TP.HCM: Nỗ lực xây dựng mô hình một cửa nhằm hỗ trợ bảo vệ quyền trẻ em
- Y học 360
- 05:24 - 24/07/2020
Dự án giúp thay đổi suy nghĩ và hành vi ứng xử
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM (LĐ-TB&XH) vừa tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả đánh giá cuối kỳ và nhân rộng mô hình dự án "Trường học thân thiện và Bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương" trên địa bàn thành phố.
Dự án được IKEA tài trợ và Tổ chức cứu trợ trẻ em (SC) hợp tác cùng Sở LĐ-TB&XH, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM thực hiện. Dự án nhằm hướng đến mục tiêu góp phần xây dựng và củng cố môi trường giáo dục và bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực, lạm dụng và phân biệt đối xử. Đồng thời, gia tăng cơ hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nhập cư được tiếp cận với các dịch vụ giáo dục, vui chơi và được bảo vệ trong môi trường an toàn và thân thiện.
Trải qua 4 năm thực hiện với nhiều hoạt động được diễn ra như: tập huấn giảng viên nguồn về tư vấn học đường, tập huấn tìm hiểu môi trường học tập thân thiện và cách xây dựng bảng kiểm môi trường học tập chất lượng; hỗ trợ đào tạo về quyền trẻ em, tiến hành đối thoại giữa hiệu trưởng, giáo viên với học sinh và tổ chức các diễn đàn lắng nghe tiếng nói trẻ em…
Đến nay, dự án đã thu được nhiều kết quả tích cực như: Giúp cải thiện chất lượng môi trường trường học, tăng khả năng tiếp cận giáo dục có chất lượng của trẻ nhập cư và trẻ dễ bị tổn thương khác; Có sự cải thiện rõ rệt về thái độ và hành vi của giáo viên trong việc đảm bảo môi trường học tập có chất lượng và học sinh đóng vai trò tích cực hơn trong các hoạt động học tập và quá trình ra quyết định tại trường học
Ngoài ra, tại các trường học tham gia dự án, học sinh tích cực tham gia thúc đẩy thực hiện quyền của các em; Các mạng lưới bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng tại địa bàn có dự án cũng đã hiệu quả hơn trong vai trò giám sát và thúc đẩy quyền trẻ em nhờ vào sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng giữa các bên.
Đánh giá về kết quả của dự án, bà Trần Thị Kim Thanh - Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc Trẻ em – Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết, sau 4 năm thực hiện dự án tại quận,huyện đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần rất lớn trong việc thay đổi nhận thức về mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh và giữa cha mẹ với con cái tại những địa bàn mà dự án thực hiện.
Ông Trần Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho rằng, dự án đã góp phần xây dựng thành công môi trường giáo dục thân thiện, bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực, lạm dụng và phân biệt đối xử. Đồng thời gia tăng cơ hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nhập cư được tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản.
"Nhận thấy hiệu quả của dự án, sở đã tham mưu, được UBND TPHCM quyết định nhân rộng mô hình dự án trên địa bàn và quận 10 trong khuôn khổ "Chương trình thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em". Ông Sơn cho hay
Xây dựng mô hình một cửa để hỗ trợ Bảo vệ quyền trẻ em
Tại hội thảo, một số đại biểu cho rằng, nhiều phụ huynh vẫn còn bạo lực đối với con cái nên dẫn đến việc có học sinh tự tử hoặc bị trầm cảm… Do đó, các đại biểu đề nghị dự án cần mở rộng để góp phần làm thay đổi cách giáo dục của phụ huynh đối với con cái và giáo viên đối với học sinh một cách thân thiện, khích lệ tinh thần để trẻ phát huy khả năng không để xảy ra điều đáng tiếc.
Bà Trần Thị Kim Thanh - Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc Trẻ em – Bình đẳng giới cho biết, thời gian qua Dự án cũng đã đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên hiện trên địa bàn thành phố hiện vẫn có một số trung tâm tâm pháp lý hỗ trợ trẻ em chưa thực sự thống nhất và kết nối các trung tâm này lại với nhau để cùng hỗ trợ trẻ em. Vì vậy, Thành phố cần xây dựng mô hình một cửa để khi phụ huynh cần sự hỗ trợ về bảo vệ quyền trẻ em thì chỉ cần đến một nơi để phản ánh sự việc và nơi này sẽ thực hiện các vấn đề còn lại.
"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có gắng đề xuất thành phố xây dựng mô hình này tập trung về một mối để vấn đề bảo vệ quyền trẻ em được thực hiện tốt nhất", bà Thanh cho hay.
Chia sẻ, tại hội thảo, Cục trưởng Cục Trẻ em ông Đặng Hoàng Nam (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, cần xây dựng một nền giáo dục phát huy những tiềm năng sẵn có của các em, cha mẹ không nên quyết định tất cả mọi việc của trẻ. Chẳng hạn, trẻ có thể mạnh về bóng đá mà che mẹ bắt đi học nghề khác thì không phát huy được sở trường của các em và có thể mất đi một nhân tài trong lĩnh vực đó.
Theo khảo sát ban đầu (tháng 3-4/2017), 44% trong tổng số 600 học sinh cho biết từng bị trừng phạt thân thể và tinh thần bởi giáo viên, cán bộ quản lý, con số này ở giai đoạn cuối dự án là 19%. Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu chia sẻ cảm xúc, tinh thần của học sinh, dự án đã hỗ trợ các trường mở 30 phòng tư vấn học đường, tư vấn cho 5.086 em, đồng thời cung cấp dịch vụ tư vấn cho 2.500 phụ huynh, 553 giáo viên.