THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:27

Dự án khu dân cư Sông Đà tại quận Thủ Đức: Có dấu hiệu vi phạm

Ngày 4-11-2019, hàng trăm hộ dân sinh sống tại một dự án nhà ở trên địa bàn P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức (tên thường gọi là Khu dân cư (KDC) Sông Đà, do Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và xây dựng K&N, nay là Công ty cổ phần Đầu tư Đại Hải, gọi tắt là Công ty Đại Hải làm chủ đầu tư) đồng loạt ký đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng, về hành vi có dấu hiệu lừa đảo, giả mạo tài liệu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức của ông Ngô Xuân Trường (Giám đốc Công ty Đại Hải).

HÀNG LOẠT HỒ SƠ BỊ GIẢ MẠO ĐỂ ĐƯỢC CẤP “SỔ HỒNG”?

Theo đơn tố cáo của các hộ dân trên, đến nay họ đã thu thập đầy đủ bằng chứng cho thấy ông Trường đã lợi dụng vai trò Giám đốc Công ty Đại Hải để bán, sang nhượng nhiều nền đất cho nhiều người.

Trao đổi với phóng viên Báo Công an TPHCM, ông Nguyễn Quốc Đạt (SN 1978, ngụ Q.Thủ Đức; chủ của nền đất 17, lô D, nay là Đường số 8, KDC Sông Đà) cho biết: “Hiện nay, chỉ riêng trục Đường số 8, KDC Sông Đà đã có hàng chục trường hợp chủ đất mua nền hợp pháp bằng hình thức hợp đồng góp vốn, bị chủ đầu tư làm giả hồ sơ, bán và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“sổ hồng”) cho người khác.

Nhiều trường hợp sau khi được cấp giấy chứng nhận, đã bị chuyển nhượng nhiều lần, tạo thành một “mớ bòng bong” tranh chấp. Số hộ phát hiện đất của mình bị chủ đầu tư cố ý bán chồng chéo cho người khác đến nay là 14 trường hợp. Số hộ bị chủ đầu tư mang “sổ đỏ” thế chấp ngân hàng cũng lên tới hàng trăm trường hợp”.

Bản thân ông Đạt cũng là nạn nhân. Theo ông Đạt, năm 2003, giữa Công ty K&N (nay là Công ty Đại Hải) và chi nhánh Tổng công ty Sông Đà tại TPHCM (sau đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Sông Đà, đến nay đổi tên thành Công ty cổ phần ANI) đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh xây dựng KDC trên.

Theo bảng phân chia đất nền thụ hưởng, Công ty ANI được hưởng 96 nền biệt thự, 143 nền nhà liên kế (tương đương 60% diện tích đất ở của dự án). Trong quá trình thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh, Công ty ANI đã kinh doanh phần đất được thụ hưởng tại dự án, ký kết hợp đồng với khách hàng, đồng thời yêu cầu Công ty Đại Hải phải thực hiện hoàn tất về thủ tục cấp “sổ hồng” cho khách hàng.

Ông Đạt nhận chuyển nhượng một hợp đồng góp vốn từ một khách hàng của Công ty ANI là ông Nguyễn Văn Kiếm (SN 1966, quê Gia Lai) để sở hữu nền đất 17, lô D, có diện tích 85m2 từ năm 2014. Việc nhận chuyển nhượng này được văn phòng công chứng cũng như Công ty ANI xác nhận là hợp pháp.

Tuy nhiên, khi ông Đạt tiến hành xây dựng trên khu đất đó thì xuất hiện một nhóm người lạ đến ngăn cản. Nhóm người này trưng ra “sổ hồng” số CK 052815 do Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cấp cho Dương Nghĩa Trung (SN 1982, ngụ xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) vào ngày 12-2-2018, ghi vào Sổ cấp giấy chứng nhận số CS: 09875, thửa đất số 761, tờ bản đồ số 19, P.Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức); để chứng minh phía họ là chủ thửa đất 17, lô D, thuộc thửa 761, tờ bản đồ số 19 (D.17).

Sau đó, cả ông Đạt và Công ty ANI có văn bản yêu cầu Công ty Đại Hải giải thích. Ngày 1-7-2019, ông Ngô Xuân Trường (Giám đốc Công ty Đại Hải) ra Văn bản số 01/07/CV/2019 gửi Công ty ANI. Theo đó, ông Trường thừa nhận quyền sử dụng hợp pháp của ông Đạt đối với lô đất D.17.

Trong khi đó, “sổ hồng” của thửa đất này được dùng làm tài sản thế chấp tại Ngân hàng Agribank - chi nhánh Xuyên Á (Q12) theo Hợp đồng số 6150LCL201800 ngày 12-12-2018 để vay 3 tỷ đồng. Trong văn bản trên, ông Trường thừa nhận: “Việc làm trên của Công ty Đại Hải là hoàn toàn sai trái trước pháp luật, trước Công ty ANI, ông Nguyễn Quốc Đạt...”.

Dự án khu dân cư Sông Đà tại quận Thủ Đức: Có dấu hiệu vi phạm - Ảnh 1.

Dự án khu dân cư Sông Đà tại quận Thủ Đức: Có dấu hiệu vi phạm - Ảnh 2.

Dự án khu dân cư Sông Đà tại quận Thủ Đức: Có dấu hiệu vi phạm - Ảnh 3.

Những chủ đất hợp pháp “tố” Công ty Đại Hải làm giả hồ sơ để chuyển nhượng đất của mình cho người khác

Tương tự, vợ chồng ông Nguyễn Khoa (SN 1959) - bà Nguyễn Thị Mai cũng là chủ hợp pháp của nền đất số 04, lô P (gọi là nền P4) có diện tích 178,1m2, được chính ông Trường xác nhận bằng văn bản.

Thế nhưng trên thực tế, nền P4 đã được Công ty Đại Hải chuyển nhượng cho bà Bồ Thanh Phương (SN 1983, ngụ Q1) và làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bà Phương, ghi vào Sổ cấp giấy chứng nhận số CS10215.

Đối với nền đất này, sau khi làm “sổ hồng” cho bà Phương, Công ty Đại Hải đã cùng với bà Phương sử dụng “sổ hồng” trên để thế chấp tại Ngân hàng BIDV - chi nhánh Vũng Tàu vay 8 tỷ đồng.

Ông Trường cũng thừa nhận trong giấy cam kết với vợ chồng ông Khoa rằng việc làm của Công ty Đại Hải đối với nền P4 là “hoàn toàn sai trái”, đồng thời cam kết đến ngày 15-7-2019 sẽ cùng bà Phương trả mọi khoản vay liên quan tới ngân hàng và làm thủ tục sang tên lại cho vợ chồng ông Khoa.

Trao đổi với chúng tôi, ông Khoa bức xúc: “Thực chất ông Trường làm cam kết với chúng tôi để chúng tôi không tố cáo hành vi của ông ta và Công ty Đại Hải ra trước pháp luật. Đến nay đã quá hạn mà ông Trường không thực hiện cam kết nên hàng trăm hộ dân tại KDC này thống nhất đưa hành vi của ông Trường có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản ra trước pháp luật.

Sau khi người dân phát hiện hàng loạt trường hợp bị làm “sổ hồng” trái pháp luật thì không liên lạc được với ông Trường nữa. Chúng tôi nghi ngờ ông Trường và Công ty Đại Hải đã dùng rất nhiều “sổ hồng” để thế chấp cho những người ngoài xã hội vay tiền, vì hễ hộ dân nào xây nhà thì đều có người lạ mặt tới ngăn cản, nói là đất của họ đã được cấp chủ quyền...”.

Theo ông Khoa, có một người đến trưng ra hàng chục cuốn “sổ hồng” (bản phôtô) mang tên họ, trong khi đất là của các hộ dân ở đây mua bằng hình thức góp vốn từ chủ đầu tư. Trong số 224 hộ dân chưa được cấp “sổ hồng”, số nạn nhân của Công ty Đại Hải là không ít. Do đó, những hộ dân này mong các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc điều tra làm rõ.

Dự án khu dân cư Sông Đà tại quận Thủ Đức: Có dấu hiệu vi phạm - Ảnh 4.

Nhóm người lạ mặt đến lô đất D17 để ngăn cản ông Đạt xây nhà

Một trường hợp khác là ông Vũ Nam Bắc (chủ hợp pháp của thửa đất số 9, lô P, thuộc thửa đất 240-200, tờ bản đồ số 19 (gọi tắt là nền P9) được Công ty Đại Hải cấp lệnh khởi công, để ông Bắc liên hệ với cơ quan chức năng xin giấy phép xây dựng.

Nhưng khi ông Bắc tiến hành khởi công xây dựng thì xuất hiện một nhóm người lạ đến trưng ra Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CL118154, ghi vào Sổ cấp giấy chứng nhận số CS 10124, mang tên bà Đinh Thu Thủy (SN 1978, ngụ TP.Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu), do Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM cấp ngày 22-6- 2018. Những thay đổi pháp lý cập nhật trên giấy chứng nhận này cho thấy, thửa đất của ông Bắc đã bị bà Thủy tiếp tục chuyển nhượng cho ông Nguyễn Thanh Phong (ngụ Q.Bình Thạnh), sau đó ông Phong tiếp tục chuyển nhượng cho ông Đinh Khắc Hành (ngụ Đồng Nai)?!

Dự án khu dân cư Sông Đà tại quận Thủ Đức: Có dấu hiệu vi phạm - Ảnh 5.

Dự án khu dân cư Sông Đà tại quận Thủ Đức: Có dấu hiệu vi phạm - Ảnh 6.

Người dân Khu dân cư Sông Đà ký tên đơn tố cáo Công ty Đại Hải và Giám đốc Ngô Xuân Trường (ảnh chụp ngày 4-11-2019)


NHIỀU NGÂN HÀNG CŨNG CÓ DẤU HIỆU BỊ LỪA ĐẢO

Không chỉ có các hộ dân bỗng nhiên mất quyền sử dụng đất hợp pháp, mà nhiều ngân hàng như: Sacombank, BIDV, Agribank, DongA Bank và Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM cũng có dấu hiệu bị Công ty Đại Hải dùng thủ đoạn để “qua mặt”.

Theo tài liệu phóng viên thu thập được, trong số các nền đất mà Công ty ANI được chia theo thỏa thuận hợp đồng hợp tác thì lô D có tới 15 nền, đang được Công ty Đại Hải thế chấp tại Ngân hàng Vietcombank - chi nhánh TPHCM. Lô E có 11 nền, lô N có 14 nền đang thế chấp tại Ngân hàng DongA Bank. Lô J có 11 nền cũng đang thế chấp tại Ngân hàng Vietcombank - chi nhánh TPHCM. Lô M có 7 nền đang thế thấp tại Ngân hàng Sacombank.

Riêng Ngân hàng Agribank - chi nhánh Nhà Bè đã nhận thế chấp tới 57 nền thuộc các lô H, O, J của Công ty Đại Hải. Phần lớn các ngân hàng này khi nhận thế chấp đều không tìm hiểu, xác minh trên thực tế, nên không nắm được hiện trạng tranh chấp, dẫn đến khả năng bị mất vốn khá cao.

Những sai phạm trên của Công ty Đại Hải đã có dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, điều tra làm rõ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.

Luật gia Nguyễn Thanh Lương - Đoàn Luật gia TPHCM:

Với những hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được làm bằng thủ đoạn gian dối, về mặt dân sự đương nhiên sẽ không có giá trị và vô hiệu. Về mặt hình sự, người thực hiện hành vi gian dối để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi điều tra, cơ quan chức năng sẽ xem xét có khả năng điều tra, làm rõ thêm những dấu hiệu của tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Theo Công an TP.HCM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh