theo thủ tục sơ thẩm...
Thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, đối với các tranh chấp dân sự, công lý không đơn giản chỉ là tuyên ai thắng ai thua, mà điều quan trọng nhất là Nhà nước phải tổ chức các thiết chế để giúp người dân hòa giải được với nhau.
Phương thức hòa giải tại Tòa án, theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy: "Cần phải được xem là hướng đi ưu tiên trong phát triển tư pháp dân sự ở nước ta thời gian tới. Điều này cũng phù hợp với truyền thống hòa hiếu, lối sống giàu tình cảm của người Việt Nam, tiết kiệm cho ngân sách".
Theo đại biểu, khác với phương thức xét xử tại tòa án là công khai, mọi người có quyền tham dự thì phương thức hòa giải lại được tiến hành trong môi trường riêng, chỉ có sự tham gia của các bên liên quan.
Điều này giúp các bên yên tâm, tin tưởng ngồi lại với nhau để giải quyết các tranh chấp bất đồng, thậm chí là có thể nói hết những uẩn khúc, nguyên nhân sâu xa dẫn tới mâu thuẫn. Tính ưu việt này không phải khi nào cũng có được tại phiên tòa công khai, nhất là trong các vụ án ly hôn, vụ án kinh doanh thương mại.
"Như phiên tòa xét xử vụ án ly hôn của vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ vừa qua, mọi mâu thuẫn trong quá trình hôn nhân cũng như những tình tiết cụ thể của vụ án đã được hàng chục tờ báo cập nhật và đưa tin hàng ngày, chắc rằng đây cũng là điều mà những người trong cuộc không hề mong muốn" – bà Nguyễn Thị Thủy dẫn chứng.
Nữ đại biểu đoàn Bắc Kạn cho rằng, nếu được các bên đồng ý thì hòa giải viên còn có thể mời cả những người có uy tín trong dòng họ, bạn bè tin cậy của các bên cùng tham gia hòa giải, phân tích phải trái, thiệt hơn, giúp các bên cân nhắc thấu đáo trước khi quyết định.
Thí điểm vừa qua cho thấy, nhiều hòa giải viên đã sử dụng hiệu quả cách làm trên và kết quả là nhiều vụ các bên đã từ bỏ ý định ly hôn, quay trở lại đoàn tụ; nhiều vụ vay mượn, mâu thuẫn trong làm ăn kinh tế cũng đã được giảng hòa, tìm ra giải pháp cả 2 cùng chấp nhận.
"Theo tính toán hiện nay, mức chi cho một phiên tòa sơ thẩm là 5,5 triệu đồng. Trong khi mức chi cho một vụ hòa giải chỉ 1,2 triệu đồng, tức là ít hơn 4,3 triệu đồng. Thí điểm vừa qua đã hòa giải thành công gần 40.000 vụ. Theo đó đã tiết kiệm cho ngân sách ít nhất 170 tỷ đồng" – bà Nguyễn Thị Thủy nói.