THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:42

Đồng hành cùng đất nước, đảm bảo an sinh toàn dân

Đồng hành cùng đất nước, đảm bảo an sinh toàn dân - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng quà gia đình NCC TP. Hà Nội. Ảnh: TK

An sinh xã hội vì con người và quyền con người

Nhận thức được vai trò quan trọng của an sinh để đảm bảo quyền con người, cụm từ "An sinh xã hội" lần đầu tiên được chính thức sử dụng trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 4/ 2001: "Khẩn trương mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội. Sớm xây dựng và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp". Đặc biệt, dấu mốc rất quan trọng đối với sự phát triển hệ thống an sinh xã hội nước ta đó là ngày 1/6/2012 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành  Nghị quyết số 15-NQ/TW về "Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020" với chủ trương đổi mới mô hình an sinh xã hội, xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ, bảo đảm bền vững, công bằng.

Đồng hành cùng đất nước, đảm bảo an sinh toàn dân - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi các Mẹ VNAH.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 1/2016, tiếp tục khẳng định: Bảo đảm an sinh xã hội là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ mới; tiếp tục hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội; mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội tới mọi người dân, hướng tới mục tiêu thực hiện an sinh xã hội toàn dân; khuyến khích nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh xã hội của mỗi người dân; gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.

Hiện thực hóa chủ trương của Đảng, hệ thống an sinh xã hội của đất nước trong những năm qua được thể chế hóa và hoàn thiện về cả phương pháp tiếp cận, cũng như xây dựng hệ thống chính sách pháp luật. Hiến pháp năm 2013 đã hiến định "Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội" trong đó Điều 34, Điều 59 quy định: "Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội".

Hệ thống an sinh xã hội của nước ta phát triển tương đối toàn diện và đa dạng, ngày càng mở rộng về diện đối tượng, với các nhóm chính sách. Đó là, Nhóm chính sách việc làm đảm bảo thu nhập tối thiểu và giảm nghèo: Hỗ trợ người dân chủ động phòng ngừa các rủi ro thông qua tham gia thị trường lao động để có được việc làm tốt, thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững; Nhóm chính sách bảo hiểm xã hội: Hỗ trợ người dân giảm thiểu rủi ro khi bị ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già… thông qua tham gia bảo hiểm xã hội để chủ động bù đắp phần thu nhập bị suy giảm hoặc bị mất do các rủi ro trên; Nhóm chính sách trợ giúp xã hội, bao gồm chính sách trợ cấp thường xuyên và trợ cấp đột xuất và Nhóm chính sách dịch vụ xã hội cơ bản, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ cơ bản về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin truyền thông.

Hệ thống pháp luật liên quan đến an sinh xã hội, bao gồm Bộ luật Lao động và các luật chuyên ngành khác, như: Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Luật Người khuyết tật, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Giáo dục nghề nghiệp… Các chính sách an sinh xã hội được tiếp cận theo hướng dựa trên quyền được an sinh của người dân, phù hợp với xu thế chung của quốc tế và được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, huy động được nhiều nguồn lực tham gia trợ giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Đồng hành cùng đất nước, đảm bảo an sinh toàn dân - Ảnh 3.

Người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phấn khởi nhận gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng. Ảnh: TK

Sau gần 35 năm tiến hành công cuộc "Đổi mới", Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, được Liên hợp quốc ghi nhận là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ, trong nổi bật đó là lĩnh vực giảm nghèo, tạo việc làm, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe, trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn và bình đẳng giới. Trong đầu tư ngân sách phát triển hàng năm, Chính phủ luôn ưu tiên đầu tư cho tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo, ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội cho nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương và về cơ bản đáp ứng các dịch vụ xã hội về giáo dục, y tế, nước sạch và vệ sinh, nhà ở và thông tin cho người dân.

Hướng tới Chiến lược đảm bảo an sinh toàn dân

+ Năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; phối hợp với Bộ Nội vụ trình Trung ương ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp - đây là những nghị quyết đột phá, đổi mới đảm bảo mọi người dân đều được hưởng quyền an sinh xã hội. + Năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH đã nghiên cứu, trình Quốc hội thảo luận và thông qua Bộ luật Lao động 2012 (sửa đổi), đáp ứng thực tiễn quan hệ lao động việc làm trong nước, phù hợp các điều ước, công ước quốc tế Việt Nam tham gia.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác đảm bảo an sinh xã hội vẫn còn một số hạn chế, thách thức: Mục tiêu tích hợp chính sách thực hiện còn chậm, hệ thống văn bản quy định và hướng dẫn thực hiện chính sách vẫn còn chồng chéo, do nhiều cơ quan ban hành và thường xuyên sửa đổi, bổ sung gây khó khăn cho quá trình thực hiện; công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, báo cáo chất lượng chưa cao, một số tiêu chí xác định đối tượng còn chưa rõ ràng; mức độ bao phủ an sinh  đối với lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp, nhất là đối với số lao động ở khu vực nông thôn, lao động phi chính thức. Quỹ Bảo hiểm xã hội chưa bền vững, quy mô và chất lượng cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản còn thấp, nhất là tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Quá trình chuyển mô hình tăng trưởng gắn với tái cấu trúc lại nền kinh tế đang đặt ra những thách thức mới đối với các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương do họ bị hạn chế về khả năng cạnh tranh, phòng ngừa rủi ro, tìm kiếm cơ hội vươn lên. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động tích cực đến việc thúc đẩy nhanh hơn tốc độ dịch chuyển cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, từ việc làm có năng suất thấp sang việc làm có năng suất cao. Tuy nhiên, tác động của cuộc cách mạng này cũng tạo ra nguy cơ mất việc làm đối với nhiều người lao động trong những ngành sử dụng nhiều lao động như: dệt may, da giày, lắp ráp linh kiện điện tử…

Đồng hành cùng đất nước, đảm bảo an sinh toàn dân - Ảnh 5.

Gia đình anh Hạng A Vừ, dân tộc Mông ở bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc, Mộc Châu (Sơn La) vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư cải tạo 6000 m2 vườn đồi trồng chanh leo, nuôi bò sinh sản, thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, thị trường lao động mở và linh hoạt thúc đẩy các dòng di cư lao động trong nước và quốc tế, gồm cả người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, làm gia tăng mức độ cạnh tranh về việc làm và xuất hiện nhiều vấn đề. Các nguy cơ bất ổn truyền thống và phi truyền thống từ bên ngoài, như khủng hoảng kinh tế - tài chính, biến động giá lương thực và năng lượng trên thế giới, thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí… đang tác động ngày càng mạnh đến đời sống của người dân. Đặc biệt, hậu quả của biến đổi khí hậu, nước biển dâng sẽ thu hẹp đáng kể diện tích đất nông nghiệp; tác động tiêu cực đến cuộc sống và sinh kế của người dân.

+Triển khai thực hiện Chỉ thị số 14- CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, giai đoạn 2017 - 2020 cùng với việc nâng cao công tác chăm sóc, phụng dưỡng người có công, Bộ LĐ-TB&XH đã tập trung thực hiện quyết liệt việc giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng.

+ Đến nay, cả nước đã xác nhận hơn 6.700 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Ước đến cuối năm 2020 có 99,7% gia đình người có công cả nước có cuộc sống bằng và cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú; 99,5% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công; phấn đấu đến hết năm 2020 cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo.

+ Thực hiện chủ trương "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau" công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 được thế giới ghi nhận "Việt Nam là điểm sáng trong công tác giảm nghèo", tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 1,2 - 1,5% năm, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền trong cả nước.

Do vậy, xây dựng và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội có độ bao phủ cao, cần đa dạng hóa các phương thức thực hiện chính sách an sinh xã hội theo hướng đa tầng có sự hỗ trợ lẫn nhau, đáp ứng các nhu cầu cơ bản cho mọi thành viên trong xã hội. Hướng tới việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn tối thiểu về an sinh xã hội, nghiên cứu chuyển đổi quản lý xã hội theo mô hình hành chính sang quản lý tiêu chuẩn xã hội dựa trên quyền của người dân và các chỉ số kết quả đầu ra và cuối cùng: xây dựng mức sống tối thiểu, bộ chỉ số tiêu chuẩn xã hội tối thiểu và chỉ số hạnh phúc theo tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia.

Cải cách quản trị hệ thống an sinh xã hội, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, tăng cường tích hợp chính sách, trong đó có vai trò điều phối của Bộ LĐ-TB&XH. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu an sinh xã hội đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý, nghiên cứu gắn kết, đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội. Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào quá trình xây dựng, cập nhật và chia sẻ thông tin nhằm tối đa hóa lợi ích của hệ thống cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội.

Tăng cường dịch vụ xã hội công đối với vùng nghèo, người nghèo, đổi mới phương thức tài chính cho dịch vụ công trên cơ sở nhu cầu và thực trạng của hệ thống dịch vụ. Xây dựng dịch vụ công chất lượng cao đối với một số nhóm xã hội có khả năng thanh toán, đẩy mạnh hợp tác công tư trong cung cấp dịch vụ xã hội cho người dân; tạo cơ chế để khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công. Hình thành hệ thống dịch vụ công trong lĩnh vực xã hội theo hướng chuyên nghiệp hóa, phát triển các dịch vụ chăm sóc trẻ em, người cao tuổi và các dịch vụ trợ giúp xã hội khác, chú trọng đầu tư đội ngũ nhân viên công tác xã hội (nhân viên xã hội, cán sự xã hội...).

Đa dạng hóa nguồn lực, đồng thời thực hiện lồng ghép để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực cho thực hiện chính sách an sinh xã hội. Một mặt tăng nguồn lực đầu tư của Nhà nước theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tăng nguồn lực đầu tư cho vùng có tỷ lệ tiếp cận dịch vụ xã hội thấp nhằm tăng khả năng tiếp cận của người dân và trẻ em; đồng thời huy động các nguồn lực khác trong xã hội và quốc tế để giải quyết các vấn đề xã hội.

Tăng trưởng kinh tế phải tiến hành song song với tiến bộ và công bằng xã hội trong quá trình phát triển, đáp ứng nhu cầu sống của con người và vì mục tiêu phát triển con người. Bởi, mục đích cuối cùng của đổi mới, phát triển kinh tế là nhằm cải thiện điều kiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm phân phối những thành quả tăng trưởng kinh tế theo hướng bảo đảm công bằng xã hội và hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, nhóm xã hội và tạo sự đồng thuận xã hội, hướng tới việc xây dựng đất nước trở thành quốc gia phát triển thịnh vượng vào năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Minh Hoàng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh