CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:28

Độc đáo vườn quýt cổ Hang Hú

Độc đáo vườn quýt cổ Hang Hú - Ảnh 1.

Từ vườn quýt gia đình, anh Hoàng Quang Phiệt đã mạnh dạn kết hợp với du lịch để tăng doanh thu cho gia đình.

Giữa tháng 11 âm lịch, thời tiết ở Bắc Sơn rất lạnh, cái lạnh như cắt vào da thịt, khi nhiệt độ mấp mé trên dưới 10 độ C. Theo chân đoàn cán bộ của phòng LĐ-TB&XH huyện Bắc Sơn, chúng tôi đến với vườn quýt ở Hang Hú, nơi có những cây quýt cổ trên 30 năm tuổi. Để đến được vườn quýt, chúng tôi phải men theo lối mòn là những phiến đá xếp chênh vênh được ví như những nấc thang lên thiên đường bên vách núi với độ cao chừng 5-7m, rồi len lỏi qua các vách đá, bậc đá từ một lối đi nhỏ được bao phủ bởi thảm thực vật tím (những đám thài lài tía), dây leo, cây rừng khá nguyên sơ.

Dù đã được tả trước về khu vườn độc đáo nằm trên hang động, song chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì cảnh quan nơi đây rực rỡ và thơ mộng đến thế, một không gian khác lạ, trong veo với bầu không khí trong lành như thể lạc vào một khu vườn cổ tích với những cây quýt sừng sững, những quả quýt chín vàng ươm xen trong kẽ lá, lấp ló dưới tia nắng mặt trời, trĩu xuống như muốn lìa khỏi cành.

Độc đáo vườn quýt cổ Hang Hú - Ảnh 2.

Không gian khu vực cạnh lối vào đã được chủ vườn cải tạo, tăng thêm lán trại cho du khách có thể nghỉ chân cũng như phục vụ nhu cầu thưởng thức ẩm thực địa phương; những lán trại được chủ nhân thiết kế khá hợp lý khi xen lẫn trong tán cây, nép vào vách đá nên cảnh quan không bị phá vỡ; du khách cũng có thể thưởng thức quýt miễn phí đã được chủ vườn bày sẵn. Sâu hơn, những cây quýt nối đuôi nhau vắt qua sườn đồi thoai thoải; quýt vàng trải dài thu hút du khách thưởng ngoạn và chụp ảnh; càng thú vị hơn khi thi thoảng có những tiếng chim líu lo cất lên từ những cành quýt trĩu quả.

Tại đây, du khách cũng có thể thỏa mãn ham muốn khám phá của bản thân khi chinh phục đỉnh hang Hú. Vượt qua "Cầu lên đỉnh" bắc qua khe vực cạn, du khách sẽ lần theo lối mòn đã được chủ vườn cải tạo để khám đỉnh hang Hú. Lối mòn quanh co, dốc cao dẫn lên 2 đỉnh: Cột cờ và đỉnh Tâm linh. Đỉnh tâm linh cao hơn cả với nhiều mỏm đá tai mèo nhấp nhô, có thể bao quát 3 mặt ruộng đồng bao quanh lân đá hang Hú; du khách cũng có thể cầu bình an cho gia đình tại ngôi miếu nhỏ lộ thiên trên đỉnh. Đỉnh cột cờ thấp hơn, được chủ vườn dựng một cột cờ lớn để du khách "check-in".

Cửa Hang Hú, lối vào duy nhất của vườn quýt có tuổi đời trên 30 năm trong lân đá.

Mải mê với "hang động cổ tích", chỉ đến khi giọng nói sang sảng của anh Hoàng Quang Phiệt cất lên mời đoàn dừng chân uống nước khiến tôi bừng tỉnh. Trước mặt tôi là một thanh niên với gương mặt điển trai, năng động với nét mặt luôn tươi rói. Vừa rót nước mời khách vừa bóc những trái quýt chín vàng, anh Phiệt giới thiệu: Quýt ở đây rất đặc biệt vì được trồng ở thung lũng đá hay còn gọi là lân đá, nên quýt có được sự kết tinh màu vàng của nắng, vị ngọt của núi và hương thơm của gió. So với các giống quýt khác, quýt ở đây ngọt đậm, mọng và ít xơ, vỏ quýt mỏng tang, thơm đặc trưng của hang núi đá. "Bữa trước, có đoàn khách du lịch là người Trung Quốc đến tham quan, họ ngỡ ngàng trước khung cảnh hoang sơ, kỳ diệu của hang quýt khiến họ liên tưởng như chính núi Hoa Quả Sơn nên cứ "gạ" tôi nhượng lại cho họ", anh Phiệt "khoe".

Anh Hoàng Quang Phiệt giới thiệu về cây quýt cổ.

Như đoán biết những thắc mắc của chúng tôi, anh Phiệt nhanh nhẹn giải thích: "Nguồn gốc về cái tên Hang Hú, là do lúc đầu muốn vào được bên trong hang phải chui qua cửa có đường kính chỉ bằng… một cái hang. Còn gần 500 gốc quýt cổ trồng trên hơn 2 ha này được bố mẹ tôi trồng từ những năm 1980. Khi ấy bố tôi là cụ Hoàng Cao Vinh đi bộ đội lên đây thấy cả khu vực này còn hoang sơ, vắng vẻ nên nảy ý định khai phá để trồng cây lương thực. Đầu năm 1986, bố mẹ tôi bắt đầu trồng lứa khoai sọ và dong riềng đầu tiên, sau thu hoạch được một năm, trong một lần về xã Nhất Hòa, cách huyện Bắc Sơn hơn 20km thấy có những cây quýt cổ, quả ăn rất thơm ngon, ông liền xin giống là những hạt quýt mang về ươm, sau đó mang trồng tại Hang Hú này".

Những trái quýt căng mọng, vàng ươm.

Năm đầu tiên quýt lớn chậm, dần sau đó, cây bắt đầu xanh tốt và phát triển nhanh. Sau khi cho thu hoạch thấy lợi nhuận hơn hẳn khoai sọ và dong riềng nên gia đình anh quyết định chỉ trồng riêng quýt, mỗi mùa thu hoạch cũng được 200 triệu đồng. Năm 2015, trong một chuyến đi Yên Bái, đến đồi Mâm Xôi anh Phiệt chứng kiến người dân kết hợp làm du lịch từ chính cây lúa - cây lương thực rất gần gũi với người nông dân. Lập tức, anh Phiệt liên tưởng ngay đến vườn quýt của gia đình, một ý tưởng táo bạo xuất hiện trong anh: "Đến cây lúa còn làm du lịch được, vườn quýt nhà mình địa hình và cảnh quan rất đẹp, tại sao mình không thử?".

Độc đáo vườn quýt cổ Hang Hú - Ảnh 6.

Quýt trồng trong hang đá nên có được sự kết tinh màu vàng của nắng, vị ngọt của núi và hương thơm của gió.

Năm 2017, anh Phiệt bắt đầu làm du lịch, cũng từ đó, vườn quýt càng trở nên xanh tốt, quýt ra trái nhiều hơn. Nhiều người nói, có thể quýt đã "bén hơi" với người. Có lẽ như vậy, bởi theo anh Phiệt, anh cũng cảm nhận được điều đó vì trước kia, khi chưa làm du lịch, mỗi mùa quýt gia đình thu hoạch chỉ được 200 triệu đồng/năm, còn bây giờ kết hợp làm du lịch đã mang lại doanh thu gấp đôi. Những năm quýt được mùa thu hoạch được gần 30 tấn, năm ít cũng hơn 20 tấn, bình quân doanh thu từ 200 - 300 triệu đồng/năm.

Chia sẻ về việc kết hợp làm du lịch của mình, anh Phiệt cho biết, riêng vườn quýt đã đem lại thu nhập rất tốt, nhưng để thu hút khách du lịch nhiều hơn, anh còn mở thêm các dịch vụ khác, như làm chòi cao trong hang động để du khách có nơi thư giãn cũng như dễ dàng chạm tay vào những trái quýt vàng trĩu trịt chung quanh và thưởng thức các món ăn mang phong vị đặc biệt của Bắc Sơn như: Bánh chưng đen, gà núi đá, lợn rừng, xôi nếp cẩm… nhâm nhi vị rượu vang trong tiết trời se lạnh để cảm nhận hương vị riêng có ở nơi này.

Du khách tham quan và chụp ảnh tại vườn quýt cổ Hang Hú.

Theo anh Phiệt, hằng năm, Hang Hú đón khách du lịch đông nhất bắt đầu từ tháng 10 cho đến giáp Tết Nguyên đán, vé tham quan vườn quýt 30 nghìn đồng, nhưng hết mùa quýt giá vào vườn chỉ 10 nghìn đồng, khách đến chủ yếu nghỉ ngơi, tham quan và chụp ảnh. Đối với du khách gọi điện thoại đặt chỗ trước, đều được giảm 50% giá vé. Ngoài ra, đến với Hang Hú, du khách còn được thư giãn, tham quan, trải nghiệm, được ăn quýt miễn phí; đặc biệt các chòi trong vườn quýt vào những ngày bình thường du khách đến tham quan cũng được nghỉ trưa miễn phí.

Độc đáo vườn quýt cổ Hang Hú - Ảnh 8.

Độc đáo vườn quýt cổ Hang Hú - Ảnh 9.

Các chòi trong vườn quýt, nơi du khách thư giãn và có thể với tay hái được những trái quýt ưng ý.

Nói về cách chăm sóc cây quýt cổ, anh Phiệt cho biết, khâu chăm sóc rất quan trọng, mỗi năm phải chăm sóc một đến hai lần, sau Tết là thời điểm thích hợp để bón phân cho quýt, bằng cách dùng xà beng thục xung quanh gốc quýt, sau đó nhồi phân xuống các lỗ rồi tưới nước từ từ để phân ngấm sâu, chứ không rải phân trên mặt đất sẽ gây ô nhiễm và nếu gặp trận mưa rào thì phân sẽ trôi đi hết. "Đặc biệt quýt trồng trong hang có tuổi thọ lâu hơn so với những loại quýt trồng ở bãi đồi, nương, bởi quýt trong thung lũng được bao quanh bởi những dãy núi nên rất bền, không dễ bị chết như trồng ở các nơi khác", anh Phiệt nói.

Những cây quýt cổ thân cây to và xù xì nhưng cây nào cũng sai trĩu trịt.

Quá trưa, những tia nắng mùa đông le lói trên những chùm quýt cổ căng mọng, đưa tay chỉ về lối "Cầu lên đỉnh", anh Phiệt bảo: "Để vườn quýt Hang Hú trở thành điểm du lịch ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, hiện đường lên đỉnh của hang chỉ có một lối nhỏ cho cả chiều lên và xuống. Thời gian tới tôi sẽ hoàn thiện nốt lối xuống để du khách được trải nghiệm. Còn phía trên đỉnh cũng sẽ tạo thêm một số điểm để du khách cảm thấy không bị trống trải và dễ dàng lựa chọn cho mình những kiểu ảnh ưng ý nhất về cảnh quan nơi đây. Đồng thời, tôi sẽ đầu tư một nguồn nước để tạo thành các thác nước nhỏ để khi du khách đến bất kể vào mùa đông hay mùa hè vẫn cảm nhận được những tiếng rì rào của thác nước và nếu muốn du khách cũng có thể được tắm, vui chơi dưới dòng nước trong lành, giúp họ xua đi mọi ưu phiền trong cuộc sống".

Ngoài tham quan vườn quýt, du khách còn được thưởng thức các mon ăn mang phong vị đặc biệt của Bắc Sơn.

Trời chiều, khung cảnh trong Hang Hú càng trở nên huyền bí, từng cơn gió nhẹ thổi xào xạc bên những cành quýt cổ sai trĩu quả, bầy chim cũng kết thúc một ngày kiếm ăn đang ríu rít gọi nhau về tổ. Chia tay anh Phiệt, ra khỏi cửa hang cũng là lúc cơn gió đông thổi về lạnh cóng. Bất giác, hương thơm của những trái quýt căng mọng, thoang thoảng mùi hương trong gió, nơi đầu lưỡi vẫn còn đó dư âm vị thơm, chua chua, ngòn ngọt của trái quýt cổ nơi Hang Hú này.

Độc đáo vườn quýt cổ Hang Hú - Ảnh 12.

Sau khi ra khỏi cửa Hang Hú.

Một số hình ảnh tại vườn quýt Hang Hú:

Cầu lên đỉnh Tâm Linh, đỉnh Cột Cờ.

Độc đáo vườn quýt cổ Hang Hú - Ảnh 14.

Du khách chụp ảnh trên đỉnh Tâm Linh.

Độc đáo vườn quýt cổ Hang Hú - Ảnh 15.

Đỉnh Cột Cờ.

 

NGUYỄN SÍU - CÙ HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh