“Đội kiểm lâm” của xã
- Dược liệu
- 23:23 - 18/02/2017
Người đi tiên phong trong việc “phục hồi” đất rừng là cựu chiến binh Phạm Sa, 60 tuổi, chính ông đã lập nên “Tổ quản lý bảo vệ rừng” hình thành đến từng thôn bản.
Ông Phạm Sa kể, năm 1975, sau giải phóng, những xóm làng tiêu điều ảm đạm, đồi gò rừng núi trơ sỏi đá và đầy những hố bom. Những người dân xã Duy Trung bỏ xứ lang thang tìm việc mưu sinh. Ông nói: “Làng có 4 thôn thì có 2 thôn là Cẩm An và Nam Thành, có đến gần 200 hộ ở sát chân rừng, người dân chỉ sản xuất độc canh lúa nước, qua thời gian, nhiều người rời làng đi nơi khác làm ăn”.
Mảnh rừng xanh tại Duy Trung.
Hồi đó, trên mảnh rừng chỉ có một vùng rừng Cấm là còn tồn tại. Thời Pháp chiếm đóng đã hình thành nên những cánh rừng này gồm rừng Cấm Sầm Tây, Cấm Sẩy, Cấm Chè, nên sau giải phóng được người dân bảo vệ. Những cánh rừng này là rừng tái sinh, tục lệ rừng Cấm, không cho phép bất kỳ ai vào rừng đốn củi, khai thác cây, vì người dân tin rằng, đây là lệ xưa để lại. “Có 4 vị thần cai quản rừng, người ta bảo vô nhà phải bước vào cổng, muốn đến hai làng bên rừng Cấm phải đi qua rừng, nên cứ hằng năm, người dân đều làm lễ khai sơn, cúng thần núi”-Ông Sa kể. Rừng Cấm để phân định làng này với làng khác, dân gian vùng này vẫn còn giữ câu “Bao giờ Cấm Nhọn hết cây, Đập Đá hết nước dân đây hết tình”.
Năm 1989, Khi Nhà nước giao rừng cho dân, ông Sa là người đầu tiên “nhận rừng”, ông nhận trồng gần 4ha rừng. Những đồi trọc được bàn tay ông phủ xanh trở lại. Ông nói: “Hồi đó, dân nhìn rừng mà bảo là làm rừng biết khi nào có tiền, đi làm thuê còn hơn, rồi khi Nhà nước giao rừng và hỗ trợ tiền trồng rừng, nhờ khoản tiền đó, tôi thuyết phục người dân, đất rộng mênh mông, ai đủ sức thì đi, tiền được nhà nước trả công đi lại”. Thế là nhiều người bắt đầu “thử” trồng rừng. Thời điểm đó chỉ có 25 nhóm hộ tham gia trồng, năm thu hoạch lứa rừng đầu tiên, mỗi ha được khoảng 15-20 triệu. Nhiều người mừng rỡ khóc hết nước mắt. Đến nay có gần 600 hộ tham gia trồng rừng, phủ xanh đồi trọc. Ông Sa còn dẫn anh Huỳnh Tấn Đồng, kỹ sư nông nghiệp về giúp dân xây dựng vườn ươm cây giống keo lai giâm hom các loại, số lượng cây giống sản xuất hằng năm loại keo lai hom đạt hơn 500 nghìn cây, cây mô có hơn 30 nghìn cây và nhiều loại khác.
Làm keo giâm cho người dân.ảnh:H.T
Ông Sa cho biết: “Khi rừng ngày càng phát triển lại càng có nhiều người vào rừng nhân cơ hội chặt cây, lại có tình trạng cháy rừng diễn ra”. Chỉ duy nhất tại rừng núi Cấm, do yếu tố tâm linh, làng nào có rừng Cấm đều làm ăn thịnh vượng. “Họ không biết rằng chính môi trường tại rừng đã giúp cuộc sống của họ ít bệnh tật, làm ăn khấm phá hơn”-Ông nói. Do vậy, ông nghĩ rằng, ý thức cộng đồng rất quan trọng. Năm 2001, chính thức thành lập “Tổ Quản lý bảo vệ rừng” gồm 104 thành viên, chia làm 5 tổ nhỏ bảo vệ từng thôn. Từ đó các cánh rừng Cấm khác như Cấm Nhọn, Cấm Lớn, các khu rừng cây bụi lau lách như Nỗng Bồ, Núi Gò Phan, Hố Xoài,…đều phát triển, người dân tham gia bảo vệ rừng.
Theo đó, mỗi khi phát hiện đám cháy, người dân tự giác báo cho các tổ trong thôn xử lý đám cháy theo phương án “tại chỗ”. Hằng năm đều tuyên truyền cho dân bảo vệ rừng, nếu có ai phá chặt rừng thì xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Hằng tháng, các tổ đều thực hiện tuần tra trên các cánh rừng. Ông Sa cho biết: “Đến nay, người có rừng cũng thu hoạch được 30-50 triệu/ha, người đi làm thuê trên rừng cũng thu được 2-3 triệu/tháng. Các hội đoàn thể thực hiện nuôi 1 con, trồng 1 cây để bảo vệ rừng”.
Rừng ngoài chống sạt lở, những cây thuốc quý trên rừng còn chữa bệnh cho dân làng, cuộc sống người dân dựa vào rừng mà phát triển, xóa đói giảm nghèo.