THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:05

Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó

Sự khó khăn thấy rõ vì các hợp đồng xuất khẩu thường được ký với số lượng lớn và ký sớm cho đến tận ngày giao hàng, tính ra thường trước vài tháng cho đến cả năm, trong thời điểm đô la thì tăng, Euro thì giảm, tác động rất lớn đến thị trường xuất khẩu. Điều này khiến DN xuất khẩu đối mặt với chi phí đầu vào tăng lên khả năng bù lỗ vì hợp đồng là không thể thay đổi. 

Áp lực giá nguyên liệu đầu vào tăng

Dễ thấy các Cty xuất nhập khẩu do thanh toán đơn hàng bằng USD nên sự biến động của đồng tiền này trong những ngày qua đã lập tức tác động đến các DN lĩnh vực xuất nhập khẩu. Nhưng theo TS kinh tế Lê Đăng Doanh, ngành xuất khẩu của Việt Nam vẫn có thể hạn chế ảnh hưởng rất nhiều nếu các DN biết cách áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá, đa dạng hóa đồng tiền thanh toán, đa dạng hóa thị trường, hạ chi phí sản xuất để hạ giá xuất khẩu, tăng cường marketing… “

Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của Việt Nam hiện nay (kể cả xuất khẩu sang châu Âu) tuyệt đại đa số vẫn là sử dụng đồng USD; nhưng ngược lại, cũng vì Euro rẻ đi so với VNĐ, nên nhập khẩu từ châu Âu vào Việt Nam lại tăng lên, làm tăng sức cạnh tranh với các mặt hàng của doanh nghiệp nội địa”- ông Doanh nhận định.

Theo các DN xuất khẩu, những ngày qua họ phải liên tục cập nhật những thông tin giá cả từ Mỹ để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cũng như làm giá chào bán với các khách hàng. Trước đó, do đồng tiền tại các thị trường xuất khẩu quan trọng như EU và Nhật đều giảm giá so với đồng USD, buộc nhiều Cty xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã phải giảm giá bán hàng cho đối tác. 

Bên cạnh đó, DN còn phải đối mặt với giá xăng dầu tăng. Mặc dù chi phí giá điện và xăng dầu chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu giá thành sản phẩm, song theo nhiều DN xuất khẩu dệt may, việc cùng một lúc tăng giá khá mạnh của hai mặt hàng nguyên nhiên liệu đầu vào, đã khiến cho chi phí giá thành bị “đội” lên khá cao.

doanh nghiệp xuất khẩu gặp khóChế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Minh Phú.

“Với nhiều đơn hàng xuất khẩu đã được đàm phán và ký kết về giá, việc tăng giá nguyên liệu đầu vào đang khiến cho nhiều DN có nguy cơ mất lãi và giảm sức cạnh tranh của hàng hoá”- ông Nguyễn Đức Thăng, Giám đốc điều hành Cty Cổ phần May Đáp Cầu cho biết tại cuộc Tọa đàm “Hỗ trợ DN mở rộng thị trường”.

Cũng ông Thăng đơn cử, với một DN vừa và nhỏ, mỗi tháng doanh thu của DN đạt khoảng 30 tỷ đồng, thì chi phí sử dụng điện mà DN đó phải bỏ ra mất khoảng 400 triệu đồng, nay sẽ tăng thêm khoảng 100 triệu tiền điện/tháng (tương ứng với khoảng hơn 1,2% cơ cấu giá thành sản xuất).

Tuy nhiên, chi phí vận chuyển lại chiếm tỷ lệ khá cao từ 5- 10% trong chi phí giá thành sản xuất, nên việc điều chỉnh giá xăng dầu tăng cao, đã tạo nên tác động “kép” đến chi phí giá thành sản phẩm. Do đó, việc xăng dầu, và ngoại tệ biến động đã tạo gánh nặng cho DN, nhất là các DN xuất khẩu.

“Trong khi đó, các đơn hàng của chúng tôi đã được ký kết, đàm phán về giá ổn định đến hết quý III, nên rất khó thay đổi được đơn giá. Không điều chỉnh được giá bán, nhưng giá đầu vào lại liên tục tăng, sẽ khiến hiệu quả kinh doanh của DN không cao”- ông Thăng cho biết.

Doanh nghiệp chủ động đối phó

Do đó, trước việc giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng lên không thể tránh khỏi, nhiều DN đã chủ động tìm mọi phương thức để tiết giảm chi phí, giảm gánh nặng lên giá thành sản phẩm, như: tập trung đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ mới, sử dụng công suất điện ít hơn được các DN hướng tới, triển khai thực hiện để vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa tiết giảm chi phí nhiên liệu.

Tuy nhiên, cái khó bó cái khôn, DN nào cũng biết vậy, nhưng để đầu tư trang thiết bị đòi hỏi vốn lớn, không phải DN nào cũng đủ tiềm lực. Nên với các DN vừa và nhỏ, đa phần đành phải hướng đến điều chỉnh về thời điểm sử dụng động cơ sản xuất, chiếu sáng hợp lý và điểu chỉnh, sắp xếp khung giờ hoạt động sao cho phù hợp, tiết giảm một cách cao nhất chi phí để có lãi, đủ tái hoạt động.

Hiện các DN đang có gắng tìm kiếm thêm thị trường nước ngoài, đặc biệt là các nước trong khu vực để đón đầu cơ hội từ việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, song với giá thành ở mức cao, do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, sản phẩm sẽ khó có thể cạnh tranh tốt. “Sự phục hồi của nền kinh tế còn khá yếu ớt, nên việc tăng giá các chi phí đầu vào có thể khiến sự phục hồi này càng mong manh.

Điều này cũng sẽ hạn chế phần nào nỗ lực kích cầu thông qua các biện pháp giảm, giãn thuế cùng hàng loạt chính sách khác của cơ quan quản lý Nhà nước”- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết.

Bên cạnh đó, theo dự báo, xu hướng USD tăng giá so với các đồng tiền trên thế giới vẫn còn tiếp tục trong năm 2015, nên các DN cần quản lý rủi ro tỷ giá cẩn trọng, và đảm bảo tính cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu.

Ngoài việc chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ được đơn hàng, DN càng phải tính toán và siết chặt chi phí sản xuất để có giá thành ở mức tốt nhất, mới mong cạnh tranh nổi với các quốc gia có cùng năng lực xuất khẩu như VN. Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, các DN cần linh hoạt điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu nếu không muốn bị lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào đó.

Nguyễn Thanh

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh