THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:40

Đón “sóng” FDI, cần chuẩn bị nguồn nhân lực đủ kỹ năng

1

Nhân lực cao cần chú trọng cải thiện thời gian tới

Việt Nam hiện là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ 3 trong khu vực và là một trong số ít nước ASEAN vẫn duy trì được tăng trưởng dòng vốn FDI ổn định qua nhiều năm.

Qua thực tế và khảo sát cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam ngày càng được cải thiện đáng kể. Hệ thống Giáo dục Nghề nghiệp có sự phát triển vượt bậc, khởi sắc. Đặc biệt, việc “đặt hàng” các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nhân sự, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về chất lượng của thị trường lao động được các DN quan tâm.

Ông Nakajima Takeo - Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội đánh giá: "Chất lượng nhân lực của Việt Nam tốt hơn theo từng năm. Theo khảo sát của JETRO, tổng thế chất lượng công nhân, kỹ thuật viên, và quản lý của Việt Nam tương đối vượt trội hơn so với các nước ASEAN láng giềng".

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã bắt đầu bày tỏ lo ngại trước việc thiếu cục bộ lực lượng lao động có kỹ năng nghề để phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các ngành công nghiệp. Bàn về nhân lực chất lượng cao, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhìn nhận, doanh nghiệp FDI luôn cần nhân lực có kỹ năng nghề cao để ứng dụng công nghệ mới.

“Do đó, nguồn lực chất lượng cao nếu không được chú trọng cải thiện trong thời gian tới, Việt Nam sẽ mất dần sức hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài… Hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề khiến lao động khó có thể có được việc làm bền vững và chuyển dịch linh hoạt trong một thị trường lao động đang biến chuyển không ngừng”, Bộ trưởng Dung dẫn chứng.

Từ một quốc gia có lợi thế về “lao động giá rẻ” trong thu hút FDI, giờ đây Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động chất lượng cao để giữ chân và thu hút thêm các doanh nghiệp FDI. Với tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ chưa cao (26,2%), đây là một thách thức không nhỏ của nước ta hiện nay.

Theo ông Andree Mangels, Tổng Giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số diễn ra ở mức độ cao và nhanh hơn ở nhiều ngành nghề. Theo khảo sát về thực trạng và nhu cầu kỹ năng của lao động trong các ngành công nghiệp chế biến - chế tạo tại các doanh nghiệp (DN) FDI ở Việt Nam giai đoạn 2021-2023, do ManpowerGroup Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học Lao động và Xã hội tiến hành trên 200 DN trên cả nước, phần lớn các DN FDI ngành sản xuất hiện nay đang ứng dụng công nghệ hiện đại ở trình độ cao đến rất cao (chiếm tỷ lệ 32% DN khảo sát).

Số DN ứng dụng công nghệ ở mức độ trung bình chiếm 63% và chỉ có 5% DN hiện không ứng dụng công nghệ. 

Vì thế, theo ông Andree Mangels, trong tương lai, nguồn nhân công giá rẻ sẽ không còn là điều kiện quan trọng để thu hút nhà đầu tư nước ngoài mà chính là yếu tố kỹ năng. Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư FDI đang có nhiều thay đổi, lao động Việt cần cải thiện cả kỹ năng mềm và chuyên môn, nếu không sẽ tuột cơ hội vào tay các thị trường khác, cũng như khiến Việt Nam khó thu hút những doanh nghiệp (DN) nước ngoài lớn đầu tư.

Là DN sản xuất giày thể thao xuất khẩu đông công nhân nhất TP.HCM, Công ty PouYuen vẫn gặp khó khăn trong tuyển dụng khi thâm hụt khoảng 5% lao động sau dịch Covid-19. Thời gian tới, Công ty sẽ đẩy mạnh tự động hóa sản xuất và số hóa dữ liệu, quá trình này sẽ cần tuyển dụng số lượng lớn lao động bản địa có kỹ năng, tay nghề cao trong các lĩnh vực kỹ thuật khuôn mẫu, tự động hóa, công nghệ thông tin... Trong khi nhân lực tại thị trường Việt Nam chỉ đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng này vào khoảng 26%.

Cần bù đắp những khoảng trống còn yếu kém

Dẫn chứng những khảo sát mới nhất về thực trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc vận hành Manpower Group Việt Nam cho biết, chỉ 8,96% lao động Việt Nam có khả năng làm việc từ xa trong bối cảnh DN tăng cường loại hình này sau đại dịch.

Lao động có kỹ năng tay nghề cao chỉ đạt 11,6% và cần cải thiện nhiều kỹ năng mềm lẫn chuyên môn. Chỉ 5% lao động có trình độ tiếng Anh trong bối cảnh hội nhập sẽ là nhiều hạn chế, chưa đủ cạnh tranh với lao động khu vực. Hiện thu nhập bình quân của lao động Việt Nam khoảng 300 USD, tương đương 7 triệu đồng, thấp hơn khá nhiều so với lao động trong khu vực, bình quân gần 2.000 USD và thế giới  là hơn 2.100 USD.

Ông Nguyễn Xuân Sơn nhấn mạnh, lao động "giá rẻ” vừa thu hút DN FDI đầu tư nhưng đó cũng là điểm yếu về thích nghi của lao động Việt Nam khi DN nước ngoài đưa công nghệ mới vào sản xuất. Theo khảo sát, khoảng 57% DN gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân lực chất lượng cao.

Trước những thực tế trên, đề cập đến giải pháp cho thị trường lao động hiện nay, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, cần bù đắp những khoảng trống còn yếu kém, khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực. Đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Rà soát, đánh giá, sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là nhân lực chất lượng cao…

Trong mô hình tăng trưởng mới, quy mô thị trường lao động đến năm 2025 sẽ có khoảng 60 triệu người, trong đó trên 70% làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Đây là thị trường hiện đại theo hướng ngành nghề mới, đòi hỏi tiêu chuẩn lao động mới, kỹ năng mới.

Nhằm thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2030 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập, ông Dung cho rằng, cần xây dựng, tạo lập được nguồn cung lao động hiện đại với chất lượng nhân lực cao; Nguồn cầu lao động hiện đại với chất lượng việc làm tốt hơn, bền vững hơn; Phương thức quản trị thị trường lao động hiện đại phù hợp với một thị trường lao động hiện đại và hành lang pháp lý thuận lợi…

Đồng thuận, theo các chuyên gia về lao động, để phát triển thị trường lao động đúng hướng, hiện đại, bền vững và hội nhập, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, DN và cơ sở đào tạo nghề để cung và cầu gặp nhau. Khi đó, nguồn nhân lực này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả hơn.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh