Đồng bào các dân tộc vui Tết Độc lập
- Văn hóa - Giải trí
- 18:07 - 01/09/2021
Sau này, rất nhiều chuyến công tác đến các tỉnh miền núi tôi mới biết, ngoài Tết Nguyên đán chung của cả nước và tết riêng của dân tộc mình, ở nhiều địa phương từ lâu đồng bào đã có thói quen ăn Tết Độc lập 2/9, Và vì thế Ngày Quốc khánh đã trở thành một ngày vui và đầy ý nghĩa trong cuộc sống của nhiều đồng bào các dân tộc.
Chẳng vậy mà cứ gần đến dịp nghỉ lễ 2/9, trên các trang web về du lịch lại đưa ra lời quảng cáo “Nếu bạn còn đang băn khoăn chưa biết đi chơi đâu vào dịp lễ 2/9, hãy làm một chuyến du lịch đến Mộc Châu, Sơn La để vui đón Tết Độc Lập cùng bà con dân tộc vùng cao….”
Theo lời kể của những người cao tuổi ở Mộc Châu, kể từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), đồng bào người Mông rất coi trọng và chọn đó làm ngày Tết Độc Lập (hay còn gọi là Tết cờ đỏ sao vàng) chào mừng lễ Quốc khánh 2/9 nhằm tỏ lòng biết ơn Đảng, Nhà nước. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày (31/8 - 2/9), đó là thời điểm người Mông tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật để thể hiện tình yêu quê hương đất nước, đồng bào các dân tộc vùng cao tụ hội để gặp gỡ, kết giao tình tự và vui chơi sau những ngày làm lụng vất vả,…
Đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, cứ vào đầu tháng 9 hàng năm, khi nắng hanh hao trải dài trên các sườn đồi Mộc Châu thì không khí rộn ràng của Tết Độc lập đã bao trùm lên các con đường dẫn về khắp các bản làng, cờ hoa giăng đầy phấp phới trong gió. Từng đoàn người Mông, Thái, Dao, Khơ Mú... xúng xính trong những bộ trang phục đẹp nhất: các chàng trai đầu quấn khăn, cổ đeo vòng, vai vác khèn, các cô gái bản áo váy rực rỡ, miệng cười chúm chím,tay cầm đàn môi tưng bừng xuống phố vui chơi, ăn uống, mua sắm làm huyên náo các con đường. Những năm gần đây, có không ít du khách từ Hà Nội và cả các tỉnh, thành lân cận cũng khoác lên mình những bộ váy áo dân tộc Mông, Dao, Thái... cùng tưng bừng đón Tết độc lập cùng người dân bản địa.
Đêm ngày 1/9 cũng là “đêm trắng” với những ai có mặt ở thị trấn Mộc Châu, với một không gian văn hóa ẩm thực đa dạng, các chương trình văn nghệ đặc sắc như biểu diễn dân ca, dân vũ, tấu nhạc cụ dân tộc hay các hoạt động vui chơi giải trí như thi giã bánh dày, thi nấu cơm, bắn nỏ, đẩy gậy, tung còn, đánh tu lu, ném pao, đi cà kheo... Đây cũng là một đêm hội giao lưu của tình yêu, của các chàng trai, cô gái từ các bản làng đến đây gửi gắm những hò hẹn, nhớ thương..
Nếu như Tết truyền thống của người Mông chỉ gói gọn trong phạm vi của gia đình, họ hàng, hoặc giữa các bản làng với nhau thì Tết Độc Lập lại diễn ra rộng rãi hơn bởi có sự liên kết giữa đồng bào các dân tộc thiểu số ở nhiều vùng miền khác nhau. Khởi đầu, Tết Độc Lập chủ yếu là của người Mông ở Mộc Châu và một vài huyện lân cận, nhưng những năm gần đây, do điều kiện sống của đồng bào ngày càng phát triển, nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần cũng vì thế được nâng cao, các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các đân tộc được mở rộng. Chính vì vậy, Tết Độc Lập không chỉ thu hút đồng bào Mông ở các huyện Sông Mã, Thuận Châu, Yên Châu, Phù Yên... mà còn thu hút nhiều dân tộc khác như: Thái, Mường, Kinh, Dao, Tày... ở các tỉnh lân cận. Vì thế, mỗi năm Tết Độc Lập không chỉ “giàu” về lượng khách tham gia, mà còn “giàu” cả về nội dung, hình thức và sản vật. Nét văn hóa đẹp này đến nay vẫn được đồng bào Mông ở Mộc Châu nói riêng và vùng núi Tây Bắc nói chung gìn giữ và phát huy.
Với đồng bào Thái ở xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái), ngày Tết Độc lập từ lâu cũng đã trở thành một nét văn hóa độc đáo, một ngày lễ quan trọng trong năm chỉ sau Tết Nguyên đán. Vào những ngày này, mâm cơm truyền thống dâng cúng tổ tiên là một thủ tục không thể thiếu trong ngày Tết Độc lập của đồng bào Thái nơi đây. Cùng với các món ăn chính được chế biến từ các loại động vật như: gà, vịt, lợn... thì các loại bánh chưng dài và bánh rợmcũng được gói để dâng cúng tổ tiên, rồi con cháu hưởng lộc và cũng là loại bánh để tiếp đãi và làm quà cho khách khi đến chơi nhà trong dịp này.
Trước đây, ngày Tết độc lập được dân bản tổ chức khá rình rang, tuy nhiên, từ khi thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới” đồng bào Thái Hát Lừu cũng ăn Tết Độc lập tiết kiệm, gọn nhẹ hơn. Trong ngày Tết mọi người đã không còn uống rượu say liên miên, không ăn uống linh đình, lãng phí và kéo dài 3, 4 , ngày như trước, thế nhưng truyền thống đón Tết độc lập vẫn được đồng bào dân tộc nơi đây gìn giữ như một nét đẹp văn hóa, thể thể hiện lòng yêu nước, tình cảm sâu nặng của đồng bào với Đảng, với Bác Hồ...
Ngược lên huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, xã Tìa Dình là nơi sinh sống chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Những năm qua, bà con rất coi trọng việc tổ chức ăn tết trong ngày Quốc khánh 2/9. Kể từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945) thì người Mông đã rất trân trọng và coi đó cũng là ngày Tết có nhiều ý nghĩa. Trong ngày Tết Độc lập, nhà nào cũng trang hoàng lại nhà cửa, treo cờ Tổ quốc và chuẩn bị một con lợn béo, thêm mấy con gà hay những đặc sản nông nghiệp do mình làm ra để đón con cháu, anh em bạn bè, người thân nơi xa về. Mọi nhà cùng nhau mổ lợn, giã bánh giầy, nấu nướng, rồi quây quần bên mâm cơm đoàn viên.
Vào dịp này, một sân chơi văn hóa, văn nghệ, thể thao cũng được tổ chức tại trung tâm xã để nhân dân trên địa bàn cùng nhau tham gia giao lưu, tạo không khí đoàn kết, gắn bó. Trước dó, đội văn nghệ của các bản đều tự tay chuẩn bị váy áo, tích cực tập luyện các tiết mục văn nghệ đặc sắc, ca ngợi Ðảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi non sông đất nước, mảnh đất và con người Ðiện Biên... để phục vụ bà con trong ngày lễ. Bên cạnh các môn thi đấu thể thao như đánh cầu, bóng chuyền, cầu lông, kéo co, giao lưu văn nghệ thu hút nhiều người người tham gia, thì phần thi đấu chọi bò lại hấp dẫn đặc biệt với nhiều hộ chăn nuôi đăng ký tham gia. Ngoài háo hức đến xem, cổ vũ, bà con còn chia sẻ nhau kinh nghiệm chăn nuôi bò khỏe…
Không riêng người Mông ở xã Tìa Dình, mà với đồng bào các DTTS khác ở các huyện Tuần Giáo, Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa... trong ngày Quốc khánh cũng gác lại những công việc thường ngày, xúng xính diện váy áo rực rỡ, vượt đèo dốc, băng rừng nô nức kéo về trung tâm TP. Điện Biên Phủ để vui chơi. Trên những con phố, các ngả đường của lòng chảo Mường Thanh đều nhuộm thắm màu cờ, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng Quốc khánh…
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Điện Biên cho biết, những năm qua, dịp Quốc khánh 2/9, ngành văn hóa tỉnh Điện Biên cũng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ, thi đấu các môn thể thao dân tộc tại Sân hành lễ tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ; đồng thời miễn thu phí thăm quan tất cả các điểm di tích lịch sử… để mỗi người dân có thể tận hưởng bầu không khí thiêng liêng của ngày Tết Độc lập. Từ đó, để mỗi người bày tỏ lòng tri ân các Anh hùng liệt sĩ và lòng biết ơn đến Đảng, Bác Hồ kính yêu; thấy được trọng trách của bản thân trong xây dựng quê hương thêm giàu đẹp, phát triển hơn
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Tết độc lập của các dân tộc cũng sẽ được tổ chức gọn nhẹ hơn để đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch. Mặc dù hạn chế tụ tập đông người nhưng ở nhiều vùng miền, đồng bào các dân tộc vẫn tổ chức đón Tết độc lập. Trong mỗi ngôi nhà vẫn có mâm cơm để thắp hương lên tổ tiên, một số địa phương thì dâng hương lên bàn thờ Bác Hồ bởi đây là dịp để các gia đình, dòng họ đoàn tụ con cháu cũng như thể hiện lòng biết ơn đến Đảng, Bác Hồ kính yêu đã mang lại độc lập, tự do để người dân các dân tộc trên mọi miền tổ quốc hôm nay có được một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.