Đồng Tháp: Xây cụm tuyến dân cư vượt lũ giúp dân xóa nghèo
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 03:09 - 07/05/2016
Sau nhiều năm triển khai chương trình xây dựng CTDCVL ở Đồng Tháp cho thấy đây thực sự là một chương trình mang ý nghĩa xã hội và nhân văn thật sâu sắc, nhằm giải quyết cho người dân vùng lũ có một nơi ở ổn định, an toàn. Từ đó, người dân không còn chịu cảnh chạy lũ mà được an cư để từng bước phát triển bền vững về kinh tế, xã hội trong điều kiện sống chung với lũ. Được biết trong nhiều năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng xong hàng trăm CTDCVL, bố trí cho hàng chục ngàn hộ dân vùng lũ vào sinh sống ổn định. Chương trình xây dựng CTDCVL đáp ứng được nguyện vọng của người dân, vừa sống chung với lũ, vừa chủ động khai thác lợi thế của mùa lũ để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo.
Cụm tuyến dân cư vượt lũ Nam kênh hậu ở thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông là một trong những cụm tuyến dân cư vượt lũ của Đồng Tháp đã tạo cơ hội cho nhiều hộ nông dân an cư lạc nghiệp vươn lên thoát nghèo.
Những năm qua, dù lũ lụt vẫn xẩy ra trên diện rộng và thất thường, nhưng người dân sống trong các CTDCVL vẫn an toàn và mọi sinh hoạt diễn ra bình thường. Đồng thời người dân còn chủ động sản xuất mỗi năm hàng trăm ha lúa vụ 3 và các loại hoa màu thủy sinh như rau nhút, rau muống, cần nước, cây ấu tăng thêm thu nhập đáng kể. Chương trình xây dựng CTDCVL đã thực sự phát huy tác dụng thiết thực, giúp cho người dân từ chỗ chạy lũ, chuyển sang chủ động sống chung với lũ để phát triển kinh tế. Hiện nay ở các CTDCVL của Đồng Tháp đã xuất hiện nhiều khu thị tứ ngay tại các vùng trước đây thường xuyên bị ngập, như các khu dân cư xã Tân Thới Trung (Cao Lãnh), xã Phú Cường (Tam Nông), xã Hòa Long, Định Hòa (Lai Vung). Nhiều CTDCVL của huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, thị xã Hồng Ngự được quy hoạch bố trí dân ra biên giới như CTDC Giồng Bàu, Giồng Dúi, Gò Cát, Thông Bình.
Xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân tập trung vào sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài ra trong quy hoạch CTDCVL Đồng Tháp còn chủ động xây dựng khép kín tạo điều kiện thuận lợi để hình thành những cánh đồng mẫu lớn và chú trọng việc triển khai nhiều mô hình dạy nghề, khuyến khích phát triển làng nghề, hoạt động dịch vụ, qua đó tạo việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn, ổn định cuộc sống. Điều này đã được các CTDCVL của Đồng Tháp triển khai thực hiện đem lại hiệu quả tích cực. Không chỉ được bố trí chỗ ở an toàn, người dân trong các CTDCVL còn được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: Điện, đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, nước sạch hợp vệ sinh, trường học, trạm y tế, chợ đáp ứng nhu cầu đời sống người dân. Bên cạnh đó, các CTDCVL còn lồng ghép vào chương trình giảm nghèo, dạy nghề nông thôn nên cuộc sống người dân trong CTDCVL ngày càng được cải thiện và nâng cao chất lượng.
Trồng ấu mùa nước nổi là một trong những mô hình được nhiều hộ nông dân ở các cụm tuyến dân cư thực hiện, góp phần tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Huyện Tháp Mười là một trong những địa phương như thế. Ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng tốt, người dân còn có cuộc sống ổn định đo các cơ sở tiểu thủ công nghiệp như đan lục bình, gia công hạt sen, hạt điều giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động. Chị Mai Hồng Quyến, làm việc tại Chi nhánh Cty TNHH Tỷ Xuân cho biết, trước đây do ít đất sản xuất, cả gia đình chị sống nhờ vào mấy sào ruộng, nên cuộc sống luôn thiếu thốn. Từ khi vào sống ổn định trong CTDCVL và được làm việc tại công ty, thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình được cải thiện đáng kể. Hiện nay Đồng Tháp đã và đang kết hợp Chương trình xây dựng CTDCVL với Chương trình xây dựng nông thôn mới, tăng cường đầu tư cho CTDCVL toàn diện hơn về hạ tầng cơ sở, để góp phần biến CTDCVL thành những điểm thị tứ của nông thôn ngày càng khang trang trang hơn, nhộn nhịp hơn. Đặc biệt là chú trọng đầu tư vào công tác dạy nghề thiết thực gắn với giải quyết việc làm để giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở CTDCVL./.