THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:57

Đồng Nai: Bổ sung đối tượng lao động tự do bị ảnh hưởng của đại dịch được nhận hỗ trợ

UBND tỉnh Đồng Nai đã triển khai Quyết định số 2949/QĐ-UBND ngày 26/8/2021 về việc sửa đổi, bổ sung đối tượng lao động tự do được hỗ trợ tại khoản 2, Điều 1, Quyết định 2379/QĐ-UBND ngày 12/7/2021 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ.

Cụ thể, đối tượng áp dụng là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 1,5 triệu đồng/tháng đối với khu vực nông thôn và 2 triệu đồng/tháng khu vực thành thị.

Theo đó, người lao động làm một trong những công việc sau được hỗ trợ gồm: Lao động thu gom, phân loại, xử lý rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách (xe ôm), lái xe công nghệ; lái xe chở khách, xe tải chở hàng, phụ xe; bán lẻ vé số lưu động, bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định, lao động giúp việc gia đình, lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non; thợ may gia đình, thợ sửa chữa điện tử, điện cơ, điện lạnh, khoan giếng; lao động làm thuê trong các lĩnh vực: nông nghiệp, xây dựng (phụ hồ, thợ xây); lao động làm việc tại các cơ sở dịch vụ phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh từ ngày 1/5/2021; lao động làm việc trong các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phải tạm ngừng hoạt động theo Chỉ thị 15/CT-UBND của UBND tỉnh.

Đồng Nai : Bổ sung thêm đối tượng lao động tự do bị ảnh hưởng của đại dịch được nhận hỗ trợ - Ảnh 1.

Thêm đối tượng lao động tự do bị ảnh hưởng của đại dịch được nhận hỗ trợ

Cùng với việc triển khai thực hiện sửa đổi, bổ sung đối tượng lao động tự do được hỗ trợ, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã triển khai Quyết định phân bổ đợt 2 hơn 1.528 tấn gạo do Tổng cục Dự trữ Nhà nước xuất cấp cho tỉnh Đồng Nai từ nguồn dự trữ quốc gia cho các huyện, thành phố để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh giao trách nhiệm Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đông Nam Bộ tổ chức giao nhận gạo từ Cục Dự trữ Nhà nước về các địa phương; tổng hợp, tham mưu báo cáo kết quả việc tiếp nhận và giao gạo cho các nhóm đối tượng trên địa bàn tỉnh. Sở Công thương phối hợp và các địa phương điều phối, triển khai thực hiện việc cấp phát gạo theo đúng quy định. Sở Tài chính hướng dẫn các địa phương về việc lập hồ sơ theo dõi kết quả tiếp nhận, quản lý, phân phối gạo; mở số kế toán ghi chép, hạch toán đầy đủ về số lượng gạo đã nhận, đã cấp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính.

Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế chỉ đạo các chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh tạo mọi điều kiện hỗ trợ đoàn xe chở gạo của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đông Nam Bộ khi đi qua các chốt kiểm soát để giao gạo tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, đảm bảo quy trình số lượng tiếp nhận và an toàn phòng dịch.

UBND các huyện, thành phố được phân bổ gạo bố trí địa điểm tiếp nhận tại khu vực Trung tâm hành chính của UBND các huyện, thành phố (mỗi đơn vị giao tại 1 điểm, có kho bãi tránh mưa nắng) và nhân lực để nhận, phân phối gạo về các xã, phường, thị trấn; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn chuẩn bị lực lượng và vật dụng để chia gạo theo số lượng (7,5kg/người). Tùy tình hình các địa phương có thể cấp phát chung số gạo được cấp của đợt 1 (theo Quyết định 2889/QĐ-UBND ngày 24/8/2021) và đợt 2 đảm bảo số gạo cấp phát là 15 kg/người. Chủ động rà soát đối tượng thiếu đói do dịch bệnh COVID-19 đảm bảo đúng quy định và thủ tục hỗ trợ khi cấp phát đảm bảo tính chính xác của số liệu báo cáo.

Các địa phương rút ngắn thời gian ở các bước thực hiện thủ tục hỗ trợ. Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ khẩn trương tiếp nhận, phân bổ gạo kịp thời đến đúng đối tượng được hỗ trợ trong thời gian 3 ngày (kể cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật) kể từ ngày nhận được gạo hỗ trợ, đảm bảo công tác phòng chống dịch. Trường hợp không phát hết số gạo được cấp hoặc sau khi cấp phát vẫn còn khó khăn thì báo cáo UBND tỉnh (qua Sở LĐ-TB&XH) để kịp thời điều tiết cho các đơn vị hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung. Đồng thời, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm về công tác giao, nhận, cấp phát gạo cứu trợ được phân bổ trên địa bàn theo đúng quy định; lập hồ sơ theo dõi kết quả tiếp nhận, quản lý, phân phối gạo; mở sổ kế toán ghi chép, hạch toán đầy đủ về số lượng gạo đã nhận, đã cấp theo quy định.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể phối hợp với UBND các huyện, thành phố hỗ trợ trong công tác tiếp nhận và cấp phát gạo cho đối tượng; đồng thời kiểm tra, giám sát việc cấp phát đảm bảo đúng đối tượng không để xảy ra sai sót.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh