CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:10

Đồng Tháp: Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động

Theo thống kế, năm 2016, tại Đồng Tháp có 10 vụ tai nạn lao động làm chết 11 người, từ đầu năm 2017 đến nay, số vụ tai nạn lao động và số người thiệt mạng đề đã giảm. Cùng với đó, qua kiểm tra, giám sát số vụ vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh lao động trong các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng giảm so với năm 2016. Riêng trong Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và quý II năm 2017 toàn tỉnh không để xảy ra vụ tai nạn nặng, nghiêm trọng, tai nạn lao động chết người nào.

         

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hùng phát biểu khai mạc Tháng an toàn vệ sinh lao động 2017

Năm 2017, hưởng ứng Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động lần thứ nhất, tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền. Các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp đã thực hiện treo 768 băng rôn khẩu hiệu tuyên truyền trên đường phố, trước cổng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; phát hành 593 sách, báo, tạp chí, tờ rơi, áp phích... Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức được 26 cuộc tọa đàm, phỏng vấn, viết 44 tin, bài về công tác này trên báo, tạp chí, hệ thống phát thanh truyền hình của tỉnh... Qua đó đã từng bước nâng cao được ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân cũng như hộ gia đình trong công tác an toàn vệ sinh lao động.

          Từ đầu năm 2017 đến nay, Sở Lao động TB&XH đã tổ chức 08 lớp huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động với 525 người tham gia. Đây là những người sử dụng lao động, cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động và những người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

          Các sở, ban, ngành, huyện, thành phố cũng phối hợp tổ chức được 04 lớp huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động cho chủ sử dụng và người lao động thuộc lĩnh vực ngành, địa phương quản lý với 274 người tham dự. Riêng các doanh nghiệp cũng đã tổ chức được 16 lớp huấn luyện cho 1.862 lao động.

         Trao quà cho công nhân

Đồng Tháp cũng tăng cường công tác thanh, kiểm tra toàn diện việc thực hiện pháp luật lao động và công tác bảo hộ lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; trong đó có các doanh nghiệp, cở sở sản xuất đang sử dụng các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động hoặc có nguy cơ mất an toàn cao.

          Trong Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động, Sở Lao động TB&XH đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành thanh tra pháp luật lao động về an toàn vệ sinh lao động tại 08 doanh nghiệp, 10 cơ sở có sử dụng thiết bị đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động, qua đó yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện 90 kiến nghị. Có 37 đơn vị, doanh nghiệp thực hiện kiểm tra an toàn vệ sinh lao động và những thiếu sót, tồn tại đã được phát hiện để khắc phục, triển khai thực hiện các biện phápcải thiện các điều kiện làm việc. Có 29 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện quan trắc môi trường lao động, 21 đơn vị, doanh nghiệp đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 1.353 người lao động.

          Trong Lễ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động, ở cấp tỉnh đã có gần 1.000 cán bộ, công nhân, viên chức, lao động ở các đơn vị, doanh nghiệp tham dự. Có 10 đơn vị cấp huyện, thị, thành phố hưởng ứng tổ chức với nhiều hoạt động rất sôi nổi, có 3.530 người tham gia.

          Nhờ vậy, hiện nay, tại Đồng Tháp nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan đơn vị đã chủ động nguồn kinh phí để cải tiến dây chuyền sản xuất, cải thiện điều kiện lao động, giảm thiểu tác động môi trường, hạn chế tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp doanh nghiệp; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến cho người lao động các nội dung phòng tránh tai nạn lao động. Tổ chức củng cố, kiện toàn bộ phận an toàn vệ sinh lao động của doanh nghiệp, bố trí cán bộ phụ trách, bộ phận y tế, mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Triển khai kế hoạch an toàn vệ sinh lao động hàng năm. Rà soát, xây dựng nội quy, quy trình làm việc, có bảng chỉ dẫn đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với từng loại thiết bị, máy móc, nơi làm việc. Trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, bắt buộc người lao động sử dụng những phương tiện đã trang bị theo quy định. Thực hiện tốt việc huấn luyện an toàn vệ sinh cho người lao động; thực hiện kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại nơi làm việc để đề ra các biện pháp loại trừ, giảm thiểu các mối nguy hiểm, có hại, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc tốt sức khỏe cho người lao động. Tăng cường kiểm tra, giám sát định kỳ công tác an toàn vệ sinh tại các doanh nghiệp, phân xưởng, tổ sản xuất nhằm phát hiện kịp thời những nguy cơ xảy ra tai nạn nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ....

         

Trao bằng khen cho các đơn vị và cá nhân có thành tích trong công tác ATVSLĐ

Thời gian tới cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật lao động, Đồng Tháp sẽ tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh lao động, chú trọng công tác hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nhằm nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động. Tỉnh cũng đang từng bước xã hội hóa công tác an toàn vệ sinh lao động, nâng cao cộng đồng trách nhiệm giữa các cấp chính quyền với cộng đồng xã hội, phát huy sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, những người sử dụng lao động, người lao động tham gia vào các hoạt động an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống tai nạn nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp./.

ĐÀO HIỀN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh