CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:59

Doanh nghiệp Việt Nam cần làm chủ các công nghệ nền tảng trong Chính phủ điện tử

Tại Diễn đàn về Công nghiệp 4.0 năm 2019, chia sẻ về định hướng triển khai các nội dung công việc xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông đã cho biết, Chính phủ điện tử và đô thị thông minh là một mục tiêu kép. Trong đó, mục tiêu số một là xây dựng được một Chính phủ điện tử, đô thị thông minh hiệu quả; còn mục tiêu thứ hai là thông qua quá trình đó tạo ra được các doanh nghiệp Công nghệ thông tin mạnh để góp phần cho giai đoạn tiếp theo - giai đoạn chuyển đổi số, đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia, từ cái nôi Việt Nam đi ra toàn cầu.

Trên cơ sở nhận thức rõ hiện nay nhiều doanh nghiệp công nghệ đang cơ bản làm những việc giống nhau, "nhà nhà làm, làm cùng một thứ nhưng lại làm không đến nơi", người đứng đầu Bộ Thông tin và truyền thông cho biết tới đây Bộ sẽ phân vai một số các doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp nền tảng, với mục tiêu đặt ra là "doanh nghiệp làm cái gì thì sâu cái đó, không những tốt cho Việt Nam mà còn đi ra toàn cầu được".

Mới đây, tại buổi làm việc đầu tiên của Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử kể từ khi nhiệm vụ thường trực Tổ công tác được chuyển từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ Bộ Thông tin và truyền thông theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã một lần nữa đề cập đến cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử: "Chúng ta cần xây dựng Chính phủ điện tử tốt và dẫn đầu. Điều này sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp Công nghệ thông tin phát triển, phục vụ cho Việt Nam và từ Việt Nam đi ra nước ngoài".

Kết luận buổi làm việc của Tổ công tác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu rõ các công nghệ nền tảng trong Chính phủ điện tử mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm chủ được.

Cụ thể, về mật mã của Chính phủ điện tử, Bộ trưởng đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ rà soát, đề xuất mật mã dành cho Chính phủ điện tử việc gì sẽ do Ban làm, việc gì định hướng doanh nghiệp làm và những doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nào sẽ tham gia vào việc làm chủ mật mã Chính phủ điện tử. Trên cơ sở đề xuất của Ban Cơ yếu Chính phủ, dự kiến trước ngày 15/11/2019 sẽ có cuộc họp giữa Tổ công tác với Ban Cơ yếu Chính phủ để thống nhất vấn đề này.

Tập đoàn VNPT được giao nhiệm vụ đề xuất tiêu chuẩn công nghệ liên quan đến nền tảng chia sẻ dữ liệu, trình Bộ Bộ Thông tin và truyền thông xem xét, thực hiện ban hành. Cục Tin học hóa có trách nhiệm đề xuất danh sách các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực làm chủ công nghệ về nền tảng chia sẻ dữ liệu.

Bộ trưởng cũng nêu rõ, cần phải xem điện toán đám mây (Cloud Computing) là hạ tầng của hạ tầng, nên trong phát triển Chính phủ điện tử, doanh nghiệp Việt Nam phải làm chủ hạ tầng quan trọng này. Cục An toàn thông tin cần xác định các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng làm được điện toán đám mây cho Chính phủ điện tử.

Khẳng định bảo đảm an toàn, an ninh mạng chính là điều kiện tiên quyết để xây dựng Chính phủ điện tử tin cậy, Bộ trưởng giao Cục An toàn thông tin đề xuất danh sách những sản phẩm an toàn, an ninh mạng khuyến nghị cho Chính phủ điện tử, xây dựng tiêu chuẩn liên quan và hướng dẫn các doanh nghiệp cách thức tham gia cung cấp giải pháp. Kết luận buổi làm việc của Tổ công tác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu rõ các công nghệ nền tảng trong Chính phủ điện tử mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm chủ được.

THANH MẠNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh