Đồng bào Mông xã Quang Chiểu (Thanh Hóa) thoát nghèo nhờ trồng lúa nước
- Y học 360
- 21:38 - 26/08/2021
Ở bản Pù Đứa, phần lớn diện tích đất sản xuất cằn cỗi, không thuận lợi cho cây trồng, nhất là cây lương thực. Trước đây, nông nghiệp ở bản mang đậm dấu ấn cổ truyền của người dân tộc thiểu số, đồng bào chỉ gieo cấy lúa nước một vụ, chủ yếu đốt rừng, phát rẫy làm nương. Tỷ lệ hộ đói nghèo cao, đời sống bà con dân bản còn nhiều khó khăn.
Để giúp đồng bào dân tộc Mông thoát nghèo, Đảng bộ, chính quyền xã Quang Chiểu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi người dân khai hoang ruộng bậc thang và xây dựng hệ thống tưới tiêu dẫn nước từ trên đỉnh núi xuống.
Bên cạnh đó, xã còn hướng dẫn, chuyển giao cho người dân phương pháp sản xuất tiên tiến, tuyên truyền giúp người dân thay đổi nhận thức, từ bỏ phương pháp canh tác lạc hậu. Xã đã xây dựng mô hình sản xuất lúa N97 với 0,4ha, có 2 hộ ở bản Cúm và bản Pù Đứa tham gia. Các hộ tham gia mô hình được xã đầu tư giống, phân bón, thuốc trừ sâu và tập huấn khoa học kỹ thuật sản xuất cây lúa nước như ngâm, ủ mạ, kỹ thuật cấy và chăm sóc cây lúa nước có hiệu quả.
Ruộng bậc thang được đồng bào dân tộc Mông ở xã Quang Chiểu khai hoang thành ruộng lúa nước.
Ngoài ra, xã còn tập huấn cho 151 hộ nông dân bản Cúm và bản Pù Đứa trồng lúa áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp và xử lý đất trước khi cấy nhằm nâng cao trình độ về kỹ thuật thâm canh, tăng hiệu quả sản xuất trên diện tích canh tác lúa đồng thời nhân rộng diện tích sản xuất lúa N97 năng suất cao cho các hộ nông dân. Qua đánh giá của UBND xã Quang Chiểu năng suất lúa N97 đạt 54 tạ/ha cao hơn với các loại giống lúa khác không được chăm sóc đúng kỹ thuật chỉ đạt 46 tạ/ha.
Trước những thành công trong việc triển khai mô hình lúa nước vụ chiêm xuân tại xã Quang Chiểu, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho hay, mô hình lúa nước đã mở ra hướng phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Tới đây, huyện sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn, phối hợp với các xã để nhân rộng mô hình trồng lúa nước, giúp cho các hộ dân tộc Mông tiếp cận, thay đổi cách thức thâm canh cũ, áp dụng các kỹ thuật mới vào phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững.