THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:49

Độc đáo nét đẹp nhà sàn người Mường ở xứ Thanh

Thanh Hóa là tỉnh có dân số đông, với nhiều đồng báo dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống chủ yếu ở các huyện miền núi như: Ngọc Lặc, Lang Chánh, Cẩm Thuỷ, Bá Thước, Thạch Thành. Đồng bào dân tộc Mường có một nền văn hoá truyền thống vô cùng đặc sắc và độc đáo. Trong những nét đẹp văn hóa của người Mường ở xứ Thanh thì nhà sàn đã trở thành niềm tự hào của bao thế hệ người Mường, giống như bảo tang cổ về đời sống của họ. Với người Mường, ngôi nhà sàn là một tài sản lớn, nơi để họ hướng về tổ tiên, cội nguồn. Nên họ rất thận trọng khi chọn đất, chọn hướng, cho tới cách bố trí những đồ vật trong nhà. Người Mường quan niệm, làm nhà đúng hướng sẽ đem lại tài lộc, may mắn đến với gia đình, cũng như sẽ đón nhận được tiết trời trong lành và tiện cho việc sinh hoạt, đời đời no ấm.

Bà Lê Thị Thiết, Trưởng phòng văn hóa và Thông tin huyện Lang Chánh giải thích: “Trong tổng thể cách dựng nhà sàn của người Mường ở Thanh Hóa, mỗi bộ phận mang một ý nghĩa tâm linh sâu sắc, gắn kết chặt chẽ với con người hàng nghìn năm nay không thay đổi. Trong nhà được chia thành nhiều không gian, ngăn cách giữa các gian chỉ mang tính chất tượng trưng. Mặc dù không có cửa để phân chia các gian, nhưng họ có những quy ước nghiêm ngặt, ai được vào, khi nào được vào và không được vào. Đó là nét đẹp độc đáo của dân tộc Mường nơi đây”.

Cũng theo giải thích của bà Thiết, gian đầu tiên từ cầu thang lên gọi là gian Móng khách. Ở gian này người Mường thường dành để tiếp khách và trưng bày các đồ vật quan trọng trong nhà. Cách xắp xếp vị trí ngồi giữa chủ và khách ở gian này cũng khá đặc biệt, đó là khi có khách đến chơi nhà, bao giờ chủ cũng ngồi ở phía trong, còn khách sẽ ngồi phía ngoài. Đây là một quy định đã có từ nhiều thế hệ người Mường. Gian thứ hai là Móng Tông, đây được xem là gian thiêng liêng nhất trên nhà sàn. Ở gian này, có một cây cột to hơn các cây cột khác trong nhà, được người Mường trân trọng đặt bàn thờ tổ tiên. Mọi người kể cả chủ nhà (nếu không phải là trưởng họ) hay khách đến nhà chơi đều không được bôi nhọ, dựa lưng, gác chân, buộc đồ vật hay treo quần áo vào cột này. Phần cột dưới sàn cũng không được buộc trâu bò hay dựng, treo công cụ lao động. Người Mường quan niệm nếu phạm phải những điều cấm trên thì bị coi là xúc phạm đến gia đình, tổ tiên và thần linh. Ở gian này bất kỳ ai cũng không được ngủ, nghỉ (riêng con rể thì không được phép ngồi ở đây). Gian này thường treo những đồ vật linh thiêng trong nhà như: cồng, chiêng... Vào những ngày lễ hội hay ngày vui của gia đình, người Mường sẽ tổ chức đánh cồng chiêng để cho tổ tiên được chung vui cùng con cháu.

ảnh 3 kèm bài Nét đẹp nhà sàn người Mường ở xứ Thanh

Nhà sàn đã trở thành niềm tự hào của bao thế hệ người Mường

Còn gian thứ ba gọi là gian Móng Mụ (tức gian dành cho bà). Nơi này vừa là nơi bà ngủ, cũng là nơi để thóc lúa và đựng các tài sản như tủ, hòm, chăn, màn, quần áo của cả nhà. Gian thứ 4 gọi là gian Buồng dâu, gian này dành cho con dâu ở, phía dưới là nơi đặt bếp. Có một nét khá độc đáo là tại gian Buồng dâu, bao giờ cũng treo một chiếc Võng vía khi người con dâu đã sinh con.

Trong cấu trúc ngôi nhà sàn của đồng bào Mường, chiếc cầu thang là một hiện vật hữu dụng bình dị không thể thiếu. Nó không chỉ là những bậc đi lên, đi xuống, mà còn là chứa đựng trong đó những nét văn hoá mang tính nhân văn tốt đẹp của dân tộc Mường. Nhà sàn của người Mường thường có hai cầu thang đi lên nhà gồm, cầu thang chính và cầu thang phụ. Cầu thang chính đặt phía bên ngoài nơi có đường ngõ đi vào nhà, đây là cầu thang chính thức đi lên, xuống nhà sàn và đón khách đến nhà. Vào những dịp gia đình có việc trọng như: Tang lễ, đám cưới, khu vực quanh chân cầu thang chính là nơi diễn ra một số nghi lễ dân gian rất độc đáo mang đậm chất nhân văn của người Mường. Còn cầu thang phụ được đặt phía bên trong lên nhà bếp, hay phía cuối gian buồng, để cho người trong nhà lên xuống làm việc gia đình.Cầu thang chính đi lên nhà sàn cũng tuỳ theo điều kiện kinh tế của từng gia đình, đối với gia đình khá giả thì làm cầu thang bằng gỗ quý, đục đẽo, trạm trổ, tạo hình, tạo dáng rất đẹp. Còn những gia đình bình thường làm cầu thang cốt là vững chắc, an toàn mỗi khi lên xuống. Có những gia đình nghèo, khó khăn thì làm cầu thang bằng cây tre, cây bương rất đơn giản. Nhưng, dù cầu thang làm bằng cây gì đi nữa đều phải tuân theo nguyên tắc số lượng các bậc thang làm theo số lẻ, có 3- 5 - 7 - 9 bậc. Mỗi gian trong nhà đều có từ 1 đến 2 cửa voóng (cửa sổ), mỗi voóng trong ngôi nhà đều có tên và có ý nghĩa riêng. Ở bất kỳ hướng cửa sổ nào, với người Mường cũng đều rất linh thiêng, nên rất tối kỵ nếu phụ nữ (hay con dâu, con rể) ngồi lên cửa sổ.

Một nét văn hóa độc đáo và quan trọng nhất trong một ngôi nhà sàn của người Mường chính là bếp lửa. Với họ, bếp không chỉ là nơi để nấu ăn đơn thuần, mà còn là nơi để mọi thành viên trong gia đình ngồi tâm tình, chia sẻ những chuyện thường ngày. Khách đến nhà chơi cũng được gia chủ thân tình tiếp chuyện bên bếp lửa. Trong những ngày đông giá rét, mâm cơm thường được dọn ngay cạnh bếp lửa để ông bà, con cháu cùng ngồi quây quần bên bếp lửa sưởi ấm, trò chuyện. Có thể nói, bếp lửa được xem là linh hồn chính trong ngôi nhà sàn của người Mường ở xứ Thanh.

Trải qua nhiều thế kỷ, cuộc sống người dân tộc Mường ở xứ Thanh đã có nhiều thay đổi tiến bộ hơn với cuộc sống thực tế hiện nay, nhưng những nét văn hóa độc đáo vẫn được người Mường lưu giữ qua nhiều thế hệ. Điều này đã minh chứng rõ nét về sức sống lâu bền của nền văn hoá dân tộc Mường, là kho báu văn hóa quý giá đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

HOÀNG MINH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh