THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:20

Tiếp bài “Bến xe trăm tỉ “tiến thoái lưỡng nan””: Đóng bến trung tâm lại quy hoạch bến xe diện giải tỏa

 

Báo điện tử Dân Sinh ngày 5/1 đã có bài viết “Bến xe trăm tỉ “tiến thoái lưỡng nan”, phản ánh về việc bến xe Miền Trung được đầu tư hơn 100 tỉ, nhưng vắng khách do Nghệ An không thực hiện đúng tiến độ theo quy hoạch. Sau khi báo nêu, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản số 370/ UBND-CN, ngày 17/1/2018, về việc di dời bến xe trung tâm thành phố Vinh. Tuy nhiên trước đó UBND tỉnh Nghệ An lại có văn bản số 4033/SGTVT-VT về việc đề xuất điều chỉnh bổ sung Quy hoạch chi tiết tuyến VTHKCĐLT, gửi bộ Giao thông vận tải, đề xuất bổ sung các luồng tuyến về Bến xe Chợ Vinh (thuộc diện giải tỏa trước năm 2020).

Bến xa Miền Trung được xây dựng hiện đại, tiện ích 

 

Như báo điện tử Dân Sinh đã nêu, trước đó ngày 3/3/2008 tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Lê Dũng - Chủ tịch HĐQT Vinaceglass đã ký thỏa thuận đầu tư với UBND tỉnh Nghệ An sẽ đầu tư ba dự án, trong đó có tổ hợp các công trình dịch vụ vận tải gồm có Bến xe Miền Trung, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu phát triển của TP. Vinh đô thị loại I, đưa các hoạt động về dịch vụ vận tải, bến bãi ra ngoài thành phố, góp phần giải tỏa ách tắc giao thông trong nội thành, giảm thiểu tai nạn giao thông, cũng như góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển Nghệ An đến năm 2020.

Mặc dầu bến xe Miền Trung được thiết kế hiện đại, xây dựng trên diện tích 30.471m2 với quy mô phục vụ 800 - 1.000 xe xuất bến/ngày đêm, toàn bộ quản lý, điều hành, giám sát bến xe thông minh, điều hành thông qua hệ thống công nghệ thông tin, Camera, phương tiện ra - vào bến bằng thẻ từ. Bến xe có đầy đủ các dịch vụ cần thiết phục vụ nhu cầu của người dân, ngoài ra còn có kho bãi cho thuê, điểm lưu giữ hàng hóa, dịch vụ chuyển phát nhanh, vận chuyển, trung chuyển hàng vào nội TP.Vinh, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại thuận lợi cho người dân, góp phần giảm thiểu TNGT, giải tỏa ùn tắc giao thông trong khu vực nội thành và phục vụ việc di dời các bến xe khách ra khỏi trung tâm TP. Vinh, thế nhưng đến nay, đi vào hoạt động thì bến xe “vắng như chùa bà đanh”. Theo như ông Dũng, bến xe vắng khách là do UBND tỉnh Nghệ An, thực hiện không đúng tiến độ quy hoạch nên xảy ra tỉnh trạng trên.

 

Văn bản của UBND tỉnh Nghệ An về việc đóng cửa bến xe trung tâm Tp Vinh.

 

Sau khi báo nêu, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản 370/UBND-CN, bắt buộc phải di dời bên xe trung tâm Tp Vinh ra bến xe phía Bắc Tp Vinh trước tháng 3 năm 2018. Song song với việc ra văn bản trên thì UBND tỉnh Nghệ An lại có văn bản số 4033/SGTVT-VT, gửi bộ Giao thông vận tải, đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chi tiết luồng tuyến. Trong văn bản này nêu rõ “…Để thay thế bến xe Vinh  hiện tại. Để phục vụ công tác điều chuyển các tuyến vận tải đang hoạt động tại bến xe Vinh về bến xe phía Bắc Tp Vinh đúng quy định, Sở GTVT Nghệ An, kính đề nghị Bộ GTVT, Tổng cục đường bộ Việt Nam và các sở GTVT nghiên cứu thống nhất bổ sung, điều chỉnh một số tuyến vận tải…”.

Cụ thể bổ sung tăng lưu lượng tại bến xe chợ Vinh tăng thêm 360 lưu lượng. Bổ sung quy hoạch mới 83 tuyến cố định.

 

Văn bản đề xuất điều chỉnh, bổ sung luồng tuyến của bến xe chợ vinh, UBND tỉnh Nghệ An, gửi bộ GTVT.

 

Trong khi đó, tại Quyết định số: 25/2011/QĐ-UBND, của UBND tinh Nghệ An, ký ngày 30 tháng 5 năm 2011 về việc Ban hành quy hoạch hệ thống bến xe khách trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020, nêu rõ Quy hoạch chi tiết hệ thống các Bến xe khách trên địa bàn tỉnh Nghệ An được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4868/QĐ.UB.ĐT ngày 20/12/2004 chưa đáp ứng được mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tới. Địa điểm các bến xe khách hiện nay phần lớn nằm tại trung tâm thành phố Vinh, các thị xã, thị trấn; vị trí một số bến xe không còn phù hợp với quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh trên địa bàn cần phải di dời (cụ thể như bến xe Vinh, bến xe Chợ Vinh...), quy mô bến xe tại một số địa phương chưa tương xứng và chưa đủ tiêu chuẩn để hoạt động trên các tuyến liên tỉnh, nhiều khu vực địa bàn chưa có bến xe để đáp ứng nhu cầu đi lại trên các tuyến nội tỉnh và liên tỉnh của nhân dân trước mắt và trong thời gian tới. Quy hoạch là thế, thế nhưng khi bến xe Miền Trung xây dựng xong đi vào hoạt động, thì tại sao UBND tỉnh Nghệ An lại không dứt khoát đóng cửa bến xe trung tâm thành phố. Nếu kiên quyết thực hiện theo quy hoạch mà không tiếp tục gia hạn, thì bến xe phía Bắc bắt buộc phải kịp tiến độ để đi vào hoạt động.

Như vậy câu hỏi đặt ra là tại sao UBND tỉnh Nghệ An phải bổ sung lưu lượng và luồng tuyến cho một bến xe quy hoạch giải tỏa ra khỏi thành phố? Trong khi đó bến xe thu hút đầu tư theo diện xã hội hóa lại “lại ngồi chơi xới nước”!

 

Bến xe chợ Vinh, đường sá chật chội, ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường thành phố, nằm trong diện giải tỏa trước năm 2020

 

Ông Dũng, bức xúc: “Khi đóng cửa bến xe trung tâm Tp Vinh, thì chúng tôi phấn khởi, nhưng lại bổ sung luồng tuyến thì rõ ràng là đóng cửa theo kiểu đối phó. Vì bến xe chợ Vinh dù đường sá chật chội khó khăn nhưng nó lại ở trung tâm, có từ lâu nên hành khách người ta quen hơn, đi gần hơn thì sẽ đông khách. Đông khách thì doanh nghiệp chỉ đăng ký vào bến xe chợ Vinh, chứ họ đăng ký vào bến chúng tôi làm gì. Như thế cũng chẳng khác gì không đóng bến xe trung tâm. Phải thực hiện theo tiến độ quy hoạch thì các xe mới bắt buộc phải ra khỏi thành phố, mới giải tỏa được ách tắc giao thông cho thành phố như kêu gọi đầu tư chứ”.

Ông Nguyễn Viết Hùng, Trưởng phòng Quản lí vận tải, sở Giao thông vận tải Nghệ An, cho rằng: “Bến xe chợ Vinh là bến xe loại 1, có diện tích 16.000m2, có lưu lượng 600-700 xe, nên đủ tiêu chuẩn để quy hoạch…”.

Tuy nhiên khi phóng viên đặt câu hỏi là bến xe nằm trong diện giải tỏa trước năm 2020 mà vẫn quy hoạch thì ông Hùng, trả lời vòng vo sang vấn đề khác.

HOÀNG TÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh