Đồng Tháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em
- Y học 360
- 14:25 - 13/05/2021
Trong 4 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh Đồng Tháp đã xảy ra 12 trường hợp tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em, trong đó có 10 trường hợp trẻ em bị đuối nước. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND huyện, TP cần tập trung thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.
Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em, nhất là phòng ngừa đuối nước cho trẻ em; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh báo, gia cố các nguy cơ gây tai nạn thương tích trẻ em.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh triển khai mô hình "Ngôi nhà an toàn" và "Xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em"; lồng ghép việc triển khai, thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em vào Kế hoạch bảo vệ, chăm sóc trẻ em hằng năm.
Tăng cường công tác truyền thông, tư vấn, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, trong đó tập trung vào các loại hình tai nạn thương tích thường gặp như: Rơi, ngã, đuối nước, tai nạn giao thông, bỏng, ngộ độc.
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch triển khai Chương trình bơi an toàn cho trẻ em; tập huấn cho hướng dẫn viên, giáo viên dạy bơi theo chương trình bơi an toàn cho trẻ em.
Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai xây dựng các mô hình Trường học an toàn, nhà trẻ mẫu giáo an toàn phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh về phòng, chống tai nạn, thương tích, trong đó chú trọng đến phòng, chống đuối nước trẻ em trên hệ thống loa phát thanh tại trường và lồng ghép vào các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp.
UBND tỉnh cũng yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em.