THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:07

Dốc sức khắc phục hậu quả bão số 1

 

Lực lượng chức năng TP. Hà Nội thu dọn cây đổ trên phố Lê Duẩn. Ảnh: Báo Hà Nội Mới

 

Theo đó, các địa phương thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại do mưa bão; tiếp tục đôn đốc các tỉnh bị ảnh hưởng của bão đề phòng mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất có các biện pháp phòng tránh, di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm;

 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát, kiểm tra, vận hành đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; chỉ đạo vận hành hệ thống công trình thủy lợi để chủ động tiêu thoát nước chống ngập úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, đề xuất các biện pháp khôi phục sản xuất lúa vụ mùa.

Đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương chỉ đạo công tác khôi phục lưới điện tại các địa phương để vận hành hệ thống công trình thủy lợi tiêu thoát nước, cứu lúa, giảm ngập lụt tại các đô thị

Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các công ty viễn thông kịp thời khôi phục hệ thống thông tin liên lạc thông suốt, phục vụ chỉ đạo, chỉ huy ứng phó với bão, mưa lũ, kịp thời cập nhật tin tức đến người dân;

Trung tâm khí tượng Thủy văn Trung ương tiếp tục theo dõi diến biến của ATNĐ, mưa lũ sau bão và thông báo kịp thời các cơ quan liên quan để chủ động ứng phó.

Sau bão số 1, lãnh đạo các địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất như: Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình… đã xuống địa bàn chỉ đạo khắc phục hậu quả.

 

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình kiểm tra trạm bơm Hậu Thượng (Đông Hưng). Ảnh: Báo Thái Bình

 

Tại Thái Bình, do lượng mưa lớn (gầm 200 mm) gây ngập, úng nên trong ngày 28/7, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo việc cần giải quyết ngay là việc tiêu thoát nước cứu lúa và hoa màu. Đến 16 giờ ngày 28/7 đã có 10/21 trạm bơm lớn tiêu úng vận hành; ngoài các trạm bơm, ngành nông nghiệp yêu cầu các công ty thủy nông bố trí lực lượng thường trực tại các cống để mở cống tiêu nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng yêu cầu ngành điện lực tập trung sửa chữa hệ thống lưới điện bị hư hỏng, ưu tiên tại các trạm bơm để tiêu úng cho lúa mùa mới cấy và điều tiết nước cho hệ thống nuôi trồng thủy hải sản của ngư dân ven biển; ngành GTVT huy động tối đa lực lượng, phương tiện tập trung cắt cành, thu gom cây bị  gẫy, đổ, đặc biệt tại các tuyến đường chính để đảm bảo an toàn  giao thông; các địa phương, cơ quan đơn vị chủ động khắc phục thiệt hại về cơ sở hạ tầng, bố trí lực lượng giúp người dân khắc phục những thiệt hại như tốc mái, đổ cây... góp phần làm giảm những thiệt hại do bão gây ra.

Bên cạnh đó, ngành thủy lợi phải bố trí trực 24/24 tại các trạm bơm, cống qua đê, điểm xung yếu để tiêu úng, cứu lúa, hoa màu.

Tại các cơ sở sản xuất giống cây trồng, lãnh đạo tỉnh Thái Bình động viên người lao động một mặt nỗ lực thu dọn nhà xưởng, kho chứa, hàng hóa bị hỏng, một mặt cần chủ động chuẩn bị giống cây trồng cho kịp thời vụ.

 

Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên kiểm tra thiệt hại và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 1 tại huyện Khoái Châu. Ảnh: Báo Hưng Yên

 

Tại Hưng Yên, mưa bão cũng gây thiệt hại nặng cho cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Vì vậy, các ngành chuyên môn cùng với bà con nông dân bắt tay ngay vào việc khắc phục hậu quả, ổn định đời sống trong thời gian sớm nhất.

Ngay từ sáng sớm ngày 28/7, Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên đã huy động toàn bộ nhân lực, phương tiện tập trung tiến hành cắt cành, giải tỏa các cây to bị gãy đổ; lực lượng dọn vệ sinh môi trường tiến hành quét dọn đường, thu gom rác thải, cành, lá cây gãy rụng. 

Lãnh đạo huyện Phù Cừ chỉ đạo vận hành các trạm bơm tiêu úng kịp thời hoạt động khi mực nước trên hệ thống sông trục và mặt ruộng lên cao; tiếp tục khơi thông dòng chảy, tạo rãnh tiêu nước trong đồng, vớt bèo, giải tỏa đăng, đó trên các sông trục, các đầu cống tiêu... Tuyên truyền, hướng dẫn các hộ trồng nhãn, chuối cách chằng, chống cây trồng giảm thiểu ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng; chủ động tiêu úng cho cây ăn quả và rau màu…

Huyện Ân Thi yêu cầu Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện phối hợp với các xã, thị trấn tập trung tiêu úng bảo vệ lúa; phân công cán bộ các ngành chức năng trực tiếp xuống địa phương phối hợp với lãnh đạo xã, thị trấn chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của bão và tiêu úng bảo vệ sản xuất; tổ chức phát quang, thu dọn cành cây bị đổ ngang đường bảo đảm an toàn giao thông. 

Công tác khắc phục hậu quả thiên tai cũng đang được triển khai gấp rút tại TP. Hưng Yên, các huyện Văn Lâm, Văn Giang, Mỹ Hào, Kim Động…

 

Công nhân ngành điện khắc phục hậu quả bão số 1. Ảnh: Báo Ninh Bình

 

Tại tỉnh Ninh Bình, một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề do bão số 1, các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn cũng đang tích cực khắc phục hậu quả.

Lượng chức năng TP. Thái Bình và Công ty Môi trường đô thị Tam Điệp đã huy động 100% lực lượng và phương tiện làm nhiệm vụ dọn dẹp cây xanh ngã đổ, khắc phục hư hỏng ở hệ thống đèn chiếu sáng…

Cơ quan điện lực đang hết sức tích cực giải quyết các sự cố, ưu tiên cấp điện cho các khu vực trạm bơm để bơm nước tiêu úng cho các diện tích lúa và thuỷ sản bị ngập. Các xã, phường huy động thanh niên, dân quân tự vệ giúp người dân sửa chữa nhà cửa…

Đến 16 giờ ngày 28/7, ngành điện đã khắc phục sự cố, cấp điện trở lại cho 24/36 trạm bơm lớn, 8/16 trạm bơm nhỏ trên toàn tỉnh để phục vụ việc chống úng ngập cho cây trồng; 2/3 địa bàn dân sinh đã được cấp điện trở lại; các trạm biến áp 110kV đã đóng điện xong trong buổi sáng ngày 28/7. Ngành điện phấn đấu đến 17 giờ cùng ngày các đường điện trung thế sẽ được đóng hết trên 44 lộ; đến 19 giờ cùng ngày sẽ khôi phục điện cho 100% trạm bơm lớn nhỏ trên địa bàn.

TP. Tam Điệp, huyện Nho Quan 100% trạm bơm đã có điện; huyện Gia Viễn đã có 2/3 số trạm bơm khắc phục được sự cố điện. Các huyện: Kim Sơn, Yên Mô, Hoa Lư phấn đấu đến 17 giờ chiều 28/7 khắc phục xong sự cố điện trạm bơm.

*Tại Quảng Ninh, căn cứ tình hình thực tế, đến 13 giờ chiều 28/7, do khu vực vịnh Hạ Long không còn gió lớn, thời tiết trở lại bình thường, Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh đã thông báo và cấp phép cho các tàu du lịch quay lại bến cảng hoạt động đưa đón khách du lịch trở lại bình thường.

Cùng thời điểm trên, tại cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn, hoạt động cấp phép cho các tàu đưa khách ra các tuyến đảo cũng đã trở lại.

 

Lực lượng chức năng dọn dẹp cây đổ trên phố Chàu Bộc. Ảnh: Kinh tế đô thị

 

*Tại Hà Nội, thông tin từ Hà Nội Mới cho hay theo số liệu thống kê đến 9h30 sáng 28/7 từ Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an TP. Hà Nội, do ảnh hưởng của bão số 1, trên địa bàn đã có 667 cây xanh đổ.

Trong số này có 4 cây đổ vào xe ô tô, 2 cây đổ làm 5 xe mô tô bị hư hỏng và 3 cây đổ chắn ngang đường sắt.

Ngoài ra, trên địa bàn TP đã có 10 điểm ngập úng, 2 cột điện đổ gãy và 19 nút đèn tín hiệu giao thông gặp sự cố. Lực lượng chức năng Thành phố đang nỗ lực khắc phục hậu quả.

UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo, các quận huyện, ban, ngành và các công ty liên quan đến lĩnh vực cây xanh, thủy lợi, môi trường, điện, nước và cảnh sát giao thông sẵn sàng chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện để chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết. Hiện nay một số địa phương đang bị mất điện, Công ty Điện lực Hà Nội khẩn trương kiểm tra, khắc phục sự cố điện tại các huyện Phú Xuyên, Thường Tín, Ứng Hòa, đảm bảo cấp điện sinh hoạt và trạm bơm tiêu úng.

Phòng CSGT đã huy động 100% lực lượng và phương tiện làm nhiệm vụ phân luồng, chỉ huy điều khiển giao thông và giúp đỡ nhân dân tại các khu vực ngập úng, cây đổ, bảo đảm giao thông thông suốt.

Kiểm tra tại đường Láng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng chỉ đạo các đơn bị nhanh chóng khắc phục hậu quả đổ cây và phòng chống ngập úng, đồng thời huy động toàn bộ lực lượng tham gia cứu hộ, phân luồng, rà soát thiệt hại.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh