Đối diện “Bạch Mã hoàng tử”
- Văn hóa - Giải trí
- 03:11 - 23/06/2016
Tắm mưa trên độ cao 1.448m
Trước khi lên đường, tôi gọi điện đến TS Huỳnh Văn Kéo, Giám đốc Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã, để xin ông cho chúng tôi được đi “ngựa sắt” của mình lên đỉnh Bạch Mã cảm cảnh và săn ảnh. Tiếp nhanh chúng tôi tại văn phòng làm việc nằm ở chân VQG, người đàn ông đã giành gần như cả đời làm việc cho Bạch Mã nhìn chiếc xe máy của tôi rồi ái ngại bảo: “Thôi các anh nên đi sớm kẻo lát nữa trời mưa không kịp xuống”. Quả thực chúng tôi đã được tắm một trận mưa rừng lạnh thấu xương sau đó.
Xe của chúng tôi “bò” dần theo con đường từ chân đến đỉnh núi. Con đường dài 19km nối từ chợ Cầu Hai đến khu nghỉ mát trung tâm ở độ cao 1.000 - 1.400m với hệ thống gần 100 cống và 40 kè này, được Pháp xây dựng từ năm 1934 - 1944. Qua bao thăng trầm lịch sử, sự bào mòn của thời gian và thiên nhiên, con đường đã bị hư hỏng nặng. Công trình trọng điểm khôi phục tuyến đường dẫn từ chân lên đỉnh Bạch Mã được duyệt, với tổng dự toán 13,5 tỷ đồng, khởi công tháng 5/1993. Đến năm 1997 công trình hoàn thành thảm bê tông đến km12 và dừng lại. Năm 2009 thêm một dự án xây dựng mở rộng, nâng cấp tuyến đường này và đến nay đã hoàn thành thảm bê tông lên đến km19. Dù đã được xây dựng hoàn chỉnh, nhưng do độ dốc cao, đường lại có nhiều đoạn cua gấp khúc, ngoằn ngoèo nên tôi chỉ có thể cho xe chạy chậm.
Một góc Bạch Mã nhìn từ trên cao.
Khi lên đến đỉnh núi, tôi chợt nhớ một đoạn trong tùy bút “Trèo lên Bạch Mã” của Phanxipăng: “Chẳng rõ địa danh Bạch Mã xuất hiện từ bao giờ và vì sao. Người thì bảo do xa trông đỉnh núi như một chiến mã khổng lồ xòe bờm, vẫy đuôi, tung vó bay lên trời, quanh năm mây trắng bao phủ nên có tên gọi ấy. Người thì bảo xưa kia trên đôộng (người địa phương gọi núi cao là đôộng - pv) bỗng xuất hiện ngựa thần xòe đôi cánh trắng, phò Thế Tổ Cao Hoàng đế (vua Gia Long) thoát khỏi vòng vây của quân Tây Sơn”. Theo sử sách, việc phát hiện ra tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng của Bạch Mã là từ một kỹ sư cầu đường người Pháp. Ngày 28/7/1932, kỹ sư M. Girard đề xuất ý tưởng xây dựng một khu nghỉ dưỡng ở độ cao 1.000 - 1.400m trên đỉnh Bạch Mã, biến nơi đây thành một Đà Lạt, SaPa, Tam Đảo của miền Trung. Dự án đã triển khai xây dựng được 139 biệt thự, khách sạn, nhà hàng.
Tiềm năng du lịch của Bạch Mã
Nếu biết rằng, từ những năm đầu thập kỷ 30 (thế kỷ XX), người Pháp đã phát hiện và cho xây dựng đường dẫn lên đỉnh Bạch Mã, đồng thời xây dựng 139 ngôi biệt thự, khách sạn, nhà hàng để lên đây nghỉ dưỡng, có thể thấy được tiềm năng du lịch của VQG Bạch Mã lớn cỡ nào. Với nhiệt độ trung bình thấp, nơi đây sẽ là thiên đường nghỉ mát lý tưởng trong những ngày hè oi ả, nắng nóng cục bộ ở Thừa Thiên- Huế nói riêng và cả khu vực miền Trung nói chung.
Bên cạnh đó, vẻ đẹp vẫn còn gần như là nguyên sơ của VQG Bạch Mã sẽ rất thích hợp để phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch khám phá. Những địa điểm tham quan nổi tiếng trên đỉnh Bạch Mã có thể kể như: Công viên đá hát, thác Đỗ Quyên, Ngũ Hồ, đường mòn Trĩ Sao, rừng Chò đen, vọng Hải Đài,…
Mặt khác, VQG Bạch Mã nằm trong địa phận Hành lang kinh tế Đông - Tây; trên con đường du lịch Di sản miền Trung. Đây sẽ là những điều kiện thuận lợi để phát triển các tour, tuyến du lịch kết nối các di sản nổi tiểng ở khu vực này như: Thánh địa Mỹ Sơn - Đà Nẵng - Đại nội Huế - Thành cổ Quảng Trị,…Thậm chí có thể kết nối các tour du lịch xuyên quốc gia Việt Nam - Lào - Thái Lan - Myanmar. Riêng tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, với việc lấy du lịch - dịch vụ làm ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế, tỉnh này đã đầu tư rất nhiều cho hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sẽ là nguồn động lực lớn giúp thúc đẩy loại hình du lịch sinh thái đang rất được ưa chuộng hiện nay trên đỉnh Bạch Mã. Có thể kể đến như Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài đã mở nhiều đường bay đi quốc tế và khu vực; hay như Cảng nước sâu Chân Mây có thể đón những tàu viễn dương lớn nhất thế giới hiện nay. Không những thế, việc xây dựng một môi trường du lịch xanh - thân thiện kết hợp chặt chẽ với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của Thừa Thiên - Huế cũng là một yếu tố tác động không nhỏ đến du lịch Bạch Mã,... Theo TS Huỳnh Văn Kéo, hiện tại VQG Bạch Mã có các loại hình du lịch sinh thái hấp dẫn, như du lịch xem chim, du lịch nghiên cứu, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa tâm linh...
Gặp người bị gọi là “điên”, “vịt ngược”,...
Trong số 139 biệt thự, khách sạn, nhà hàng được người Pháp xây dựng trong thập niên 30 - 40 của thế kỷ trước, hiện nay con số này đã bị suy giảm rất nhiều. Sự mất mát này là do biến động của lịch sử, do chiến tranh, sự khắc nghiệt của thiên nhiên lẫn bàn tay con người. Những biệt thự được xây dựng từ thời Pháp thuộc với kiến trúc châu Âu mang các tên gọi diễm lệ như Morin 1, Morin 2, Cẩm Tú,... tuy đã được trùng tu, đưa vào khai thác, nhưng nay đành bỏ hoang vì ít khách thuê.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh là người duy nhất sở hữu tấm bản đồ Bạch Mã được người Pháp vẽ từ những năm 1930.
Được biết, trong thập niên 90 của thế kỷ trước, có 9 biệt thự (nhà nghỉ), với 54 phòng, ở đỉnh Bạch Mã được trùng tu, phục hồi để phục vụ du lịch nghỉ dưỡng. Hiện chỉ có các biệt thự, nhà hàng: Phong Lan, Đỗ Quyên 1, Đỗ Quyên 2, nhà Bảo An, biệt thự Kim Giao của Công ty TNHH DV-DL Thanh Tâm (có trụ sở tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) là còn hoạt động, đón khách. “Tôi đã từng bị bạn mình gọi là điên, là con vịt ngược. Nhiều người nhìn với ánh mắt thương hại, khi tôi quyết định đầu tư du lịch trên Bạch Mã”, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH DV-DL Thanh Tâm chia sẻ.
Theo ông Thanh, tiềm năng du lịch của Bạch Mã là cực kỳ lớn. Nhưng làm sao để giải quyết được bài toán tỷ suất đầu tư và vấn đề bảo vệ, bảo tồn VQG Bạch Mã không phải dễ. Ông Thanh nói với tôi rằng: “Anh muốn viết về Bạch Mã, anh muốn đầu tư vào Bạch Mã thì anh phải lên trên đó ở lại vài ngày, phải lên nhiều lần và lăn lộn với nó; phải trải qua những trận mưa gió, sấm sét của rừng thì anh mới hiểu được Bạch Mã và sự khắc nghiệt của thiên nhiên trên đó. Cho nên đầu tư vào Bạch Mã là phải có cái tâm, có sự am hiểu về nơi đây, chứ không phải theo kiểu phân lô, chia lô để kiếm lợi nhuận. Tôi khẳng định với anh rằng, từ ngày đầu tư lên Bạch Mã đến giờ tôi đang bị lỗ đấy. Nhưng tôi vẫn quyết tâm làm và tôi sẽ còn đầu tư hơn nữa nếu các đề án của tôi được phê duyệt. Bởi tôi đã từng lăn lộn với Bạch Mã quá nhiều, cha tôi cũng từng chiến đấu ở trên đó nên tôi yêu nó vô cùng”.Cũng theo ông Thanh, muốn thu hút được các nhà đầu tư du lịch vào Bạch Mã thì các cơ chế, chính sách của Nhà nước cần có những sự thay đổi nhất định.
Ngày 15/7/1991, Hội đồng Bộ trưởng ký Quyết định số 214/CT phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật VQG Bạch Mã, kể từ đó, VQG Bạch Mã được thành lập, với tổng diện tích là 22.031ha, trực thuộc Bộ Lâm nghiệp. Năm 2008, VQG Bạch Mã được điều chỉnh mở rộng, với tổng diện tích 37.487ha. Hiện nay VQG Bạch Mã thuộc sự quản lý của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT). Tiền thân của nó là khu rừng cấm Bạch Mã – Hải Vân được thành lập từ năm 1986, với tổng diện tích 50.000ha. VQG Bạch Mã thuộc địa giới hành chính hai tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam, trong đó trung tâm của dãy quần sơn hùng vĩ này thuộc huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế).
VQG Bạch Mã là một phần của dãy Trường Sơn Bắc, có nhiều dãy núi với các đỉnh núi cao trên 1.000m chạy ngang theo hướng từ Tây sang Đông và thấp dần ra biển. Địa hình hiểm trở, bị chia cắt mạnh và rất dốc, độ dốc bình quân toàn khu vực là 150 - 250, nhiều nơi có dốc đứng trên 400. Vườn nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ bình quân năm của toàn Vườn là 250C, riêng khu vực đỉnh Bạch Mã là 19 0C. Lượng mưa trung bình ở khu vực đỉnh Bạch Mã khoảng 8.000 mm/năm, lượng mưa bình quân năm trên toàn Vườn khoảng 3.500mm/năm. Độ ẩm khu vực đỉnh Bạch Mã khá cao, chiếm 90%. Độ ẩm bình quân toàn vùng là 85%. Tài nguyên rừng ở VQG Bạch Mã khá đa dạng và phong phú. Về động vật, nơi đây qua điều tra nghiên cứu đã ghi nhận được 1.715 loài (chiếm 7% tổng số loài trong cả nước) thuộc 52 bộ, 258 họ, 1080 giống. Trong đó, có nhiều loài đặc hữu, quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa, được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam cần phải có giải pháp ưu tiên bảo tồn như: Voọc vá chân nâu, sói lửa, báo hoa mai, sao la,…Về hệ nấm và thực vật, có 2.373 loài (chiếm gần 17% tổng số loài thực vật trong cả nước). Theo Sách Đỏ Việt Nam (2007), tại VQG Bạch Mã có 73 loài cần phải được bảo vệ, bao gồm các loài điển hình như: Pơ mu, trầm hương, gụ lau, gụ mật, kiền kiền, kim tuyến, bảy lá một hoa,... |