“Say” rượu Tà Vạt
- Văn hóa - Giải trí
- 19:42 - 21/09/2015
Ông Hồ Nhật Tân hướng dẫn cách khai thác rượu Tà Vạt trên cây
“Men trời”
Đến nhà “nghệ nhân” Hồ Nhật Tân, ngỏ ý muốn tìm hiểu về rượu Tà Vạt, ông cười đon đả: “Uống rồi mới viết được nhé!”. Nói đoạn, ông ra sau vườn, trèo lên thang cẩn thận xách can nhựa chứa thứ nước màu trắng đục như sữa xuống, rót vào bát mời khách. Nhấp một ngụm, cảm nhận được sự nồng nàn của thứ “men trời”, chút thanh tao dịu ngọt đầu lưỡi. Ông Tân bảo, với người Tà Ôi, khách quý đến nhà mới được thết đãi thứ rượu truyền thống này. Xung quanh nhà ông, cơ man nào là cây đoác, đùng đình dùng để khai thác rượu.
Ngồi trò chuyện, ông say sưa kể về nguồn gốc cũng như công đoạn làm rượu Tà Vạt cùng những ký ức về rừng, mà một người dạn dày sương gió như ông đã trải qua. Ông kể, với người Tà Ôi, rượu đoác là thứ thức uống có từ ngàn xưa, trong các dịp lễ hội, cưới hỏi, mừng lúa mới… đều không thể thiếu thứ rượu này. Ngày xưa, từ những con suối nhỏ ở thượng nguồn đến giáp triền sông A Sáp, mọc rất nhiều cây đoác được người Tà Ôi khai thác làm rượu.
Chuyện kể rằng, có toán thợ sơn tràng, sau nhiều ngày lạc trong rừng sâu, sức khỏe kiệt quệ, cận kề cái chết. Khi họ ngả lưng vào gốc cây Tà Vạt, phát hiện dòng nhựa chảy ra từ đọt cây, họ vốc một ngụm uống thấy mát lành, người bỗng nhiên khỏe lại. Khi trở về bản quán, họ ghi nhớ được loài cây rừng đã mang lại sự sống cho họ. Rượu Tà Vạt ra đời từ đó. Về sau này, để tiện khai thác, người dân đã mang giống cây đoác từ những cánh rừng Trường Sơn về trồng trong vườn nhà để làm rượu.
Gia đình ông Tân biết làm rượu Tà Vạt đã ngót nghét 5 đời. Như lời ông nói, tập quán của đồng bào miền núi, đàn ông lên rẫy buổi sáng, băng rừng tìm những cây đoác thân cao lớn, sau khi dọn dẹp phát quang xung quanh, họ chặt tre làm sàn dựa vào những bẹ lá đoác to để có thể bắc lên ngọn cây khai thác rượu đoác. Đồng bào dùng rựa khoét một đoạn ở ngọn cây sau đó chọc ống tre chẻ nửa vào để cho dòng nhựa từ cây ứa ra chảy vào can. Nếu cây không cho rượu, có thể dùng ớt cay, lá môn giã mịn bịt vào phần ngọn cây bị khoét để “kích thích” cây cho rượu.
Rượu đoác từ công đoạn làm đến khi uống đều từ trên thân cây, không trộn lẫn một hóa chất nào nên không chỉ người Tà Ôi mà đồng bào các dân tộc khác ở A Lưới rất ưa chuộng. Quá trình lên men sau đó được người Tà Ôi mang vỏ cây chuồn phơi từ 3-4 nắng bỏ vào can rượu là uống được. Cách khai thác vỏ cây chuồn của người Tà Ôi cũng rất khéo. Vỏ cây được lóc nửa thân, sau khi phần lóc “lành” lại hẳn mới khai thác phần vỏ cây còn lại.
Nói về bí quyết điều chỉnh men rượu, ông Tân chia sẻ: “Vỏ cây chuồn bỏ vào can một đêm, quá trình lên men ít nên cho rượu vị ngọt thanh thanh, phù hợp với giới nữ trong các lễ hội. Còn vỏ chuồn ngâm từ 3-4 ngày rượu trở nên cay nồng, khi uống chất men chuếnh choáng dùng cho lớp trai bản, già làng. Cứ mỗi cây đoác, đùng đình bình quân vài ngày cho khoảng 5 lít rượu. Hiện nay, rượu đoác đã “ra thị trường” với giá 8 nghìn đồng/lít; vào mùa lễ hội giá tăng lên 10 nghìn đồng/lít.”
“Công trình” rượu Tà Vạt
Nhiều năm liền làm cán bộ văn hóa xã, ông Tân đã ấp ủ một “công trình” nghiên cứu về bảo tồn văn hóa của người Tà Ôi, trong đó có rượu Tà Vạt. Ông Tân tâm sự: “Năm 1988 mình đã có ý tưởng nhưng chưa có điều kiện. Mãi đến năm 2013 mình mới bắt tay vào làm.”
Bật máy vi tính, ông chỉ cho chúng tôi xem những fileword chi chít những câu chữ về nguồn gốc, cách làm, cách thưởng thức, giá trị văn hóa… của thứ thức uống này. “Công trình” dù còn thô sơ, chưa được in ấn nhưng với ông, đó là tâm huyết hơn 20 năm của người con Tà Ôi trăn trở bảo tồn một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Không chỉ đầu tư làm “công trình” nghiên cứu - mà như lời ông nói, để sau này con cháu mình có cái mà tham khảo, có cái mà đọc để biết cha ông mình làm rượu quý như thế nào, ông còn nhiệt tình giúp đỡ các sinh viên, học viên thực tập từ các trường ĐH có nhu cầu nghiên cứu về văn hóa của người Tà Ôi. Dù trời mưa hay giữa cái nắng hanh hao của Trường Sơn cũng không ngăn được bước chân của ông hướng dẫn, giúp đỡ các sinh viên tìm hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Gần đây nhất, ông “hướng dẫn” làm luận văn tốt nghiệp cho một sinh viên Trường ĐH Nông Lâm Huế.
Ông tâm sự: “Giúp lớp trẻ nghiên cứu về rượu Tà Vạt cũng là cách mình quảng bá về những văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Giờ đây, lớp trẻ người Tà Ôi không mấy người giữ được cái “nếp nhà tinh tươm” như xưa nữa. Đó là điều mình trăn trở.”
Để phát triển rượu Tà Vạt, nhiều năm làm đại biểu HĐND xã, ông đã kiến nghị đưa cây đoác, đùng đình quy hoạch trồng trong vườn nhà để các hộ khai thác rượu bán. Ông cũng đứng ra hướng dẫn bà con cách khai thác rượu Tà Vạt sao cho vừa hiệu quả, vừa bảo tồn được cây khai thác lâu dài.
Ông Tân chia sẻ, rượu Tà Vạt được bà con dùng như thứ thức uống bình thường hàng ngày. Rượu uống không say, không độc hại như những thứ rượu chứa nhiều cồn ngoài thị trường nên không ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội cũng như hạnh phúc gia đình. Đây là nét truyền thống đẹp riêng có của người Tà Ôi.
“Hiện trên địa bàn xã có khoảng 68 hộ dân làm rượu Tà Vạt. Làm rượu truyền thống đạt đến bậc “nghệ nhân” như ông Hồ Nhật Tân ở địa phương không còn mấy người. Cùng với sự nhiệt thành, trách nhiệm, ông Tân đã có những đóng góp tích cực nhằm bảo tồn, phát huy nhiều giá trị văn hóa của người Tà Ôi.”- chị Hồ Thị Nhung, cán bộ Văn hóa xã A Ngo chia sẻ.