THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:35

“Đóng cửa” gói tín dụng 30.000 tỷ đồng: Người dân khó tiếp cận nhà ở

Gánh nặng tài chính với người thu nhập thấp

Theo Thông tư 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013 thì gói 30.000 tỷ đồng có hiệu lực từ 1/6/2013 và hết thời hạn sau 36 tháng, tức ngày 31/5/2016. Việc gói 30.000 tỷ đồng sắp hết thời hạn trong khi chưa giải ngân hết tiền và nhu cầu vay ưu đãi mua nhà từ gói hỗ trợ này còn rất cao khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) và người dân như “ngồi trên đống lửa”.

Chị Nguyễn Thu Thủy mua một căn hộ tại dự án ở Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) với vay gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng, chị Thủy cũng như nhiều khách hàng khác đang rất băn khoăn lo lắng khi gói 30.000 tỷ sắp đến ngày hết hạn. Chị Thủy chia sẻ: Căn hộ mình mua trị giá 1,2 tỷ đồng, hiện mình đã vay được 300 triệu đồng ở gói tín dụng ưu đãi, vẫn còn phải thanh toán nốt 800 triệu đồng. Nếu đến ngày 1/6 tới thì không được hưởng lãi suất ưu đãi nữa mà sẽ được tính bằng lãi suất cho vay thương mại thông thường, điều đó có nghĩa mức lãi suất 10%/năm thì với mức thu nhập hiện nay của hai vợ chồng 8 triệu đồng/tháng mình sẽ khó mà lo liệu được.

Cùng chung tâm trạng với chị Thủy,  anh Nguyễn Văn Mạnh, người mua nhà ở xã hội Đồng Mô chia sẻ: “Chúng tôi là những người thu nhập thấp, nhờ vào chính sách và khả năng chi trả khoản vay của Nhà nước 5 - 6%/năm nên tôi quyết định mua nhà ở xã hội. Nếu chính sách thay đổi, gia đình tôi phải chịu lãi cao chắc tôi phải bán lại nhà”.

Hết hạn gói tín dụng 30.000 tỷ, người thu nhập thấp khó có cơ hội sở hữu nhà.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc công ty Bất động sản Đất Lành cho rằng: Nếu gói 30.000 tỷ đồng dừng giải ngân đúng thời hạn là trước 1/6/2016 sẽ dẫn đến hậu quả nhiều người dân không có tiền để trả khoản vay ngân hàng hằng tháng. Điều này có thể dẫn tới việc họ phải trả lại nhà đã mua vì không đủ tiền trả.

Kiến nghị cho giải ngân hết gói 30.000 tỷ

Về thời gian kết thúc gói tín dụng 30.000 tỷ, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN), cho biết: Việc khép lại gói vay 30.000 tỷ từ 1/6/2016 đã được công bố ngay khi ký văn bản. “Mục đích của gói vay 30.000 tỷ là để hỗ trợ thị trường trong giai đoạn cách đây 3 năm  khi tồn kho bất động sản, nợ xấu đang cao và chỉ hỗ trợ chủ đầu tư cùng người mua trong lúc đó. Nay trong giai đoạn bình thường của thị trường, làm sao ưu đãi mãi được”, ông Đông nói.

Sau khi NHNN chính thức lên tiếng về gói 30.000 tỉ đồng, Hiệp hội Bất động sản đã phát văn bản đề nghị cho giải ngân hết gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng mà không ấn định thời hạn để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang và người thu nhập thấp đô thị có điều kiện tạo lập nhà ở.

 “Hiện nay thị trường bất động sản đã phục hồi và tăng trưởng nên không cần thiết tiếp tục chính sách ưu đãi, nhưng rất nhiều người thu nhập thấp đô thị cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, mà trước mắt, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng là cứu cánh hiện nay để tạo lập nhà ở”, Hiệp hội Bất động sản lý giải

Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cho biết: Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được triển khai từ năm 2013, đến nay các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay 28.884 tỷ đồng đạt 96,28% và đã giải ngân lên tới hơn 20.000 tỷ đồng đạt 66,6%, với gần 43.000 hộ gia đình đã tạo lập được nhà ở mới, trong đó khoảng 70% là đối tượng mua căn hộ nhà ở thương mại có giá bán dưới 1,05 tỷ đồng,  có khoảng 30% mua nhà ở xã hội.

CHÂU ANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh