THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:55

Gùi hoa và những ngày ngóng chờ thần che ánh sáng

 

Vũ điệu mừng lúa mới của người Mạ.

Mạ và K’Ho là các tộc người thiểu số sinh sống lâu đời và có số dân đông nhất Nam Tây Nguyên. Họ sở hữu kỹ thuật rèn, đan, dệt lâu đời và rất nổi tiếng; sản phẩm làm ra được mang đi trao đổi, mua bán khắp miền xuôi, mạn ngược. 

Việc rèn sắt và chế tác thuyền độc mộc gần như đã thất truyền nhưng các nghề đan, dệt vẫn còn đất sống, nghệ nhân giỏi được kính trọng. Kỹ thuật đan gùi của các nghệ nhân được nâng lên đến mức nghệ thuật thể hiện ở hình dáng đa dạng, những mũi đan khó, hoa văn đan cài...

Đa số người chế tác là đàn ông

“Nghề đan gùi đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và kiên nhẫn, thế nhưng vì sao đa số người chế tác là đàn ông?”, tôi thắc mắc. “Đây là cơ hội để các chàng trai Tây Nguyên chứng tỏ sự tài hoa, khéo léo của mình trước các cô gái. Vả lại chỉ đàn ông mới có thể vào rừng tìm kiếm và chặt những cây vừa dẻo vừa bền như tre, nứa hoặc lồ ô. Mà phải chọn cho được những cây có mắt dài, thân thẳng, ngọn cong vút rồi đánh dấu và để lại đó, đến lúc thích hợp mới đốn về”, già làng Krajăn Plin (buôn Đăng Ya, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) giải thích.

Cũng theo già Plin, quãng thời gian lý tưởng nhất để đốn cây là tháng sáu, tháng bảy và phải đốn vào những đêm không trăng, tốt nhất từ ngày 27 - 30 âm lịch, để cây không bị sâu đục. Bà con bảo rằng, vì đó là ngày của thần linh.

Thần che ánh sáng khiến cho bóng tối bao trùm nên côn trùng bị che mắt, không nhìn thấy gì để phá hoại. Thực ra tập quán của đồng bào cũng mang tính khoa học: Vào những ngày này có sự tương tác về khí hậu, thời tiết và những sinh vật trong vũ trụ nên khắc chế được côn trùng. Khi đi săn, đồng bào cũng tránh những ngày từ 14-16 âm lịch vì đó là thời điểm trăng sáng nhất, hiếm khi bắt được thú; cá cũng ít cắn câu. 

 

Nghệ nhân K’Ho đan gùi

Nghề thủ công tinh xảo

Già K’Bon, già làng người K’Ho ở thôn Kala, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, Lâm Đồng vừa tỉ mẩn dùng con dao cán dài, lưỡi nhọn hoắt để chẻ lạt vừa kể: Sau khi đốn, cây được đem về cưa thành từng khúc, pha lạt, chuốt nan rồi phơi ở chỗ râm mát khoảng một tuần cho khô. Lúc bắt đầu đan lại mang số nan này nhúng vào nước để có độ dẻo, dễ đan hơn. Trước tiên, dùng nan xương có chừa phần to bản ở giữa để đan phần đáy. 

Kế đến là cài móng gùi rồi phải rất khéo léo để vừa đan vừa bẻ góc, uốn cong nan xương và cài khung (tròn hoặc vuông) để đan thân gùi. Bộ khung sẽ giúp chiếc gùi sau khi đan xong được tròn đều hoặc vuông đều từ đáy lên tới miệng. Miệng gùi được cạp bằng thanh tre già; sau đó, dùng dây mây cố định lại, tạo thành một vòng tròn cứng cáp.

Lấy chiếc gùi từ trên giàn bếp xuống, già K’Bon chỉ cho chúng tôi xem những hoa văn lạ mắt trên đó rồi giải thích: Lúc đan thân gùi thì kết hợp tạo hoa văn cho đẹp. Ngoài hai loại hoa văn chính hình quả trám và chữ V, còn có hoa văn hình mặt trời, mai rùa, móng chân chó… “Muốn tạo hoa văn thì đan cài các sợi nan đã được nhuộm màu đen hoặc đỏ. Phải dùng nhựa cây rừng để nhuộm nan chứ không mua phẩm màu ngoài chợ đâu!”, già bảo.

Già còn cho biết có thể dùng màu sắc tự nhiên của nan tre để tạo hoa văn: đan cài những nan tre có vỏ màu xanh với những nan được cạo sạch lớp vỏ xanh mỏng này. Đan xong thì gác gùi lên giàn bếp nhiều ngày để khói và bồ hóng ăn vào các nan gùi tạo ra hai màu đậm nhạt rõ rệt: nan từng có vỏ màu xanh sẽ chuyển thành màu nâu đậm, còn nan được cạo vỏ sẽ có màu vàng nhạt làm nổi bật các đường nét hoa văn. Hơi nóng từ lửa củi xông lên còn hun cho chiếc gùi thêm chắc, bền, đẹp và tránh được mối mọt.

Đế gùi được làm sau cùng. Vạt mỏng gỗ cây gạo hoặc cóc rừng rồi tùy thuộc vào độ lớn nhỏ của đáy gùi mà uốn cong theo hình bông hoa 4 cánh, mỗi cánh tựa sát vào một góc của đáy gùi. Sau đó kết chặt đế với 2 cây móng và cả phần đáy gùi cho chắc chắn để khi đặt trên mặt đất không bị ngã đổ. Hai dây quai được tết từ dây mây to bản hoặc vỏ loài móng bò dây, một loại dây rất dai thường được dùng làm chão cột bành cho voi. Nếu thích thì tết mắt công để trang trí trên thân gùi, mỗi gùi thường có 3 mắt công; cài những túm sợi hoặc len đã được cắt tỉa như đóa hoa xung quanh miệng gùi. 

Gùi thân tròn, đan thưa dùng để đi hái măng, bẻ bắp; Gùi thân tròn, đan dầy để đong lúa; gùi thân dẹt đan dầy dùng đựng cơm, ống tên khi đi rẫy, đi săn, khi đeo áp chặt vào lưng, rất thuận tiện khi luồn lách trong rừng. Gùi hoa dùng trong đám cưới, lễ hội được đan kỳ công hơn cả bởi ngoài giá trị là vật dụng, nó còn là người bạn, vật trang sức, là niềm kiêu hãnh và cả số phận của phụ nữ bản địa Tây Nguyên. Gùi hoa khá nhỏ gọn phù hợp với vóc dáng của từng sơn nữ và được trang trí các hoa văn, họa tiết đẹp mắt nhằm tôn thêm nét duyên dáng cho người mang.

 

Theo phong tục của cư dân bản địa Tây Nguyên, trẻ sơ sinh được 8 ngày tuổi thì làm lễ đặt tên. Nếu là bé gái sẽ được tặng chiếc gùi hoa xinh xắn. Đến lúc 6 - 7 tuổi, các em tập mang những chiếc gùi be bé trên lưng và từ đó cho đến lúc về với tổ tiên, người và gùi gắn bó như hình với bóng. Đến tuổi bắt chồng, sơn nữ Mạ giấu những lễ vật hứa hôn đặc biệt trong chiếc gùi rồi mang đến nhà trai. Còn với người K’ Ho, khi kết hôn, cô dâu chú rể được tặng cặp gùi có nắp thật đẹp, trong đó có nữ trang và những vật dụng cần thiết cho một gia đình mới như xà gạc, váy áo, chăn màn...

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh