THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:35

Độc đáo lễ Nhảy lửa của đồng bào Dao đỏ

Theo quan niệm của người Dao đỏ, "lửa" tượng trưng cho sự sống và được coi như một vị thần linh thiêng, giúp mang lại ấm no, hạnh phúc cho bản làng. Mỗi năm, đồng bào Dao đỏ nơi đây lựa chọn một ngày tốt trong năm để tổ chức và thường vào cuối năm hoặc đầu xuân năm mới cầu thần Lửa mang lại sự ấm áp, mừng cho một vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc và cầu thần linh phù hộ cho bà con an khang thịnh vượng cũng như xua đuổi tà ma, bệnh tật.

Lễ hội được tổ chức trên một khoảng sân rộng. Trước đó, mọi người sẽ chuẩn bị một đống củi và tiến hành đốt lửa cho đượm than. Trong phần nghi lễ thì vật phẩm dâng cúng không thể thiếu các loại như: Cơm, gạo, rượu, gà luộc, nước suối, vải mộc màu trắng, hương, tiền làm bằng giấy bản, đèn hoặc nến… tất cả được bày trên một bàn gỗ dài. Khi các vật phẩm được chuẩn bị đầy đủ, nghệ nhân sẽ tiến hành phần nghi lễ cúng, cầu xin may mắn, bình an, mùa màng tốt tươi cho cả cộng đồng dân tộc và xin các vị Thần linh, Tổ tiên ban sức mạnh cho người chơi.

Độc đáo lễ Nhảy lửa của đồng bào Dao đỏ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo các nghệ nhân tại Hoàng Su Phì, khi nhảy lửa, có một quy định nghiêm ngặt với tất cả những người tham gia, trước hết phải là nam giới và cơ thể phải sạch sẽ. Trước khi nhảy lửa, họ phải đun nước tắm rửa, không được đi đại, tiểu tiện, không được bốc thức ăn để tránh bị bỏng. Vì vậy, nhảy lửa thường được thực hiện vào lúc tối, tức là sau khi những người tham gia đã ăn uống xong và tắm rửa sạch sẽ.

Trước khi tổ chức lễ hội, các gia đình chuẩn bị một mâm cỗ cúng bao gồm gà luộc, gạo sống, giấy bản, ống tre cắm hương, 5 chén rượu và một chén nước trắng. Buổi lễ bắt đầu bằng nghi thức cúng lễ, xin phép tổ tiên, xin phép thần linh cho dân làng được tổ chức lễ hội và mời các vị thần linh nhập vào các chàng trai. Bài cúng kéo dài khoảng nửa tiếng đồng hồ. Thầy cúng ngồi trên một chiếc ghế dài, cầm que gõ liên tục lên chiếc đàn - một nhạc cụ cúng tế phổ biến của người Dao đỏ. Khi đống củi đã cháy rực, thầy cúng sẽ xin quẻ âm dương. Nếu được thần lửa đồng ý, các chàng trai đã "hầu lễ" từ đầu sẽ ngồi trước mặt thầy cúng để phù phép. Khi tiếng que gõ trở nên liên tục, dồn dập hơn thì cũng chính là lúc cuộc chơi thực sự bắt đầu. Chỉ trong phút chốc, cơ thể của các chàng trai rung lên, lắc lư rất mạnh. Theo quan niệm của người Dao đỏ, thần linh, tổ tiên đã ban cho họ sức mạnh siêu nhiên và lòng dũng cảm để đương đầu với lửa nóng. Vì vậy, sau khi bốc than lửa bằng tay không, họ cũng không hề bị bỏng.

Đồng bào cho rằng, thời gian nhảy trên lửa ngắn hay dài phụ thuộc vào sức mạnh của thần linh ban cho các chàng trai. Mỗi lần nhảy lửa thường diễn ra trong khoảng 4 – 5 phút. Khi lửa tàn hẳn, thầy cúng sẽ đọc bài cúng tiễn các ma về trời và cảm ơn các vị thần đã xuống góp vui và phù hộ cho dân làng.

Lễ hội nhảy lửa của người Dao đỏ ở Hoàng Su Phì đã có từ lâu đời và được duy trì qua nhiều thế hệ. Nó không chỉ thể hiện khát vọng chế ngự thiên nhiên và mong ước về cuộc sống ấm no, làm ăn thuận lợi, bệnh tật đẩy lùi mà còn là "sợi dây" tinh thần gắn kết cộng đồng, giúp mọi người đoàn kết, gắn bó hơn để cùng nhau xây dựng bản làng ấm no.

Trước đó, trong khuôn khổ các hoạt động sự kiện "Phiên chợ vùng cao - Điểm hẹn Hoàng Su Phì, Hà Giang" diễn ra vào dịp 3/4-1/5 - 2021, tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Dao đỏ đến từ huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã có dịp tái hiện lễ Nhảy lửa truyền thống của dân tộc mình, khẳng định nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào được lưu giữ, trao truyền cho tới ngày nay.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh