Doanh nghiệp "oải" vì thủ tục hải quan
- Huyệt vị
- 14:35 - 13/11/2015
Sáng 12/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam(VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan và cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đã báo cáo khảo sát năm 2015, về mức độ hài lòng của doanh nghiệp với thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. Tiếp cận thông tin, thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, sự phục vụ của công chức ngành Hải quan và kết quả giải quyết công việc là 4 nội dung khảo sát được tiến hành từ tháng 4 đến hết tháng 6/2015.
Cuộc khảo sát đã nhận được phản hồi từ hơn 3.000 doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Theo đó, 94% doanh nghiệp đánh giá sự chuyển biến của các chính sách, pháp luật về hải quan trong giai đoạn từ năm 2010 - 2015; đây là nét nổi bật về cải cách thể chế của Bộ Tài chính. Tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng với trả lời vướng mắc thủ tục hải quan đạt 76%.
Về giải quyết vướng mắc, kết quả khảo sát cho thấy, 55% doanh nghiệp chỉ phải đi lại một lần để hoàn thiện bộ hồ sơ xét miễn thuế hợp lệ. Đồng thời, có đến 82% doanh nghiệp đề xuất tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hải quan để góp phần giảm bớt thủ tục kiểm tra chuyên ngành giữa 8 Bộ, ngành - hiện vẫn đang làm mất nhiều thời gian và chi phí của doanh nghiệp; tăng cường quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để công khai, minh bạch thủ tục thông quan.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế của VCCI cho biết: “Thủ tục hành chính của ngành hải quan còn nhiêu khê. Có đến 58% doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục thông quan. Trong số các doanh nghiệp gặp khó khăn, có 83% doanh nghiệp cho rằng khó khăn nằm ở việc có quá nhiều biểu mẫu khai báo và hay thay đổi; 60% doanh nghiệp cho biết sự phối hợp giữa các cơ quan hải quan và các cơ quan khác có liên quan chưa đồng bộ. Có đến 48% cho biết họ bị cán bộ hải quan yêu cầu cung cấp thông tin, giấy tờ ngoài quy định; 37% doanh nghiệp đánh giá thủ tục thông quan chưa công khai thông tin và quy trình xử lý.
Tuy nhiên, khi đánh giá chung về việc giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp, cứ 10 doanh nghiệp thì 5,4 doanh nghiệp gặp vướng mắc. Trong số này, 77% doanh nghiệp tìm tới cục hải quan địa phương và 11% thì hỏi Tổng cục Hải quan. Kết quả nhận lại về mức độ hài lòng khi được hải quan giải quyết vướng mắc lên tới 76%.
Dù vậy, VCCI vẫn ghi nhận còn tới 28% doanh nghiệp xác nhận họ phải trả chi phí bôi trơn cho cán bộ hải quan thì mới giải quyết được công việc theo nhu cầu. Nếu không chi các khoản tiền không chính thức này thì 39 doanh nghiệp e ngại sẽ bị phân biệt đối xử.
Hình thức phân biệt đối xử lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải là bị kéo dài thời gian làm thủ tục (83%). Tiếp đến là doanh nghiệp bị yêu cầu, bổ sung, giải trình, các chứng từ không theo quy định của pháp luật và cán bộ công chức hải quan có thái độ không văn minh lịch sự...