THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 07:56

Doanh nhân trẻ Việt Nam và kinh nghiệm nhìn từ tân Tổng thống Mỹ

 

Những phẩm chất tiêu biểu cần có của doanh nhân trẻ thời nay

Thuật ngữ doanh nhân (entrepreneur) được sử dụng lần đầu tiên trong lịch sử tại Pháp vào thế kỷ 17 nhằm mô tả những người chịu trách nhiệm việc cung ứng cho quân đội. Sau đó, thuật ngữ doanh nhân được sử dụng trong bối cảnh kinh tế để mô tả những người mua bán các sản phẩm và dịch vụ nhằm kiếm lời đồng thời cũng đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức.

Ngày nay, vai trò của doanh nhân được đề cao trong xã hội. Giới doanh nhân được xem là tác nhân tích cực trong nền kinh tế và là trung tâm của sự thay đổi. Chức năng quan trọng nhất của doanh nhân là sáng tạo. Doanh nhân là người nhận dạng được các cơ hội kinh doanh, họ thành lập doanh nghiệp nhằm mục đích theo đuổi những cơ hội làm ăn đó.

Cho đến nay, trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu về doanh nhân nhằm tìm hiểu những giá trị cơ bản và phẩm chất tiêu biểu cần có của doanh nhân trẻ. Qua đó, người ta đã xây dựng các biện pháp tác động tạo dựng những giá trị doanh nhân trong giới trẻ nhằm hình thành nên những thế hệ doanh nhân trẻ có năng lực và đóng góp nhiều cho xã hội đương đại. Sau đây là 5 nhóm giá trị cơ bản mà các doanh nhân trẻ Việt Nam nhất thiết phải hội tụ đầy đủ:

Thứ nhất là tính linh hoạt. Doanh nhân trẻ cần phải chứng tỏ khả năng nhạy bén cao trong môi trường kinh doanh. Họ cần phải có khả năng thích ứng rất lớn trước những thay đổi nhanh của môi trường sống cũng như môi trường kinh doanh, cụ thể như: thích ứng với những thay đổi của môi trường, với các hoàn cảnh kinh tế - xã hội mới, mềm dẽo và linh động trong các mối quan hệ làm ăn,… Khả năng thích ứng cao sẽ giúp cho doanh nhân trẻ dễ dàng thay đổi ngành nghề kinh doanh, mở thêm những ngành kinh doanh mới cũng như thay đổi về quy mô hoạt động (tăng hay giảm) và thay đổi chiến lược kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới, điều kiện môi trường mới.

Thứ hai là tư duy quản trị. Doanh nhân trẻ ngày nay cần phải thể hiện được năng lực và tư duy quản trị khá vững vàng. Các giá trị được đề cao là: tính sáng tạo, khả năng tạo được lợi thế cạnh tranh nhờ vào khác biệt hóa,… Để quản trị và điều hành một doanh nghiệp hiệu quả, doanh nhân trẻ cần có phương pháp làm việc khoa học, logic và sáng tạo. Ngoài ra, họ cũng phải chú trọng đến công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm tạo ra được những sản phẩm, dịch vụ chứa đựng tính sáng tạo và mới mẻ. Bên cạnh đó, trực giác tốt cũng là một yếu tố quan trọng. Các yếu tố trong nhóm giá trị này giúp cho doanh nhân trẻ có được một tư duy chiến lược tốt như: khả năng quan sát, khả năng phân tích kết hợp các yếu tố môi trường (môi trường vĩ mô và môi trường ngành), tầm nhìn dài hạn,…

Thứ ba là sự tự tin. Giới doanh nhân trẻ cần phải thật tự tin vào bản thân mình. Sự tự tin đi đôi với năng lực quản trị tạo dựng cho họ tính tự chủ và tính độc lập cao. Chính sự tự tin là nguồn động lực rất lớn giúp họ lạc quan về sự thành công của những dự án khởi nghiệp của mình. Trong quá trình khởi nghiệp của doanh nhân trẻ, sự tự tin mạnh mẽ là yếu tố vô cùng quan trọng giúp họ đạt được sự hậu thuẫn, ủng hộ của đối tác (những nhà đầu tư, nhà cung ứng, …), gia đình, bạn bè.

Thứ tư là sự mạo hiểm, quyết đoán. Ngày nay, thế hệ doanh nhân trẻ có thái độ mạo hiểm không cao hơn so với lớp doanh nhân đi trước như Bầu Đức, Bầu Thắng, hay xa hơn nữa là … Donald Trump. Lớp doanh nhân trẻ ngày nay chỉ lao vào mặt trận kinh doanh khi và chỉ khi họ thấy khả năng thành công cao và chắc chắn. Rất ít người trẻ bước vào khởi nghiệp với những dự án có rủi ro về tài chính. Có thể thấy rằng, những người chủ doanh nghiệp trẻ ở nước ta là những người “cơ hội”.

Thứ năm là sự bướng bỉnh. Đi liền với sự tự tin vào bản thân, các doanh nhân trẻ cũng cần có chút ít tính…bướng bỉnh. Kinh nghiệm cho thấy, trong quá trình khởi nghiệp, khi các chủ của doanh nghiệp trẻ gặp phải những ý khiến phản bác, trái chiều về tính viễn vông của quyết định khởi nghiệp, những doanh nhân trẻ thường hay cho rằng mọi người đã không đủ năng lực để hiểu được ý tưởng của họ. Tuy nhiên, doanh nhân trẻ cũng cần phân biệt rõ ràng giữa bướng bỉnh và bảo thủ.

Tại Lễ trao giải DN trẻ khởi nghiệp

Kinh nghiệm nhìn từ tân Tổng thống Mỹ

Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, Donald Trump làm việc tại chính công ty của cha mình. Cho đến năm 1974, Donald Trump quyết định thành lập công ty riêng và tất nhiên là ông cũng kinh doanh địa ốc như cha ông. Cách đây không lâu, một tờ báo nổi tiếng ở New York đã công bố hai danh sách trưng cầu về “Doanh nhân đang được biết đến nhiều nhất” và “ Doanh nhân đang được tôn vinh nhất”. Kết quả cuộc trưng cầu cho thấy trong cả hai danh sách này, Donald Trump đều đứng đầu và vượt xa các doanh nhân khác. Phần lớn số tiền mà Donald Trump đầu tư cho những dự án BĐS đều vay từ ngân hàng. Lúc ông chỉ mới 30 tuổi, ông nổi tiếng là một người mạo hiểm, quyết đoán, tự tin và chấp nhận phiêu lưu trong công việc kinh doanh BĐS. Vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX, Doanald Trump đã thực sự trở thành một ông trùm BĐS khi tất cả các dự án khách sạn, nhà cửa và đất đai đều tập trung vào tập đoàn kinh doanh BĐS của ông. Tiếng tăm của Donald Trump càng trở nên nổi hơn khi vào năm 1983 ông cho khánh thành tòa nhà Trump Tower nguy nga tráng lệ tại khu phố Manhattan sang trọng bậc nhất nước Mỹ. Dù sở hữu nhiều cơ sở kinh doanh trên khắp thế giới, trung tâm quyền lực của Donald Trump vẫn nằm ở tòa nhà Trump Tower, Manhattan, New York.

Vinh quang là thế, nhưng ít người biết rằng vào cuối những năm 1980 Donald Trump cũng có lúc sa cơ với số nợ ngân hàng hơn 5 tỷ USD. Lúc bấy giờ, thị trường BĐS đóng băng, tất cả văn phòng, nhà ở, khách sạn của ông đều không cho thuê được. Khó khăn chồng chất khó khăn, thời điểm đó ông bán đi tất cả các BĐS có thể bán được như New York Plaza Hotel và hãng hàng không mà ông mua năm 1989 là Eastern Airline. Người xưa có câu “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Trong lúc kinh doanh đang thua lỗ, nợ nần chồng chất thì cũng là lúc Donald Trump phải ra tòa li hôn với tổng chi phí hơn 20 triệu USD. Sự thành công trong kinh doanh trở lại với ông là cả một kỳ tích pha lẫn sự bí hiểm đến khó hiểu. Càng thất bại, Donald Trump lại càng mạo hiểm, quyết đoán, liều lĩnh và tự tin vào chính mình. Có lẽ máu kinh doanh đã ngấm vào con người của Donald Trump một cách mạnh mẽ. Hiện nay, ông đang theo đuổi nhiều dự án BĐS khổng lồ tại châu Âu. Giới kinh doanh cho rằng công ty của Trump là một doanh nghiệp gia đình điển hình, quy tụ những nhân viên trung thành lâu năm, hoạt động không theo các quy chuẩn mà chủ yếu dựa trên văn hóa Trump. Nhà tài phiệt này có thể nhượng lại công việc cho các cấp phó nhưng rõ ràng cái tên cũng như ảnh hưởng của ông đã được đóng dấu trong mọi hợp đồng mà công ty thực hiện.

Ngay từ thuở hàn vi, mặc dù chưa có tiếng tâm và giàu có nhưng Donald Trump được được mệnh danh là “vua tiền mặt”. Ông được biết đến là một doanh nhân có tính mạo hiểm, quyết đoán phi thường, đôi khi được giới kinh doanh BĐS đánh giá liều lĩnh. Khi đã thấy được cơ hội kinh doanh là ông quyết ngay lập tức. Và cũng nhờ tính quyết đoán phi thường mà ông đã khiến cho đối thủ đã bị sốc vì ông đã hớt tay trên trong nhiều phi vụ làm ăn BĐS. Giới kinh doanh nước Mỹ cho rằng kiểu kinh doanh của ông là “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Nhưng trên thực tế điều đó chỉ đúng một phần. Tiền làm ăn của ông phần lớn là tiền vay ngân hàng. Donald Trump rất bạo chi tiền mặt để đặt cọc cho những dự án địa ốc miễn là chớp được những hợp đồng có giá trị lớn. Lúc cơ hội đến, ông quyết ngay lập tức và chứng minh bằng những bao tải tiền mặt được ông chuẩn bị sẵn. Trong một cuộc phỏng vấn với New York Times năm 2015, Trump giải thích ông thường phê duyệt những dự án mới dựa vào "trực giác". Dù những năm gần đây, các con ông đang dần thể hiện vai trò lớn hơn tại công ty nhưng vào những thời khắc quan trọng nhất, ông vẫn phải góp tiếng nói quyết định. Cũng chính nhờ tính quyết đoán, mạo hiểm, liều lĩnh và tự tin ông đã phá vỡ mọi quy tắc chính trị và điều đó đã giúp ông chính thức trở thành Tổng thống Mỹ vào ngày 20 tháng 12 năm 2016.

Tóm lại, ý chí kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp ngày càng phát triển trong thế hệ thanh niên Việt Nam, nhất là những người trẻ mới tốt nghiệp đại học. Thành lập doanh nghiệp hiện nay đang trở thành một sự lựa chọn nghề nghiệp của rất nhiều thanh niên, Trong bối cảnh phát triển và chuyển đổi kinh tế ở nước ta, định hướng trở thành chủ doanh nghiệp cần phải được tăng cường hơn nữa trong hệ thống thông tin, giáo dục nhằm tạo động lực cho sự phát triển khởi nghiệp và ý chí kinh doanh trong giới trẻ. Để đứng vững và phát triển trên thương trường, doanh nhân trẻ cần phải học hỏi những kinh nghiệm quý giá, những tấm gương khởi nghiệp điển hình của thế hệ doanh nhân đi trước đến từ mọi quốc gia. Tôi hy vọng trong tương lai không xa, nước ta sẽ có một lực lượng doanh nhân trẻ có đủ tài và đức, đóng góp nhiều hơn cho xã hội nhằm góp phần xây dựng và kiến thiết đất nước.                                                                                      

ThS. LÊ HOÀNG TRỌNG (Khoa QTKD - ĐH Bình Dương)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh