THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:20

Độc đáo tour du lịch “Biệt động Sài Gòn”

Đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, nhưng tên tuổi của cố tỷ phú Mai Hồng Quế (tên thật là Trần Văn Lai, bí danh Năm U.Som (USOM)) - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, luôn là tấm gương yêu nước mà các thế hệ sau không bao giờ quên. Ông Trần Văn Lai chính là nguyên mẫu trong phim "Biệt động Sài Gòn" của đạo diễn Long Vân - một trong các tác phẩm điện ảnh kinh điển của Việt Nam. Con trai ông là anh Trần Kiến Xương (tức Trần Vũ Bình, hiện là Phó Chánh Văn phòng - Trưởng đại diện Văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại TP.HCM). Hơn 30 năm qua anh âm thầm đi tìm kiếm, sưu tầm, mua lại những kỷ vật của cha cũng như lực lượng tình báo BĐSG. Đặc biệt, anh đã xây dựng thành công tour du lịch mang tên "Theo dấu chân thầm lặng Biệt động Sài Gòn" nhằm tái hiện những di tích, câu chuyện, hình ảnh của các chiến sĩ BĐSG để lớp trẻ hiểu và trân quý sự hi sinh của cha ông để có hòa bình, ấm no, hạnh phúc hôm nay.

Độc đáo tour du lịch “Biệt động Sài Gòn” - Ảnh 1.

Giới trẻ thích thú trải nghiệm tour “Theo dấu chân thầm lặng Biệt động Sài Gòn”

Anh Trần Vũ Bình chia sẻ về trăn trở của những người ở lại đang nỗ lực tìm hài cốt của những chiến sĩ BĐSG đã hy sinh trong các trận đánh. Để sưu tầm được các di vật, kỷ vật,… anh và hậu duệ của BĐSG đã phải lần mò, tìm gặp các nhân chứng lịch sử để nghe họ kể về quá trình hoạt động cách mạng của bản thân và đơn vị mình. Đến nay, họ đã sưu tầm được gần 10.000 tư liệu, hiện vật; phục dựng về nguyên bản hàng chục cơ sở cách mạng gắn liền với quá trình hoạt động của BĐSG, xây dựng chúng thành các di tích, địa chỉ đỏ và kết nối chúng lại thành một tour du lịch về BĐSG thật độc đáo…

Độc đáo tour du lịch “Biệt động Sài Gòn” - Ảnh 2.

Tại Bảo tàng Tình báo BĐSG ở 145 Trần Quang Khải, P. Tân Định, Q1, TP.HCM

Tham quan tour trên xe máy cổ của lực lượng tình báo BĐSG thời xưa, bạn trẻ Bảo Ngọc (TP.HCM) chia sẻ, tôi  hiểu được nhiều điều thú vị về quá trình hoạt động của BĐSG, cảm xúc tự hào xen lẫn bất ngờ thú vị. Địa điểm đầu tiên là quán cà phê Đỗ Phủ (113A Đặng Dung, P. Tân Định, Q.1) chính là Trạm giao liên có Hộp thư tình báo, nơi các chiến sĩ trao đổi mật thư ngay tại gian bếp nhỏ hẹp đó mà quân địch không hề hay biết. Sau đó lên lầu có không gian khá đẹp, nội thất bằng gỗ do chính chủ nhân ngôi nhà ngày xưa thiết kế và được lưu giữ nguyên vẹn. Thật bất ngờ khi nhìn chiếc tủ quần áo có vẻ mộc mạc, ngờ đâu bên trong là một căn hầm bí mật thông ra bên ngoài, để các chiến sĩ thoát thân khi có giặc truy tìm. Chưa hết, khi lật tấm ván tưởng như chỉ là sàn nhà bình thường thì ra dưới đó là hầm nhỏ và sâu chứa vũ khí bí mật, cất giấu tiền, vàng, vật lực. Tại đây, qua lời kể của nhân chứng lịch sử, du khách sẽ hiểu hơn về cách thức hoạt động tình báo.

Độc đáo tour du lịch “Biệt động Sài Gòn” - Ảnh 3.

Du khách tham quan Bảo tàng Tình báo BĐSG

Điểm tiếp theo là bia tưởng niệm các chiến sĩ biệt động đội 5 bên cánh trái của Dinh Độc Lập trên đường Nguyễn Du, Q.1. Du khách khám phá câu chuyện của họ về trận đánh Dinh trong đợt tổng tấn công mùa xuân Mậu Thân 1968.

Độc đáo tour du lịch “Biệt động Sài Gòn” - Ảnh 4.

Du khách tham quan tại tầng trệt di tích hộp thư bí mật và hầm nổi của BĐSG, số 113A Đặng Dung

Địa điểm nữa là căn nhà của ông Trần Văn Lai (ở 287/70-72 Nguyễn Đình Chiểu, P.5, Q.3), được ông dùng tiền cá nhân mua lại, theo chỉ đạo của cấp trên là nơi bí mật cất giữ trên 2 tấn vũ khí được mang về từ Củ Chi tại nhà của ông Trần Văn Lai, lúc bấy giờ là nhà thầu khoán cho Dinh Độc Lập. Trong sân đậu một chiếc xe hơi Citroen khi xưa ông dùng làm phương tiện để di chuyển vào Dinh Độc Lập và vận chuyển vũ khí…

Độc đáo tour du lịch “Biệt động Sài Gòn” - Ảnh 5.

Không gian lầu 1 di tích hộp thư bí mật và hầm nổi của BĐSG, số 113A Đặng Dung đã tồn tại trên 70 năm

Điểm cuối là Bảo tàng Tình báo BĐSG (145 Trần Quang Khải, P. Tân Định, Q.1), lưu giữ những câu chuyện lịch sử về quá trình hoạt động cũng như những kỷ vật của BĐSG. Du khách được bước chân vào thang máy cổ thời Pháp thuộc, trải nghiệm những thước phim lịch sử 3D sống động như lạc vào thế giới BĐSG. Bên trong bảo tàng là không gian hoài cổ của những kỷ vật như: tranh ảnh các chiến sĩ, sách báo, thư từ, bàn ghế hay chiếc xe đạp cho cô giao liên, các vật dụng vali, bình đựng nước, lon sữa Guigoz và chiếc máy đánh chữ trong văn phòng của Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu bỏ lại sau ngày 30/4/1975 còn lưu giữ lại. Sau đó du khách được thưởng thức ẩm thực đặc trưng rất ngon của người Sài Gòn thời kỳ đó, như: cháo quẩy và cà phê bơ Bretel, hay cơm tấm Đại Hàn tại "Tiệm cà phê Đỗ Phủ - Cơm tấm Đại Hàn" ở số 113A Đặng Dung, Q.1.

Độc đáo tour du lịch “Biệt động Sài Gòn” - Ảnh 6.

Hầm vũ khí bí mật của BĐSG ở 287/70-72 Nguyễn Đình Chiểu, P5, Q3. TP.HCM

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM cho biết: "Đây là tour dành cho những người trải nghiệm sâu về giá trị truyền thống và lịch sử của Sài Gòn - Gia Định, của Việt Nam, sẽ kén chọn khách. Nhưng đây cũng là một xu hướng du lịch hiện nay, đó là du lịch tăng tính trải nghiệm, du lịch chậm".

Theo anh Trần Vũ Bình, tour BĐSG được đánh giá là một chương trình học mới lạ, thú vị, thực tế, trong khi BĐSG là một lực lượng tình báo lâu nay ít được nhắc đến, mang nhiều ẩn số về cuộc đời hoạt động bí mật của các chiến sĩ. Hơn nữa, hiện các điểm di tích và tour BĐSG còn khai thác thêm về cuộc đời hoạt động của những nhà tình báo lỗi lạc của Việt Nam và tình báo BĐSG - lại là một chủ đề mới thu hút khách du lịch. Anh Trần Vũ Bình mong muốn, đến với những di tích này, du khách ngồi lắng đọng, suy nghĩ lại để hiểu thêm sự hi sinh to lớn của những chiến sĩ BĐSG năm xưa.

Hồng Nga

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh