Đọng 15.600 tỷ đồng vốn nhà nước trong 5 lĩnh vực nhạy cảm
- Huyệt vị
- 13:09 - 02/01/2016
Nhìn lại chặng đường 5 năm (2011-2015) tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Bộ Tài chính cho biết, vẫn còn hơn 15.600 tỷ đồng vốn nhà nước còn đọng trong hệ thống DNNN cần tiếp tục thoái vốn.
Phân tích cụ thể, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho hay, tái cơ cấu DNNN là 1 trong 3 trụ cột chính của tái cấu trúc nền kinh tế và là nhiệm vụ Bộ Tài chính được giao chủ trì thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai (Ảnh: MOF)
Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, trong năm 2015, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2015 ngày 6/10/2015, về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; Nghị định số 91/2015 ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 41/2015 về việc bán cổ phần theo lô, để thu hút các nhà đầu tư, góp phần đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu DNNN.
Đồng thời, Bộ Tài chính tích cực phối hợp, đôn đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khẩn trương triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Kết quả là 11 tháng đầu năm 2015, cả nước đã cổ phần hóa được 173 doanh nghiệp (lũy kế giai đoạn 2011-2015 đã cổ phần hóa được 422 doanh nghiệp, đạt 78% kế hoạch); đã thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán; ngân hàng, tài chính; bảo hiểm; bất động sản và quỹ đầu tư) là 4.975 tỷ đồng; số vốn cần tiếp tục thoái lớn, lên tới trên 15.600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thẳng thắn đánh giá tiến độ tái cơ cấu DNNN, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho rằng: “Tiến độ này còn chậm, số vốn nhà nước được cổ phần hóa còn thấp, tỷ lệ vốn nhà nước còn nắm giữ ở các doanh nghiệp đã cổ phần hóa còn cao, kể cả các doanh nghiệp không cần giữ cổ phần chi phối”.
Về nguyên nhân của sự trì trệ này, theo bà Mai, ngoài tác động của khủng hoảng tài chính thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước ảnh hưởng đến tính thanh khoản của thị trường chứng khoán, còn có nguyên nhân chủ quan do vướng mắc về cơ chế và nhận thức của một bộ phận cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu ở nhiều doanh nghiệp, chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng và các lợi ích mang lại của việc tái cơ cấu doanh nghiệp đối với phát triển KT-XH, nên chưa thật sự quan tâm, tập trung triển khai.