CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:49

Cảnh báo, dự báo không phải chỗ đùa giỡn, hay khoe mẽ, ra oai

 

 

Ảnh minh họa.                                           Nguồn: Internet.

Nhưng hiện nay, bên cạnh nhiều cảnh báo, dự báo tốt có ích cho xã hội, vẫn còn nhiều cảnh báo, dự báo gặp trắc trở khi đến với đời sống, thậm chí một số người đưa ra cảnh báo, dự báo để cho oai, làm le, lấy lệ, thậm chí là vô bổ, gây hại.

Hàng chục năm nay, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng, các phương tiện truyền thông từ Trung ương đến địa phương bàn nhiều, nói nhiều, đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn trẻ em bị đuối nước. Nhưng sự tang thương ấy vẫn cứ diễn ra, nỗi đau chồng lên nỗi đau. Hai vụ đuối nước vừa xẩy ra ở Quảng Ngãi, cướp đi sinh mạng của hơn chục em nhỏ, thêm một lời ai oán, lưỡi dao cứa vào lương tâm những người có trách nhiệm: Chúng ta đã cảnh báo, chúng ta đã vào cuộc, tại sao chúng ta vẫn không ngăn được những thảm họa !.

Mỗi đứa trẻ chết đuối kèm bên nỗi đau trời xé, là những bài học sâu sắc. Nhưng để biến bài học ấy vào thực tiễn đời sống quả không dễ như khi đăng đàn trên nghị trường, khi ban bố các văn bản, kể cả việc ban hành luật. Trong nhiều nguyên nhân, có lẽ do chủ quan, do vô cảm đã làm cho những lời nói thật hay, những phương án thật đẹp đã bay đi rất nhiều khi đến với hiện thực cuộc sống.

Qua theo dõi báo chí, tôi thực sự cảm phục sự dũng cảm của ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng, thủy văn Quốc gia. Trong khi khô hạn đang hoành hành cả suốt dải miền Trung cho đến đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt, một số nơi ở Tây Nguyên được xem là cơn hạn hán thế kỷ, ở đồng bằng sông Cửu Long nước mặn tiến sâu vào nội địa, hạn không chỉ làm hàng chục vạn héc ta cây cối chết cháy, mà còn làm sụt đất đai, đường sá, vậy mà ông Phó tổng họ Lê vẫn khăng khăng: Nắng nóng năm 2016 sẽ không gay gắt!. Thưa ông, mới đầu mùa nắng ở Quảng Ngãi có nơi nhiệt độ vượt qua cái nắng nóng kỷ lục được xác lập hơn 30 năm trước. Mùa nắng nóng còn dài, không dám bình luận gì thêm về cái gọi là dự báo, võ đoán của ông Phó tổng, nhưng rõ ràng đất nước đang có những ngày đầu nắng, hạn khốc liệt bất thường.

Những đứa trẻ chết đuối ở Quảng Ngãi do trời nắng nóng, do  ngây thơ, sự hồn nhiên, vô tư, các em không biêt hậu quả xẩy ra. Nhưng hiện nay thoạt thấy cái lợi trước mắt, biết là gây hại cho cộng đồng, nhưng họ vẫn bất chấp lập ra những “dự án ma quỷ” để thu lợi cho bộ phận. Như việc các công ty lập dự án xin xây nhà máy thủy điện tại các khu bảo tồn thiên nhiên của Kon Tum và Gia Lai. Những ông chủ, bà chủ các dự án trên cũng thừa biết tác hại của thủy điện đối với môi trường khu vực. Biết hại mà họ vẫn nhắm mắt xin, nhắm mắt đưa trình duyệt trong thời điểm hàng triệu đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đang sống quay quắt với hạn hán cùng ba zan khát.

Cuộc sống luôn cần những cảnh báo, dự báo. Nó là sự cảnh tỉnh, là đánh thức, thôi thúc, tạo thêm hy vọng cho con người tự tin hướng tới. Nhưng để những cảnh báo, dự báo có hiệu quả với cuộc sống, rất cần những con người trí tuệ, lương tâm và trách nhiệm. Đặc biệt không vụ lợi, vô tâm với Con Người.

HOÀNG LÊ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh