THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 03:44

Đổi thay nhờ nguồn vốn ưu đãi

Tiếp sức cho người nghèo

Giảm nghèo nhanh và bền vững là chương trình mang tính chiến lược lâu dài, là nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách ở Mường Khương chính là ở cách tư vấn “trao cần câu” cho hộ nghèo, làm thay đổi suy nghĩ, tập quán sản xuất của đồng bào vùng cao. Mường Khương là huyện vùng cao giáp biên nằm trong nhóm 56 huyện nghèo nhưng bằng sự chịu thương chịu khó, những người dân Mường Khương đã có cuộc sống khấm khá hơn nhờ trồng dứa và chuối.

Những người đang làm cầu nối đưa vốn đến gần hơn với người nghèo tại địa phương.

Những người đang làm cầu nối đưa vốn đến gần hơn với người nghèo tại địa phương.


Con đường nhỏ nằm giữa những ngọn đồi núi nhấp nhô dẫn chúng tôi vào thôn Na Lốc, xã Bản Lầu. Dưới cái nắng chói chang của ngày hè,  từng ngôi nhà ngói đỏ của đồng bào người Mông ở thôn Na Lốc dần hiện lên, tất cả tạo nên một bức tranh bản làng no, ấm và hạnh phúc.

Chỉ vào những ngôi nhà ngói đỏ mới xây, ông Đoàn Văn Lưu, Phó Giám đốc NHCS Lào Cai phấn khởi chia sẻ: “Mấy năm gần đây cũng nhờ cây chuối, cây dứa mà bà con nơi đây đã vươn lên thoát nghèo. Những ngôi nhà mới trong thôn đều được xây dựng từ tiền bán chuối, bán dứa của bà con”.

Chủ tich hội phụ nữ xã Bản Lầu Nông Thị Nghì,  không giấu nổi cảm xúc khi nhớ về thời điểm hơn 10 năm trước. Chị chia sẻ: “Diện tích đất canh tác xã mình trước đây bị bỏ hoang nhiều, cây chủ lực vẫn là cây lúa, cây ngô bà con canh tác trên những thửa ruộng bậc thang. Chính vì thế no, đói đều phụ thuộc vào thời tiết. Nông dân ở đây chỉ trồng lúa một vụ vào mùa mưa nhưng năng suất không cao”. Theo chia sẻ của các cán bộ Bản Lầu chúng tôi được biết, trước kia tập tục canh tác của bà con vẫn rất lạc hậu, việc tiếp cận khoa học kỹ thuật trở nên xa lạ với họ, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhiều học sinh đã bỏ học. Cũng vì đói nghèo nên bà con thường xuyên bỏ nhà sang Trung Quốc làm thuê.

Trước tình hình đó huyện Mường Khương, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con cải tạo, chuyển đổi vùng đất hoang sơ thành đất sản xuất chuyên canh trồng chuối, trồng dứa cao sản. Hỗ trợ giống vốn, hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa nước hai vụ cho năng suất cao... Phát huy vai trò người có uy tín trong dòng họ, thông qua các cuộc họp thôn, bản để tuyên truyền bà con chuyển đổi cây trồng. Hiện nay toàn xã đã có 263ha chè; 800ha chuối; Bản Lầu đã xây dựng được vùng dứa chuyên canh, với diện tích hơn 700ha, sản lượng trên 13.000 tấn quả. Với sản lượng và giá dứa hiện tại, vụ dứa đầu năm nay xã Bản Lầu đạt doanh thu trên 40 tỷ đồng.

Đa dạng các mô hình

Vốn ưu đãi NHCSXH là một trong những nguồn lực để Hội Nông dân huyện Mường Khương hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất. Quỹ tín dụng đã giải ngân vốn cho các mô hình sản xuất khá đa dạng từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả…

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức song NHCSXH huyện Mường Khương đã đề ra các giải pháp, biện pháp điều hành, tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2018 nguồn vốn huy động tại địa phương đạt: 24.358 triệu đồng/25.405 triệu đồng, đạt 95,9% kế hoạch, tăng so với năm 2017 là 3.525 triệu đồng; chất lượng tín dụng từng bước nâng cao, giảm thấp nợ xấu; hoạt động luôn duy trì, phát huy hiệu quà, tạo thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng.

 Từ đó, đã góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của huyện, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Trong tương lai, mảnh đất vùng cao biên giới Mường Khương sẽ trở thành một vùng đất giàu mạnh nơi địa đầu phía Bắc của Tổ quốc.

 

Bà con trên địa bàn xã Bản Lầu, huyện Mường Khương lại tấp nập bước vào mùa thu hoạch dứa.

Bà con trên địa bàn xã Bản Lầu, huyện Mường Khương lại tấp nập bước vào mùa thu hoạch dứa.

 

Lào Cai là tỉnh miền núi biên giới, có diện tích tự nhiên 6.357 km2, gồm 8 huyện, 01 thành phố, 164 xã, phường, thị trấn trong đó có 139 xã đặc biệt khó khăn, với 2.123 thôn, bản, tổ dân phố. Toàn tỉnh có 25 dân tộc anh em, dân số trên 68 vạn người, trong đó hơn 70% dân số làm nông nghiệp và sống ở khu vực nông thôn; 64,1% là hộ dân tộc thiểu số. Theo Quyết định 59/2015/QĐ – TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo đa chiều thì toàn tỉnh đến cuối năm 2017 còn 35.746 hộ nghèo chiếm tỉ lệ 21,81% (trong đó hộ nghèo thu nhập 34.767 hộ, chiếm 97,26% hộ nghèo; hộ nghèo đa chiều 979 hộ, chiếm 2,74%), hộ cận nghèo còn 17.683 hộ chiếm tỷ lệ 10,79%; trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo, quốc phòng an ninh, biên giới chủ quyền quốc gia được giữ vững.

MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh