Đồng bào Mạ, S’tiêng “giữ lửa” nghề truyền thống trong đại dịch
- Văn hóa - Giải trí
- 04:32 - 22/08/2021
Tại Đồng Nai theo thống kê trong những năm qua, có 31 dân tộc anh em cùng sinh sống. Ngoài dân tộc Kinh (chiếm 92% dân số), còn lại đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 8% dân số toàn tỉnh. Trong đó, 4 dân tộc bản địa là: Chơ Ro, Mạ, STiêng và Cơ Ho; 3 dân tộc đã sinh sống lâu đời ở Đồng Nai là: Hoa, Chăm và Khmer. Hiện nay đồng bào DTTS có lượng đông dân nhất ở Đồng Nai là dân tộc Hoa, tiếp đến là các dân tộc Nùng, Chơ Ro, Tày, Khmer, Mường, Dao, Mạ, Chăm, STiêng, Sán Dìu, Cơ Ho, Thái, Thổ, Ê Đê, Sán Chay, Ngái, Raglay, Gia Rai, Lào, Cơ Tu, Xơ Đăng, Ba Na...
Trong đợt giãn cách xã hội lần này, các bà con dân tộc trên địa bàn tỉnh không những góp phần chống dịch tốt mà còn còn "giữ lửa" nghề truyền thống và gìn giữ nhiều sản phẩm mang giá trị văn hóa, lịch sử của cộng đồng. Bà Ka Điều và các con gái (ấp 4, xã Tà Lài, H.Tân Phú) tranh thủ quãng thời gian này để gia đình cùng nhau duy trì làm nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Mạ.
Bà Ka Điều cho biết, trong thời điểm Đồng Nai giãn cách xã hội, người giữ khoảng cách với người thì việc ở nhà dệt thổ cẩm vừa tiết kiệm thời gian, vừa giúp các con “giữ lửa” nghề truyền thống, để thổ cẩm của người Mạ được lưu giữ trong cộng đồng. Không chỉ gia đình bà mà rất nhiều gia đình ở xã Tà Lài cũng dùng khoảng thời gian giãn cách để dệt vải hoặc đan lát.
Chị Ka Ngân - con gái bà Ka Điều, khi chưa có dịch Covid-19, sản phẩm thổ cẩm làm ra được giới thiệu và bán tại nhà truyền thống các dân tộc xã Tà Lài, khách hàng chủ yếu là du khách đến Vườn quốc gia Cát Tiên. Hiện nay, gia đình chuyển sang bán online các mặc hàng như dép, khăn, váy, cái áo...
“Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên dịp này tôi chưa thể gửi sản phẩm cho khách hàng ở Hà Nội, TP.HCM... Hiện tại, rất nhiều sản phẩm thổ cẩm của người Mạ và 11 chiếc gùi của đồng bào S’tiêng đã hoàn thành. Đây là những sản phẩm do chính tay bà con ở địa phương thực hiện dựa theo yêu cầu của khách trên cơ sở hiểu biết và tay nghề sẵn có” - chị Ka Tuyền chia sẻ.
Chị Ka Tuyền (hướng dẫn viên ở Vườn quốc gia Cát Tiên) cho hay, bản thân chị mang 2 dòng máu Mạ - S’tiêng, sinh ra và lớn lên ở Tà Lài nên ngay từ khi còn nhỏ đã được cha mẹ và bà ngoại hướng dẫn dệt vải, đan lát. Thời dịch bệnh, công việc hướng dẫn viên tạm ngưng, chị trở về nhà và nhận làm thêm các sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc để bán cho khách trong và ngoài tỉnh. Mặc dù các đơn hàng còn lẻ tẻ nhưng chị cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi làm ra các sản phẩm truyền thống.
Ngoài dệt thổ cẩm, thời gian này đồng bào Mạ, S’tiêng ở Tà Lài cũng tích cực đan lát sản phẩm thủ công và hướng dẫn con cháu học theo. Đã ở vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng đôi mắt của ông K’Sổi vẫn tinh tường và đôi bàn tay vẫn khéo léo chuốt từng sợi tre, nứa để đan chiếc gùi truyền thống. Theo ông K’Sổi, để hoàn thành một chiếc gùi giao cho khách phải mất nhiều thời gian, có khi cả tháng mới hoàn thành. Công đoạn khó nhất là tạo dáng và hoa văn sao cho gùi mang đặc trưng của dân tộc mình.
ThS Trương Thị Nguyên Hiền, Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh cho biết, trang sức của người Mạ chủ yếu tập trung ở nữ giới như: Khuyên tai, dây đeo cổ bằng hạt cườm, vòng đeo cổ… Nam giới đeo trang sức đơn giản hơn, thường mang tính chất mạnh mẽ, thể hiện sức mạnh cá nhân. Họa tiết trên trang sức không quá sặc sỡ mà hài hòa, phù hợp với môi trường và điều kiện sống.
“Ngoài làm đẹp, trang sức của người Mạ còn liên quan đến văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán. Do đó, việc giữ gìn và phát huy rất cần được các cấp, ban, ngành, địa phương quan tâm. Đồng thời, khuyến khích đồng bào mặc trang phục, đeo trang sức truyền thống trong các ngày lễ, tết của dân tộc. Chú trọng công tác sưu tầm hiện vật trang sức nhằm tạo thành bộ sưu tập mang đậm dấu ấn cội nguồn văn hóa các dân tộc thiểu số Đồng Nai” - chị Hiền chia sẻ.