THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:52

Độc đáo lễ hội vía Bà Chúa Xứ ở An Giang

1 - Trong dân gian vùng núi Sam, Châu Đốc, An Giang từ xa xưa đã lưu truyền nhiều câu chuyện mang màu sắc huyền bí về pho tượng Bà Chúa Xứ. Theo các nhà khảo cổ học, tượng Bà là hiện thân của thần Shiva, một tác phẩm nghệ thuật độc đáo được tạc vào khoảng thế kỷ VI, bằng loại nham thạch trầm tích có tên là diệp thạch. Khi phát hiện được tượng Bà trên núi Sam, chính ông Thoại Ngọc Hầu khi ấy giữ chức Trấn thủ trong vùng, đã cho 9 cô gái đồng trinh khiêng Bà xuống núi. Nhưng khi xuống tới chân núi, tượng Bà bỗng trở nên nặng chịch không thể khiêng tiếp được nữa. Thoại Ngọc Hầu và dân làng đoán Bà đã chọn nơi này để an tọa, nên đã cho lập miếu thờ Bà cho tới này nay.

 

Hàng năm vào mùa lễ hội vía Bà Chúa Xứ ở núi Sam, Châu Đốc, An Giang lại thu hút đông đảo khách thập phương tới tham dự 

 

 

Ban đầu miếu được xây dựng đơn sơ bằng tre, lá, cho tới khoảng năm 1870, miếu được xây bằng gạch, rồi tiếp tục được tu sửa xây dựng bằng đá miếng, lợp ngói âm dương vào năm 1962. Từ năm 1972 – 1976 miếu được tái thiết hoành tráng hơn với kiến trúc có dạng hình chữ quốc, với hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp 3 tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh ngọc, góc mái vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng ra khơi. Quần thể kiến trúc miếu có chính điện (nơi thờ tượng Bà), võ ca, phòng khách và phòng Ban quý tế. Theo Ban quý tế, lễ vía Bà Chúa Xứ (vía Bà) được tổ chức trang trọng thiêng liêng chính thức bắt đầu từ ngày 23 – 27/4 âm lịch hàng năm. Nhưng những năm gần đây ngay từ sau Tết Nguyên đán khách thập phương đã hành hương về miếu Bà dâng cúng lễ vật, cầu an rất đông đảo. Vào những ngày chính thức diễn ra lễ vía Bà các nghi lễ theo truyền thống được cử hành gồm lễ tắm Bà vào lúc o giờ đêm 23 đến rạng sáng 24/4 âm lịch

 

 Lễ phục hiện rước tượng Bà từ gần đỉnh núi Sam xuống miếu thờ được thực hiện với những nghi thức thật linh thiêng, tôn nghiêm

Đây được coi là phần lễ linh thiêng nhất, thực hiện việc tắm cho Bà là những người phụ nữ đã được tuyển lựa, có tư cách và phẩm chất đạo đức tốt. Nghi thức đầu tiên trong lễ tắm Bà là thắp sáng hai cây đèn cầy to trước tượng Bà. Ông chánh bái và hai bô lão cùng Ban quản lý lần lượt niệm hương, dâng rượu, trà cầu nguyện. Trong lễ tắm Bà bao giờ cũng có một mâm chất đầy những lọ nước hoa đắt tiền do bá tánh thập phương dâng lên, mỗi lọ đều được xịt một ít lên cốt tượng, phần còn lại trả cho cho chủ, họ kính cẩn đem về lưu cất coi như một thứ vật gia bảo. Lễ tắm Bà được kết thúc bằng việc mặc bộ ý phục, đội mão  đẹp nhất trong số những bộ y phục do bá tánh dâng cúng. Bộ y phục cũ của Bà được đem cắt nhỏ phân phát cho khách thập phương, coi như lá bùa hộ mệnh phù hộ độ trì cho mọi người sức khỏe sự an lành.

 

Sau khi hành lễ tắm Bà theo nghi thức thiêng liêng nhất, tượng Bà sẽ được mặc bộ y phục, đội mão đẹp nhất trong số hàng trăm bộ y phục mà bá tánh dâng cúng.

Tiếp theo là lễ thỉnh sắc và bài vị Thoại Ngọc Hầu cùng 2 phu nhân của ngài từ Sơn lăng về miếu Bà, diễn ra lúc 15 h chiều ngày 24/4 âm lịch. Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu là sự bày tỏ lòng biết ơn của người dân đối với ông, người đã có công lao khai phá vùng đất hoang vu, dựng làng, lập ấp, đặc biệt là việc đào hai công trình kênh Vĩnh Tế và kênh Thoại Hà. Vào lúc 0 giờ đêm 25 rạng sáng ngày 26/4 âm lịch lễ túc yết và lễ xây chầu diễn ra với nghi thức cúng là một con heo trắng, đồng thời mở màn cho cuộc hát bội, hát tuồng tích. Cuối cùng là lễ chánh tế được cử hành vào 4 giờ sáng ngày 27/4 âm lịch và lễ hồi sắc (đem sắc, bài vị Thoại Ngọc Hầu và 2 phu nhân trở lại Sơn lăng) vào lúc 16 giờ chiều cùng ngày, kết thúc phần lễ vía Bà trong không khí vừa trang trọng, vừa mang màu sắc huyền bí linh thiêng.

                                                                                               

 Phần lễ tiếp theo là phục hiện lễ rước bài vị Thoại Ngọc Hầu và hai phu nhân từ Sơn lăng về miếu Bà vào chiều 24/4 AL hàng năm

2-  Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (LHVBCXNS) là lễ hội tín ngưỡng dân gian đã được Bộ VH – TT (cũ) và Tổng cục Du lịch công nhận là Lễ Hội cấp quốc gia vào năm 2001. Từ đó tới nay, vào mùa Lễ Hội ngoài phần lễ được phục dựng công phu, trang trọng thiêng liêng theo nghi thức truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, thì phần hội hè cũng được tổ chức rất sôi động tưng bừng, với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian phục vụ nhân dân địa phương và khách hành hương. Từ khi được nâng lên lễ hội cấp quốc gia, với kinh nghiệm, cách thức tổ chức ngày càng được nâng cao hơn về chất lượng hình thức cũng như nội dung cả phần lễ lẫn phần hội.

 

 

Sau những phần lễ thiêng liêng theo ngi thức tâm linh, sẽ là phần hội tưng bừng với những chương trình biểu diễn nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Nam bộ.

Tại thị xã Châu Đốc, trong những ngày diễn ra lễ hội các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức khá hoành tráng, với 3 sân khấu phục vụ lễ phục hiện rước tượng Bà và biểu diễn nhạc ngũ âm mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Nam bộ. Đồng thời tại Trung tâm thương mại Vĩnh Đông và Công viên 30/4 cũng có 2 sân khấu, với các chương trình biểu diễn ca múa nhạc của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh (Việt, Hoa, Khmer)  tham gia lễ hội.

 

Biểu diễn lân, sư, rồng là một trong những chương trình hoạt động văn hóa, thể thao sôi động thu hút đông đảo người xem trong những ngày lễ hội  

 

Nhiều nghi thức của lễ hội được phục hiện bằng các tiết mục đặc sắc như múa đèn, múa dâng hoa vừa mang tính nghệ thuật truyền thống, vừa mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Ngoài ra tại thị xã Châu Đốc và khu vực núi Sam còn diễn ra nhiều hoạt động như triễn lãm ảnh nghệ thuật, các trò chơi dân gian, các hoạt động thể thao thật sôi nổi như: Đua thuyền, leo núi, biểu diễn lân, sư, rồng…Có thể nói phần hội được tổ chức đan xen với phần lễ diễn ra rất sôi động, từng bừng, đã góp phần vào sự thành công của lễ hội hàng năm. /.

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh