Đồng Nai sẽ chuyển khoản tiền hỗ trợ đối tượng theo Nghị quyết 68 đã rời khỏi địa phương
- Tây Y
- 10:42 - 09/10/2021
- Người dân chưa thể đi lại bằng xe cá nhân giữa TP.HCM với Đồng Nai
- Đồng Nai bỏ giấy đi đường, người lao động đi làm chỉ cần mang theo thẻ nhân viên
- Nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai hoạt động trở lại từ ngày 5/10
- Địa phương đầu tiên của tỉnh Đồng Nai áp dụng 14 hoạt động theo Chỉ thị 19+
- Đồng Nai: 15 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển gần 4.700 lao động
Báo Đồng Nai đưa tin, UBND tỉnh này vừa có văn bản gửi các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố về hướng dẫn việc chi hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ cho các đối tượng đã rời khỏi địa phương.
Được biết, trong thời gian qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành các quyết định phê duyệt hỗ trợ người lao động (NLĐ) theo quy định tại Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng, việc lập hồ sơ, phê duyệt, chi trả kinh phí hỗ trợ cho NLĐ tại một số địa phương chưa kịp thời, dẫn đến tình trạng một số NLĐ đã có quyết định hỗ trợ nhưng đã rời khỏi nơi cư trú về quê nên chưa nhận được hỗ trợ.
Để đảm bảo việc hỗ trợ đến được với người dân theo quy định, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục giữ lại kinh phí chưa chi trả để liên hệ đối tượng đã rời khỏi địa phương và chuyển trả kinh phí hỗ trợ qua hình thức chuyển khoản ATM hoặc thông báo giữ lại kinh phí hỗ trợ chi trả cho NLĐ ngay sau khi NLĐ quay lại địa phương (trường hợp không chuyển qua được tài khoản ATM). Sau thời gian đã thông báo nhưng vẫn không liên lạc được với các đối tượng được hỗ trợ, đến ngày 15/12/2021 kinh phí sẽ được nộp lại ngân sách nhà nước để quyết toán.
UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp các đơn vị, địa phương tổng hợp các trường hợp chưa chi trả được, báo cáo UBND tỉnh theo quy định. Đồng thời, các Sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra việc chi trả đúng đối tượng, tránh trùng lắp, trục lợi chính sách.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, để đảm bảo đời sống NLĐ, thời gian qua, Sở đã nỗ lực phối hợp với các ngành liên quan tích cực hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Trong đó, hướng dẫn các doanh nghiệp nhanh chóng lập hồ sơ những lao động bị ngừng việc, nghỉ việc để tổng hợp và trình UBND tỉnh phê duyệt, hỗ trợ kịp thời. Đến thời điểm này, đã có trên 48 ngàn lao động tại 466 DN bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương được hỗ trợ với số tiền trên 131 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai cũng đang làm thủ tục hỗ trợ NLĐ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp từ 1,8 - 3,3 triệu đồng/người. Tỉnh và các đoàn thể cũng thực hiện nhiều chương trình an sinh, hỗ trợ thực phẩm cho NLĐ khó khăn tại các khu nhà trọ. Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai đang tiếp tục rà soát, cập nhật danh sách lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh để tiếp tục hỗ trợ NLĐ.
Theo báo Chính phủ, tại tỉnh Đồng Nai hiện nay, các doanh nghiệp đang khôi phục sản xuất theo các phương án bảo đảm an toàn phòng chống dịch.
Cụ thể, đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong khu công nghiệp, tính đến hết ngày 1/10, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã chấp thuận 10 doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” được tổ chức cho 1.085/7.244 người lao động đi-về hằng ngày. Số doanh nghiệp đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” là 1.152 doanh nghiệp, với tổng số lao động tạm trú còn lại là 145.264 người. Số doanh nghiệp đang ngừng hoạt động do không thực hiện “3 tại chỗ” có nhu cầu hoạt động trở lại và được chấp thuận cho người lao động đi-về hằng ngày là 8 doanh nghiệp, tổng số lao động đi-về hằng ngày là 12.472/76.941 người.
Đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất ngoài khu công nghiệp, tổng số doanh nghiệp được địa phương duyệt phương án “3 tại chỗ” là 244 doanh nghiệp, với số lao động đăng ký lưu trú là 18.243 người. Tổng số doanh nghiệp được duyệt phương án “1 cung đường 2 địa điểm” là 97 doanh nghiệp, với số lao động đăng ký lưu trú là 9.491 người.
Tổng số doanh nghiệp được duyệt áp dụng cả 2 phương án là 10 doanh nghiệp với số lao động đăng ký lưu trú là 1.922 người. Tổng số doanh nghiệp tổ chức cho người lao động đi-về hằng ngày là 4 doanh nghiệp với 1.601 lao động.
Đáng chú ý, để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đi làm và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sau dịch bệnh, ngày 7/10, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành văn bản về việc bãi bỏ giấy đi đường đối với người lao động tham gia lưu thông từ nơi cư trú đến nơi làm việc trên địa bàn. Như vậy, người lao động chỉ cần đeo thẻ nhân viên, mặc đồng phục doanh nghiệp (nếu có) khi đi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh.
Tỉnh Đồng Nai cũng đưa ra những điều kiện khá "dễ thở" khi yêu cầu người lao động sử dụng điện thoại thông minh phải cài đặt ứng dụng PC-COVID sử dụng mã QR xác nhận tiêm chủng, nếu không có điện thoại thông minh, người lao động chỉ cần xuất trình giấy xác nhận đã tiêm vaccine (ít nhất 1 mũi và sau 14 ngày) hoặc giấy xác nhận đã khỏi bệnh Covid-19 dưới 6 tháng.