Doanh nghiệp nữ với Hội nhập TPP: Cơ hội và thách thức
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 13:07 - 08/05/2016
Phụ nữ khỏe mạnh tạo ra nền kinh tế khỏe mạnh
Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, hiện nay ở nước ta, bình quân cứ 200 người dân thì mới có một doanh nghiệp (DN). Trong khi đó, tại những nền kinh tế phát triển thì cứ 15 - 20 người dân có một DN, đây là một sự chênh lệch khá lớn. Số DN do nữ làm chủ chỉ đạt 25%, chủ yếu là quy mô nhỏ, chính sách hỗ trợ hạn chế. Bên cạnh đó, những đặc tính về giới, phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn hơn so với nam giới trong việc hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh cùng khả năng tiếp cận các nguồn lực.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệp định TPP đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức để thực hiện cam kết. TPP đồng thời tạo môi trường làm việc tốt hơn cho người phụ nữ với hơn 70% lực lượng lao động sống ở nông thôn và gần 45% lực lượng lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp năng suất thấp và thiếu việc làm. Đây là lực lượng cần được chuyển hướng sang khu vực doanh nghiệp để nâng cao năng suất, đặc biệt khi các nước TPP có nhiều thế mạnh trong nông nghiệp. Công nhân nữ cũng như những phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa tham gia vào chuỗi giá trị kinh tế cũng cần được hỗ trợ kiến thức về lao động sản xuất, năng lực về quản lý gia đình, về kỹ năng để thoát nghèo bền vững. “Có thể nói, TPP có những tác động sâu rộng, trực tiếp không chỉ đối với doanh nghiệp nữ mà còn đối với các nhóm lao động nữ hiện nay”, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh.
“Từ chức năng nhiệm vụ, từ thế mạnh của tổ chức và từ trách nhiệm của tất cả chúng ta, Hội LHPN cần hỗ trợ phụ nữ tham gia TPP một cách chủ động, hiệu quả, thúc đẩy vai trò tiên phong của các doanh nghiệp nữ, thông qua các đề xuất chính sách, vai trò kết nối cũng như những hỗ trợ khác. Những phụ nữ khỏe mạnh theo đầy đủ mọi nghĩa sẽ tạo ra nền kinh tế khỏe mạnh" - Bà Hà khẳng định.
Theo bà Đinh Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Hà Căn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân nữ tỉnh Thái Nguyên: Hiệp định TPP có những tác động sâu rộng trực tiếp không chỉ đối với DN mà còn với hầu hết các nhóm lao động nữ hiện nay. Lao động nữ, công nhân nữ ở các địa phương cũng tham gia vào chuỗi giá trị kinh tế và đều cần được hỗ trợ kiến thức về lao động sản xuất và các kỹ năng cần thiết để thoát nghèo bền vững.
Đinh Thị Thu Hà cho rằng, để trụ vững và phát triển trong thời kỳ hội nhập thì DN phải có hành trang kiến thức pháp luật, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó tạo ra những mặt hàng độc đáo, khác biệt so với các nước bạn để phát triển và mang lại doanh thu cũng như giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
Doanh nhân nữ có nhiều thế mạnh để hội nhập thành công
Ông Trương Đình Tuyển cho rằng, về kinh tế TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Đáng chú ý là việc các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ giúp tạo ra “cú hích” lớn đối với hoạt động xuất khẩu của nước ta, nhất là đối với các ngành xuất khẩu quan trọng như dệt may, da giày, thủy sản...
Theo ông Trương Đình Tuyển, 3 ngành xuất khẩu quan trọng: Dệt may, da giày, thủy sản cũng là những ngành sử dụng hơn 50% lao động nữ, thậm chí còn có những ngành sử dụng tới 80% lao động nữ (dệt may). Đây cũng là những ngành nghề thuộc nhóm “thâm dụng lao động”, số lao động nữ ở đó lên tới vài trăm nghìn người. Điều đó đồng nghĩa với việc TPP sẽ tác động cả trực tiếp và gián tiếp tới việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận đông đảo lao động nữ cũng như tác động tới cuộc sống của nhiều gia đình.
TPP sẽ tạo ra những thách thức cạnh tranh không nhỏ đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt nói chung, doanh nghiệp, doanh nhân và lao động nữ nói riêng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nữ có lợi thế là khả năng thu hút nhiều lao động nữ từ khu vực nông thôn với chi phí đào tạo không nhiều. “Việt Nam cần chuyển nấc thang công nghiệp mới trong 10 năm tới vì đây là cơ hội lớn cần tận dụng. Nếu biết kiểm soát chuỗi giá trị cung ứng sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp nữ có cơ hội xuất khẩu nông sản sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Canada và Nhật Bản. Ngoài ra, cần đề cao vai trò của Hội LHPNVN trong hỗ trợ công tác đào tạo nghề cho phụ nữ ở địa phương và đẩy mạnh mạng lưới doanh nghiệp nữ để cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn và hỗ trợ nhau cùng phát triển” - ông Trương Đình Tuyển khuyến nghị.
Ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW cho rằng, để phát triển nền kinh tế một cách bền vững, đã đến lúc chúng ta cần có một cái nhìn chiến lược và dài hạn hơn, xây dựng trên nền tảng giá trị cốt lõi của doanh nghiệp đi liền với việc tận dụng các lợi thế so sánh trong ngành dệt may, đồ gỗ, da giày... Với phẩm chất bền bỉ, kiên nhẫn, khả năng kết nối sẵn có cùng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, các nữ doanh nhân chắc chắn sẽ hội nhập thành công ngay trên sân nhà và khu vực.