Vẫn chưa nhận đủ mặt bằng
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 3/2005, tháng 8/2005, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp phép đầu tư Dự án Khu du lịch Bình Tiên cho Công ty CP Đầu tư và Du lịch Bình Tiên (Công ty Bình Tiên) với tổng mức đầu tư hơn 550 tỷ đồng. Tháng 10/2009, UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án lên 2.579 tỷ đồng, nguồn vốn của chủ đầu tư và vốn vay. Đây là dự án nhóm A đầu tư vào vùng đặc biệt khó khăn với quy mô trên 190 ha đất, đầu tư các hạng mục như khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, sân golf 18 lỗ tiêu chuẩn quốc tế, bến du thuyền… Tuy nhiên, đến nay Dự án không thể hoàn thành được vì thiếu nước và không có đủ điện, mặt bằng cũng chưa được giao đầy đủ.
Liên quan đến mặt bằng dành cho Dự án, cuối năm 2012, Chủ đầu tư đã được bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 với diện tích là 157,29 ha. Còn giai đoạn 2 của Dự án gồm 33,09 ha đất Vườn quốc gia Núi Chúa dù đã có quyết định thu hồi từ tháng 4/2011, nhưng đến nay Chủ đầu tư vẫn chưa được bàn giao do chưa hoàn thành xong công tác bồi thường thiệt hại. Được biết, từ năm 2014 đến nay, việc bồi thường do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Ninh Thuận thực hiện.
Mặc dù doanh nghiệp chưa nhận được đủ 100% diện tích đất của Dự án gồm 190,7 ha, nhưng ông Lê Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Ninh Thuận lại cho rằng, Công ty Bình Tiên đã vi phạm tiến độ sử dụng đất.
Dự án Khu du lịch Bình Tiên là dự án được Chính phủ khuyến khích đầu tư. Mới đây nhất, theo Thông báo số 720/TB-STNMT ngày 8/3/2016 của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Ninh Thuận, Công ty Bình Tiên được hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của Chính phủ và các quy định cụ thể của UBND tỉnh Ninh Thuận.
Dự án ưu đãi nhưng không có… nước
Theo ông Nguyễn Nam Linh, Giám đốc điều hành Công ty Bình Tiên, đây là dự án nhóm A và theo quy định của Luật Đầu tư thì Dự án được hưởng các ưu đãi như được giao mặt bằng sạch (Nhà nước giải tỏa, đền bù); được cung cấp hệ thống kỹ thuật điện, nước, đường giao thông đến chân hàng rào dự án và các ưu đãi theo quy định. Tuy nhiên, do tỉnh Ninh Thuận còn nhiều khó khăn nên từ giai đoạn đầu đầu tư đến nay, Công ty Bình Tiên đã chủ động hỗ trợ ứng trước các khoản kinh phí cho Tỉnh, từ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đến việc xây dựng tái định cư và di dân để Dự án được thực hiện kịp thời. “Đến nay, Công ty Bình Tiên đã chi và đầu tư cho Dự án gần 400 tỷ đồng, trong đó, riêng 64 hộ dân vùng Dự án thôn Bình Tiên đã được đầu tư trên 70 tỷ đồng. Mặc dù vậy, Dự án của chúng tôi vẫn không có nước và điện đảm bảo”, ông Linh than thở.
Do tỉnh Ninh Thuận còn nhiều khó khăn nên Công ty Bình Tiên đã chủ động hỗ trợ ứng trước các khoản kinh phí thực hiện Dự án Ninh Thuận là vùng đất khô hạn nhất nước, do vậy, muốn triển khai thành công một dự án du lịch thì yếu tố nguồn nước được coi là điều cốt tử. Chính vì vậy, ngay trong báo cáo quy hoạch của Dự án, Công ty Bình Tiên đã quy hoạch nguồn nước cấp cho Dự án sẽ được lấy từ nguồn nước ngọt suối Chà Là.
Năm 2006, Dự án đã xin chủ trương đầu tư nguồn nước ngọt suối Chà Là và được UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận chủ trương cho phép doanh nghiệp được đầu tư, tự bỏ vốn xây dựng Dự án Công trình khai thác nước ngọt suối Chà Là phục vụ cấp nước sinh hoạt cho thôn Bình Tiên và du lịch. Công ty Bình Tiên đã đầu tư cho Dự án này gần 3 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành hồ sơ thiết kế kỹ thuật và đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, có ý kiến trình UBND tỉnh Ninh Thuận xem xét.
Thế nhưng, năm 2010, cơ quan chức năng của Ninh Thuận có thông báo giao cho đơn vị khác lập dự án cấp nước cho các khu du lịch phía Bắc tỉnh Ninh Thuận (trong đó có Dự án Khu du lịch Bình Tiên). Tuy nhiên, dự án cấp nước này hiện vẫn chưa hoàn thành.
Điện mờ mịt, dự án không lối thoát
Hiện tại, Dự án Khu du lịch Bình Tiên và bà con thôn Bình Tiên đang sử dụng tạm thời đường điện 0,6KV do Điện lực Cam Ranh (Khánh Hòa) cấp. Đường điện này chỉ mang tính tạm thời đủ phục vụ cho 63 hộ dân và ban quản lý dự án. Do vậy, việc đầu tư một hệ thống điện cao thế 110KV/25KVA cho khu vực thôn Bình Tiên và các khu du lịch phía Bắc tỉnh Ninh Thuận là hết sức cần thiết và cấp bách.
Ông Nguyễn Nam Linh, Giám đốc điều hành Công ty Bình Tiên cho biết: Nguồn nước và điện cấp cho Dự án không được đảm bảo, gây bất an cho nhà đầu tư khi đầu tư hàng nghìn tỷ vào đây. Khu du lịch Bình Tiên khi đầu tư hoàn thành lên tới 2.600 tỷ đồng mà nguồn điện, nước không được ổn định lâu dài, thì thiệt hại đối với Dự án là vô cùng lớn, khoảng 700 tỷ đồng/năm. Trong khi để phát triển du lịch, thì nguồn nước sinh hoạt và điện mang ý nghĩa sống còn và hết sức quan trọng tại vùng đất khô hạn nhất nước này. Ông Linh cũng cho biết, để cùng Tỉnh tháo gỡ khó khăn này, Công ty Bình Tiên đang đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận cho phép doanh nghiệp được tiếp tục đầu tư vào dự án cấp nước sạch mà doanh nghiệp đã nghiên cứu ở đây.