THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 07:04

Động Từ Thức - vẻ đẹp “chốn tiên cảnh” trong truyền thuyết

 

Cửa vào động Từ Thức

 

Động Từ Thức nằm trong lòng một ngọn núi thuộc dãy Tam Điệp, tiếp giáp giữa huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và huyện Nga Sơn (Thanh Hóa). Hang động này gắn liền với nhân vật Từ Thức được hư cấu gặp được tiên trong truyện dã sử Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Theo sử cũ chép, Từ Thức là một nhân vật lịch sử có thật sinh sống dưới thời đại Trần, niên hiệu Quang Thái (1388-1398) dưới triều vua Trần Thuận Tông, thế kỷ XIV, ông quê ở Hòa Châu (tức Thanh Hóa bây giờ). Ông xuất thân từ con quan nên được bổ nhiệm làm một chức quan nhỏ ở một địa hạt thuộc xứ Kinh Bắc (nay thuộc huyện Tiên Du, Bắc Ninh). Ông nổi danh là người thông minh, hạm học, làm quan song luôn có lòng thương dân. Ông thường dành lương bỗng của mình mua thóc gạo phát chẩn cho dân những năm đói kém nhất mùa. 

 

Hình ảnh chàng Từ thức và nàng Giáng Hương sánh duyên bên nhau và quần tiên tụ hội 

 

Tương truyền, Từ Thức vốn thích ngao du sơn thủy, thưởng ngoạn phong cảnh và làm thơ. Tháng 2 năm Bính Tỵ (1396), một hôm khi Từ Thức đến vãn cảnh chùa dự hội xem hoa, Từ thức thấy một thiếu nữ tuổi chừng mười sáu, mười bảy, nhan sắc xinh đẹp, nhỡ tay vịn gãy một cành hoa mẫu đơn, nên bị các chú tiểu nhà chùa giữ lại để phạt vạ, trông thấy cảnh đó với tấm lòng nhân hậu, hiệp nghĩa, chàng liền cởi áo gấm mặc ngoài, chuộc cho thiếu nữ. Sau đó, Từ Thức từ quan về quê để vui thú non nước.

Một hôm, trông ra cửa biển Thần Phù, chàng thấy có áng mây ngũ sắc kết thành hình hoa sen. Từ Thức một mình chèo thuyền ra phía ấy. Ðến chân một dãy núi cao ngất, chạy sát mặt biển, Từ Thức buộc thuyền lên bờ và trèo lên một mỏm đá cao, trông thấy một cái hang bên sườn núi và bước vào bên trong một hang động đây chính là hang thứ sáu trong ba mươi sáu động núi Phi Lai. Khi bước vào, chàng say đắm trước cảnh tiên bồng và biết được đây chính là nơi ở của nàng Giáng Hương- người con gái đánh gãy cành hoa mẫu đơn trong chùa ngày nọ. Nàng Giáng Hương mang ơn của Từ Thức nên đem lòng cảm kích, từ đó, chàng Từ Thức sánh duyên cùng nàng Giáng Hương.

 

Hình ảnh vườn hoa mẫu đơn và trái đào tiên

 

Từ Thức ở được chừng một năm, có ý nhớ nhà, nói với Giáng Hương rằng: "Tôi đi xa nhà đã lâu, lắm lúc nhớ quê cũ, muốn về thăm một chút". Giáng Hương khuyên rằng: "Thiếp không phải vì tình lưu luyến hẹp hòi mà ngăn trở ý định của chàng, chỉ vì ở trần gian tháng ngày ngắn ngủi, sợ chàng có về đến nhà, cũng không thấy còn như trước nữa". Sau đó, sai người lấy một cỗ xe để tiễn đưa chàng. Giáng Hương viết một phong thư dán kín đưa cho chồng, dặn đến nhà hãy mở ra xem. Từ Thức tạm biệt Giáng Hương, rồi lên xe, chỉ chớp mắt đã về đến làng cũ. Phong cảnh khác hẳn xưa, chỉ còn hai bên khe núi là vẫn nguyên như trước. Chàng đem họ tên mình hỏi thăm các cụ già trong làng thì có một cụ trả lời: "Hồi nhỏ, tôi cũng có nghe nói hình như cụ tổ bốn đời nhà tôi họ tên cũng như thế, nhưng lạc vào hang núi cách đây đã ngót hai trăm năm rồi". Từ Thức buồn rầu, muốn lại ngồi lên xe tiên để đi, thì xe đã hóa thành chim loan bay đi mất rồi. Mở bức thư của Giáng Hương ra xem, chàng chỉ thấy có dòng chữ: "Ở nơi tiên cảnh, cùng nhau kết bạn, nay duyên xưa đã hết, không còn mong hội ngộ". Chàng Từ Thức nhớ thương mối tình chốn tiên cảnh, đau lòng, rồi khoác áo lông, đội nón nhẹ, một mình đi vào núi Hoành Sơn, không thấy trở về nữa.

Hình ảnh tháp bút trong trường cảnh Từ Thức làm quan 


Động Từ Thức dài khoảng 200 m, rộng hàng nghìn m2, vòm hang chỗ cao nhất chừng 40 m. Khung cảnh bên trong và xung quanh động vẫn còn giữ được nét hoang sơ và thơ mộng. Động nằm trên sườn một ngọn núi đá nhỏ, xung quanh là cánh đồng lúa xanh ngút ngàn.

 Động được thiên nhiên ban tặng cho nhiều nhũ đá, người dân địa phương đã tưởng tượng ra những câu chuyện thần tiên như kho vàng, núi bạc, quần tiên tụ hội… gắn với từng mảng thạch nhũ khiến nhiều du khách thêm mê hoặc, cuốn hút. Dưới ánh điện màu càng làm cho hang núi thêm lung linh huyền ảo.

Khu động chính gồm có 2 phần: phần ngoài khá rộng, bên trên là mái trần hình vòng cung giống như một chiếc bát khổng lồ úp xuống. Bên dưới mái vòng cung là một nhũ đá mang hình dáng của trái đào tiên – vì vậy mà động trước đây có tên gọi là “Bích Đào”.

 Nền đá bên dưới khá phẳng và nhẵn, đặc biệt vẫn còn lưu lại vết tích của đền thờ Từ Thức. Gần đó, những đụn nhũ thạch lấp lánh nhiều màu sắc: Nhũ thạch màu xanh chảy từ trên xuống với những hình tròn xếp chồng lên nhau được gọi là “kho tiền”; Nhũ thạch màu vàng giống như từng thỏi đá óng ánh màu hoàng kim được gọi là “kho vàng”; Nhũ thạch nhỏ hơn và có màu trắng toát được gọi là “kho muối”; còn nhũ thạch màu nâu bạc với những hòn đá mịn và gắn chặt vào nhau được gọi là “kho gạo”. Các hình ảnh bằng đá thiên tạo như "mâm xôi", "thủ lợn", "bàn cờ tiên" giống một bàn đá bằng phẳng có đầy đủ các quân cờ, đường kẻ, "phường bát âm" là những nhũ đá, vách đá nhô ra, gõ vào tạo nên thứ âm thanh thú vị. Đi sâu vào bên trong ta gặp vũng nước trong vắt, mát rư­ợi, đầy những hòn cuội trắng xinh. Kế bên là "ao bèo" (bằng đá) với những lớp "bèo" cũng bằng đá, bồng bềnh điểm những chùm hoa trắng, lục.

 

Hình ảnh linh vật con voi bên hồ nước tiên 

 

Sâu hơn bên trong động là một ngã rẽ, tương truyền đó là đường lên cõi tiên của Từ Thức. Ở đây, ta sẽ thấy hình ảnh chàng Từ Thức đang nằm vắt tay suy ngẫm, bên cạnh đó là cảnh chàng bay lên trời. Trên đường là quán nghỉ chân bằng đá và những mắc treo áo và mũ – tất nhiên đều bằng đá. Cạnh đó là một ngã rẽ bí ẩn khác, theo hình xoáy ốc, được cho là “đường xuống Âm Phủ”. Năm 1960, một đoàn thám hiểm ngoại quốc đã xuống thăm khu vực “Âm Phủ” này đã phát hiện một dòng nước chảy xiết thông ra cửa Thần Phù. Điều thú vị là nếu ai thả một quả bưởi xuống ngách hang này, hôm sau sẽ thấy quả bưởi ấy lững lờ trôi ra cửa Thần Phù, ra sông Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.

Với tâm niệm, niềm tin cũng như trí tưởng tượng của người Việt bao thế hệ, mỗi tảng đá, nhũ đá vôi trong hang động lại được gắn với những “mảnh” truyền thuyết về chàng Từ Thức gặp Tiên. Động Từ Thức được chia thành các cảnh lớn như: Từ Thức gặp Tiên, Từ Thức ở trên trời, Từ Thức về quê.

 

Bia đá khắc bài thơ của Lê Quý Đôn khi ông qua đây vãn cảnh 

 

Nhiều tảng đá có hình thù như những linh vật: con rồng biểu tượng cho “con lạc cháu rồng”, “trứng rồng lại nở ra rồng”; con rùa, con cóc, con voi,… Nhiều nhũ đá lại tựa như những bông hoa mẫu đơn, bông hoa quỳnh. Đặc biệt hoa mẫu đơn thì nhiều hơn cả vì trong truyền thuyết đây cũng là loài hoa làm nên cơ duyên chàng Từ Thức gặp Tiên.

Truyền thuyết Từ Thức lên tiên và đặc biệt là cảnh trí kỳ thú của động Bích Đào (nay là Động Từ Thức) đã từng là nơi hấp dẫn đối với nhiều tao nhân, mặc khách, nhiều nhân sĩ, hiền nhân: Nguyễn Trung Nhạn, Lê Quý Đôn, Nguyễn Thượng Hiền, Huỳnh Thúc Kháng... Ở đây, ngay khi mới bước vào cửa động, chúng ta đã được chiêm ngưỡng bài thơ chữ Hán của Lê Quý Đôn khắc trên một phiến đá. Đã mấy trăm năm nhưng nét chữ vẫn còn sắc như­ mới khắc.  

Hơn sáu thế kỷ trôi qua, nhưng vẫn còn đó những vết tích của cuộc tình duyên: đó là buồng tắm của Giáng Hương, là thư phòng của Từ Thức, là những trái đào tiên, là vầng trăng và cả đôi chim thạch nhũ.

Cảnh động huyền ảo, vừa phảng phất ý vị của chốn bồng lai tiên cảnh, vừa thấm đẫm cái tình của mối nhân duyên thơ mộng. Động Từ Thức là một trong số rất ít những chứng tích còn lại về cõi thần tiên trên nhân thế. Du khách đến “chốn tiên cảnh” trong truyền thuyết sẽ có những trải nghiệm thú vị.

HOÀNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh