Độc đáo cây chè Tổ ở Suối Giàng
- Văn hóa - Giải trí
- 16:06 - 13/10/2019
Từ Hà Nội vượt gần 200km với những cung đường đèo, cua, lượn, chúng tôi đến Suối Giàng (Yên Bái) giữa chiều nắng thu vàng óng.
Nằm ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) nổi tiếng là quê hương của loại chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Cây chè mọc tự nhiên, nhiều cây có thâm niên vài trăm tuổi, chẳng cần phân bón mà vẫn đâm chồi nảy lộc xanh biếc. Thân cây nhuộm màu trắng mốc, uốn lượn nhiều cành buộc người hái phải trèo lên thu hoạch. Với khí hậu vùng núi cao quanh năm mát mẻ nên lá chè rất đẹp, búp to, khỏe mạnh, được phủ một lớp lông tơ mịn như nhung, trắng như tuyết.
Một năm, chè Shan tuyết cho thu hoạch 3 vụ, trong đó vụ cuối thường vào khoảng tháng 8 đến 9 âm lịch. Chè Shan tuyết càng già càng quý, càng nhiều tuyết trắng thì tính dược liệu càng mạnh. Bởi vậy, những đôi bàn tay thoăn thoắt ngắt từng búp nõn nhưng vẫn nhẹ nhàng để không làm mất lớp tuyết trắng phủ bên trên. Không chỉ thu hoạch mà khâu chế biến chè Shan tuyết ở Suối Giàng cũng được làm thủ công. Sau khi chọn lọc, chè được đưa vào chảo để xao khô. Ngoài việc chú ý đến củi và lửa, người sao phải khéo léo để không làm rơi tuyết trắng còn bám ở búp chè khi đảo. Chè Shan tuyết sao thành công phải săn lại bằng hạt đỗ xanh, tuyết phủ trắng và mang hương thơm độc đáo thanh cao của núi ngàn. Khi pha chè thường cho ra nước sánh vàng như màu mật ong, uống vào còn dư vị ngọt mãi nơi đầu lưỡi.
Cành cây chè Tổ vươn dài, đan xen với nhau, lá chè to, dài và xanh thẫm.
Hàng năm, vào tháng 9, 10, người Mông ở Suối Giàng thường tổ chức lễ cúng cây chè Tổ nhằm bày tỏ lòng biết ơn, cảm tạ trời đất và cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người Mông rất trân quý cây chè của mình. Trong lễ cúng "ma nhà" của người Mông (mỗi năm, mỗi nhà chỉ cúng "ma nhà" một lần), cùng với con gà trống mà người Mông thờ cúng thiêng liêng luôn có cành chè mới hái trên sườn núi và ấm chè do đích thân gia chủ pha. Cùng với lời khấn cầu về sức khỏe và sự tiến bộ cho mỗi người trong nhà là lời khấn cầu cho cây chè luôn xanh tốt và cho nhiều búp non. Nguyện ước về tương lai giản dị đó cũng giống như nguyện ước của đồng bào ở các thôn, bản dân tộc khác về sự ấm no, an bình sẽ đi cùng với những gì cha ông đã trao truyền lại.
Bên cạnh những giá trị lịch sử, văn hóa, hàng chục năm qua, cây chè Suối Giàng còn được người dân khai thác mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo. Suối Giàng có tới 98% dân cư là người Mông, mỗi sân nhà đều có vài gốc chè, mỗi gia đình đều có người làm nghề chè. Vì vậy, chè không chỉ là niềm tự hào mà còn là nguồn thu nhập chính của những người dân nơi đây. Với sản lượng khoảng 500 tấn búp tươi/năm, chè là nguồn thu nhập chính của 60% số hộ dân trong xã.
Mải mê ngắm những cây chè Tổ và lưu luyến với những tấm hình kỷ niệm, đến khi nắng thu đã tắt hẳn, mặt trời cũng vội vàng xuống núi, thấp thoáng những giọt sương nhẹ trên những lá chè xanh thẫm. Một chút gió lạnh thổi về, rừng cây bắt đầu xào xạc lá, chúng tôi rảo bước nhanh hơn nhưng vẫn nhẹ tay hái một búp chè nhỏ để rồi lưu mãi vị thơm, chát, ngòn ngọt nơi đầu lưỡi của những cây chè Tổ nơi đây…
Để bảo tồn và phát triển giống chè Suối Giàng, đồng thời tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu chè Suối Giàng, nhãn hiệu "Chè Suối Giàng - Yên Bái" đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận theo Quyết định số 62700/QĐ/SHTT ngày 1/11/2012. Cùng với đó, quần thể 400 gốc chè cổ thụ trên 100 năm tuổi của xã Suối Giàng đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Ngoài ra, huyện Văn Chấn đang triển khai Đề án Bảo vệ và phát triển vùng chè Shan tuyết Suối Giàng giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu bảo tồn và khai thác hiệu quả diện tích chè hiện có và phấn đấu đến năm 2020, trồng mới 600ha chè Shan tuyết tại 6 xã vùng cao của huyện.