Doanh nghiệp tìm điểm tựa từ Tham tán Thương mại
- Huyệt vị
- 22:10 - 26/02/2016
HNTTTM 2016 được tổ chức ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII với mục đích quán triệt và triển khai ngay các chỉ đạo của Đại hội Đảng và Chính phủ đối với việc đẩy mạnh các hoạt động ngoại thương trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Hội nghị nhằm đưa ra các giải pháp tăng cường xuất khẩu (XK) các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam trước cơ hội rộng mở cũng như không ít thách thức từ các Hiệp định TPP, FTA... Cùng với đó là tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ giữa Bộ Công Thương và các bộ, ngành thông qua công tác thị trường nước ngoài để thực hiện mục tiêu chung do Chính phủ đề ra là phát triển kinh tế đất nước và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong hoạt động kinh doanh với nước ngoài.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định: các cơ quan Thương vụ của chúng ta ở hơn 50 nước, các Tham tán thương mại, các đồng chí đã hoạt động tích cực, hiệu quả. Tôi mong muốn qua hội nghị này các đồng chí sẽ phát huy tốt hơn những kết quả đạt được; làm tốt hơn nữa vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm của mình đối với đất nước, đối với nhân dân. “Đồng thời, các Thương vụ, các Tham tán Thương mại phải luôn phát huy được vai trò là cầu nối giúp doanh nghiệp thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư, cung cấp thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách quản lý xuất nhập khẩu của nước sở tại và Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp trong tìm kiến thị trường và ký kết hợp đồng; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tìm hiểu thông tin về đối tác”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, HNTTTM 2016 diễn ra nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, công tác thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại (XTTM), góp phần tăng cường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tận dụng các FTA đã có. Đồng thời, củng cố và tăng cường hiệu quả công tác thương vụ.
Hệ thống thương vụ của Việt Nam hiện có 56 thương vụ và 7 chi nhánh với 147 biên chế. “Các thương vụ đều thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch được giao, chủ động triển khai hiệu quả các hoạt động chuyên môn; nhạy bén nắm bắt thị trường sở tại, thông tin kịp thời để trong nước có đối sách phù hợp và hỗ trợ tốt cho các DN” - Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhìn nhận.
Gian hàng của Việt nam tại Hội chợ Frankfult, Đức 2014, quảng bá sản phẩm Việt xuất khẩu vào EU (Ảnh minh họa)
Để tiếp tục phát huy vai trò của thương vụ, Thứ trưởng yêu cầu các thương vụ tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh XTTM, đầu tư, hỗ trợ XK, làm cầu nối cho DN 2 bên, làm tốt công tác nghiên cứu thị trường, phát hiện rào cản hàng XK của các nước; tuyên truyền phổ biến thông tin về thị trường cũng như chính sách thương mại, đầu tư của Việt Nam tại địa bàn.
Việt Nam đang bước vào quỹ đạo tăng trưởng kinh tế mới, với việc kết thúc đàm phán và ký kết thành công một số hiệp định thương mại song phương với các đối tác quốc tế gồm Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á- Âu và đa phương như TPP. Để có thể tận dụng được những cơ hội này, không thể phủ nhận vai trò của các tham tán, tùy viên, đại diện thương mại; sự đồng lòng và nỗ lực hợp tác giữa các tham tán, cộng đồng DN và nhà đầu tư quốc tế.
Được biết, Bộ Công Thương đã trình Đề án Phát triển hệ thống cơ quan xúc tiến thương mại, hi vọng qua đó tham tán sẽ hỗ trợ được nhiều hơn cho các DN Việt trên con đường nắm bắt các vận hội XK từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương.
Hiện nay nước ta có 56 Thương vụ (kể cả 3 Thương vụ Irac, Liban và Panama chưa triển khai do an ninh) và 7 chi nhánh. Trong năm 2014, 2015, các Thương vụ đã thực hiện tốt các nhiệm vụ, kế hoạch được giao, chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động chuyên môn; nhạy bén nắm bắt thị trường sở tại và đạt được nhiều kết quả tích cực nhất là trong thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu chính sách thị trường, hỗ trợ đàm phán, xúc tiến thương mại (trong 2 năm 2011- 2015, các Thương vụ đã triển khai hơn 600 hoạt động xúc tiến thương mại), hỗ trợ DN…